Mỹ thuật Việt Nam & hành trình kiếm tìm ngôn ngữ đích thực

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đến giờ, Mỹ thuật Việt Nam vẫn trong một quá trình khá chật vật, với tương đối ít cơ hội cho các nghệ sĩ cất mình. Chúng ta đang sở hữu “một nền nghệ thuật ấm ức, muốn nói mà không nói được, muốn diễn tả nhưng không diễn tả được”, như họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (Đức “nhà sàn”) nhận định. Ông nhấn mạnh, sự “ấm ức” này không xuất phát từ sự ngăn trở trói buộc, mà là do thế hệ họa sĩ, nghệ sĩ của chúng ta vẫn chưa tìm được ngôn ngữ đích thực.
Họa sĩ Đức Nhà sàn tại studio MU Lala, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng
Họa sĩ Đức Nhà sàn tại studio MU Lala, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng

Trong một thời gian rất dài, nghệ sĩ và công chúng đã tôn vinh giá trị nghệ thuật có tính chất cộng đồng. Nghệ thuật khi ấy được sử dụng như một phương thức tuyên truyền, hiệu triệu, động viên. Lịch sử mỹ thuật và lịch sử dân tộc luôn trùng khít với nhau, thể hiện qua vô vàn những bức tranh cổ động giai đoạn 1945 – 1975 cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Tính tuyên truyền, thời sự được truyền tải bằng ngôn ngữ tạo hình giản dị, dễ hiểu. Và dường như, giá trị nghệ thuật cũng luôn được hướng đi theo con đường một chiều đó. Người đi trước dạy người đi sau, người sau sẽ học theo và tiếp bước thế hệ đi trước, từ ghế nhà trường lẫn bước ra ngoài đời sống.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức sinh (Đức “nhà sàn”, Đức “đồ cổ”, sn 1953), là con trai thứ của cố nhà văn Kim Lân. Năm 2011, ông từng đoạt giải “Cánh diều vàng” – Liên hoan phim Việt Nam cho hạng mục Họa sĩ thiết kế, phim “Long thành cầm giả ca”. Ông từng tham gia làm bối cảnh cho phim truyền hình “Lều chõng” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), “Hạt mưa rơi bao lâu” (đạo diễn Đoàn Minh Phượng) và “Thời xa vắng” (đạo diễn Hồ Quang Minh).

Từ năm 1998 – 2020, đại bản doanh của “Nhà Sàn Studio” chính là tư gia của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, cái tên Đức “Nhà sàn” cũng từ đó mà ra đời.

Đến thời của Bùi Xuân Phái (1920-1988), Dương Bích Liên (1924-1988), Nguyễn Gia Trí (1908-1993)… mỹ thuật Việt Nam đã dần trở nên “đa diện”. Có thể nói, những cây đa, cây đề này chính là ngọn hải đăng soi sáng đường đi cho lớp trẻ. Thành Chương (1949) cũng là một cái tên được họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nhắc đến như người cắm dấu mốc quan trọng cho mỹ thuật Việt Nam. Thành Chương, một trong những họa sĩ “triệu đô” của hội họa đương đại Việt, là người dám bộc lộ thẩm mỹ, tư duy cá nhân một cách mạnh mẽ nhất. Ông chính là con trai của cố nhà văn nổi tiếng Kim Lân (Nguyễn Văn Tài, 1920-2007), và là anh trai của họa sĩ Mạnh Đức.

Tuy nhiên, những thay đổi mang tính manh nha này chưa thể tạo nên một làn sóng chuyển mình dữ dội, nếu so với thế giới thì mỹ thuật Việt vẫn còn trượt một đoạn dài phía sau.

Họa sĩ Mạnh Đức cho hay, thời kỳ của Trương Tân là một dấu son cần nhắc đến. Trương Tân (1963) là người Việt Nam đầu tiên tìm hiểu và dịch nghĩa Performance art (Nghệ thuật trình diễn) và Installation (Sắp đặt) ra tiếng Việt. Ông từng là giảng viên đại học Mỹ Thuật Hà Nội, sau đó chuyển đến Paris dưới sự tài trợ của Cité Internationale des Artes. Thông qua hội họa, vẽ, trình diễn, sắp đặt, điêu khắc và gốm sứ, Trương Tân đã thách thức quy ước xã hội, điều tra các chủ đề về bản sắc và tự do ngôn luận. Việc ông rời khỏi vị trí giảng viên Đại học phần lớn là do nghệ thuật đầy thách thức của bản thân, thể hiện công khai bản tính đồng tính của bản thân trong các tác phẩm. Trương Tân cùng Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường Veronika Radulovic – giáo viên Mỹ thuật người Đức (từng là giảng viên nghệ thuật đương đại trong trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội) đã mạnh mẽ kích động việc cần phải sáng tác câu chuyện cá nhân, nhuốm màu tư tưởng cá nhân, thoát ra khỏi áp đặt tư duy xã hội, để vươn đến một tầm cao mới. Trương Tân là người từng nói: “Nghệ sĩ Việt Nam làm ra các sản phẩm giống nhau chính vì phụ thuộc quá nhiều vào chất liệu. Cảm nhận nghệ thuật của tôi thông qua cả sáu giác quan, và đó chính là ‘chất liệu’.”

Mỹ thuật Việt Nam & hành trình kiếm tìm ngôn ngữ đích thực ảnh 1

Từ thời kỳ của họ, nghệ thuật và tranh không chỉ còn được đánh giá bởi tính cộng đồng hay mỹ cảm, mà bởi đặc thù tính cá nhân.

Cái mỹ thuật Việt Nam cần nhất hiện tại chính là có nhiều hơn những “đa diện”, đa chiều, không đồng nhất, phải có những con người dám đi ngược chiều xã hội, thậm chí “trái với thuần phong mỹ thuật truyền thống”, làm nổi bật lên được những khát vọng cá nhân, cho nhu cầu đòi hỏi, chấp nhận hay chối từ một cách bản năng, khác biệt.

Như Trương Tân nói về khát khao và dục vọng của người đồng giới - ở cái thời điểm khi mà xã hội còn nhiều cấm kỵ, xa lánh cộng đồng này. Và như Trương Thúy Anh (1974), “một họa sĩ trẻ của mỹ thuật Việt Nam” – như lời họa sĩ Mạnh Đức gọi - đã thực hiện một buổi performance art “Cưới” hồi tháng 9/2022 để gửi gắm thông điệp đòi “Quyền từ chối” – cụ thể là từ chối cưới, từ chối một quan niệm rất truyền thống – rằng cuộc đời trọn vẹn khi hai con người về sống dưới một mái nhà.

Họa sĩ Mạnh Đức đã trực tiếp tham gia góp ý cho “Cưới” từ những ngày thai ý tưởng. Một đám cưới vui vẻ hay một đám cưới khổ đau, xét cho cùng chỉ là bề nổi dễ dàng nhận thấy thông qua biểu hiện. Công chúng có thể dễ dàng nhận xét những lời như: “Đám cưới này thật đẹp, thật nghệ thuật làm sao.” Nhưng đó không phải là giá trị mà người nghệ sĩ hướng đến. Với ông, thưởng thức nghệ thuật không đặt ở việc ngắm nhìn những vẻ đẹp trông-thấy, mà là đọc ra thái-độ với cuộc sống của người nghệ sĩ thông qua những tác phẩm của họ.

Mỹ thuật Việt Nam & hành trình kiếm tìm ngôn ngữ đích thực ảnh 2

"Cưới" của Trương Thúy Anh, 2022. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng.

Nguyễn Mạnh Đức nhận định: “Nghệ thuật để đòi nhân quyền không còn lạ, nhưng quyền từ chối thì lại thường bị quên mất, hay lờ đi. Thứ ‘quyền từ chối’ này đôi khi để có được, chúng ta phải làm người khác, thậm chí cả gia đình đau khổ.”

Ông cũng khẳng định những họa sĩ, nghệ sĩ dám-làm như Thúy Anh rất đáng được hoan nghênh: “Dù chưa có nhiều kinh nghiệm và đủ can đảm để thực hiện những bước đi táo bạo nhất, nhưng so với những người theo đuổi performance art ở Việt Nam, thì ‘Cưới’ khá tốt, đáng khích lệ. Điều quan trọng là dám vượt qua chính mình.”

Tư tưởng đồng hành, dìu dắt lớp họa sĩ trẻ, tiếp nhận những loại hình mới, tư duy mới một cách đầy tích cực cũng chính là điều khiến giới họa sĩ coi trọng Đức “Nhà Sàn”. Họa sĩ Thúy Anh chia sẻ: “Anh Đức là một người chân thành, ấm áp và nghiêm túc trong mọi việc. Anh ấy như một người anh lớn, luôn động viên, cổ vũ những người làm nghệ thuật, khích lệ sự sáng tạo và cái mới trong tư tưởng và các thực hành nghệ thuật. Bản thân anh là người có sức làm việc đáng kính nể. Đối với tôi, anh ấy như một ‘thư viện về văn hóa Việt’.”

Nói về chuyện kết nối những nghệ sĩ trong cộng đồng, còn phải đặc biệt nhắc đến Trần Lương (1960) - nghệ sĩ tiên phong trong cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam, và là người góp phần dẫn dắt sự phát triển của nghệ thuật đương đại nước nhà. Trần Lương tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1983, là thành viên của nhóm Gang of Five nổi tiếng (cùng Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân HoàPhạm Quang Vinh). Ông tập trung phần lớn thời gian và công sức của mình vào việc giúp đỡ những nghệ sĩ trẻ thực hiện ý tưởng, mang những ý tưởng đó đến với các triển lãm quy mô khắp cả nước.

Trần Lương đi nước ngoài nhiều, tiếp xúc với nghệ thuật quốc tế, học hỏi mọi lý thuyết thực hành, quan niệm nước bạn. Nỗi trăn trở của người họa sĩ là có thể xây dựng hệ thống để tạo nên một trào lưu mới, giúp lớp trẻ phá được tư duy cũ, sáng tác và sáng tạo một cách khát khao hơn.

Ông từng mở một cuộc triển lãm, không chỉ bày tranh treo tường như bao cuộc triển lãm hội họa lúc bấy giờ, mà bố trí cả những đụn-đống dây thừng và nhiều góc sắp đặt gây kích thích thị giác, đảo lộn tư duy. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức kể lại: “Sau triển lãm, tôi có chia sẻ với Trần Lương - rằng tôi chưa hiểu về thứ ‘ngôn ngữ’ này, nhưng tôi cảm nhận được sự giải phóng. Thứ ngôn ngữ biểu đạt ấy cũng trực diện hơn so với việc vẽ tranh đơn thuần.”

Nhà Sàn Studio – với khu nhà sàn của Nguyễn Mạnh Đức và đầu óc tổ chức của Trần Lương - đã được lập nên để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ mới mẻ đó.

Mỹ thuật Việt Nam & hành trình kiếm tìm ngôn ngữ đích thực ảnh 3

Một tác phẩm của họa sĩ Đức Nhà sàn, thực hiện năm 2022.

Ở Việt Nam, tồn tại xu hướng công chúng định hướng nghệ thuật, Đức “Nhà sàn” nhận xét.

Hay còn gọi là công chúng “lái” nghệ thuật, nghệ thuật bị chi phối bởi thẩm mỹ của công chúng. Rất nhiều lần, “quan niệm xã hội” lôi người ta quay trở lại với “hệ thống”, với những thứ cố hữu, lâu đời. Tính truyền thống có lúc bị biến thành vũ khí bênh người này, trị người kia, thay vì là nền tảng giá trị phát triển văn hóa, họa sĩ Mạnh Đức nhận định. Người xem hiện có “quyền lực phán xét” quá cao, cùng thái độ có phần gay gắt, sẵn sàng từ chối, phủ nhận những thứ quá dị biệt khi chưa nắm được bối cảnh, câu chuyện.

“Một khi họ cảm thấy những tác phẩm không thỏa mãn thẩm mỹ của họ, họ sẵn sàng phê phán, rồi hơn thua, thay vì cùng đắm chìm trong một bầu không khí nghệ thuật, hưởng thụ nghệ thuật một cách đúng đắn.” Họa sĩ cảm khái, đến báo chí, truyền thông cũng sẽ không đứng ra bênh vực một người nghệ sĩ đang oằn mình dưới sức nặng phê phán của dư luận.

Mặt khác, mỹ thuật Việt Nam có vô số những gương mặt vẫn luôn được công chúng để tâm – thị trường đã chứng minh điều đó, với vô vàn những triển lãm bán được gần hết tranh. Có khi, nghệ thuật trở thành hàng hóa, một bức tranh được bày trong nhà với mục đích chính là thể hiện sự sang trọng, hay vì đơn thuần hợp màu nội thất, chứ không còn phản ảnh đời sống, tư duy cá nhân riêng biệt của cả nghệ sĩ lẫn người chi tiền ra sở hữu một tác phẩm.

Mỹ thuật Việt Nam & hành trình kiếm tìm ngôn ngữ đích thực ảnh 4

Ở Việt Nam, tồn tại xu hướng công chúng định hướng nghệ thuật, Đức “Nhà sàn” nhận xét. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng.

Điều này vô hình trung kéo theo sự nảy sinh một lớp họa sĩ - nghệ sĩ tập trung tạo nên những gì thuộc về thị hiếu số đông và phục vụ số đông, thậm chí những nghệ sĩ này còn “sợ khán giả”, hay đúng hơn là sợ bị rơi vào phán xét dư luận. Các nghệ sĩ trở nên dễ bị tổn thương, cuối cùng bị bao vây trong rào cản ngăn bản thân bứt phá.

Xét cho cùng, điều này không chỉ tồn tại ở mỗi Việt Nam, mà ở trên cả thế giới; không chỉ tồn tại ở mỗi lĩnh vực mỹ thuật, mà còn ở bất cứ mảng nào của nghệ thuật, – như cách người ta nhìn nhận những bài nhạc, ca sĩ thị trường. (Điều này vô tình cũng hình thành nên những cây viết “sợ nghệ sĩ”, “sợ công chúng” vì e ngại mình sẽ đặt chân vào một địa hạt không đủ tri thức và sự thành thạo trong nghề.)

Đúng ra, nghệ sĩ nên là người soi chiếu, nên giữ thái độ của mình đứng cân bằng ở một tâm thế “trên cao”, giữ vai trò như những tác nhân thúc đẩy sự sáng tạo thông qua đóng góp tính thẩm mỹ cá nhân, chứ không phải đem đến những thứ công chúng thích và cần, Đức “Nhà sàn” nói. Nghệ sĩ cũng cần phải liên tục trau dồi cả năng lực lẫn tinh thần, đủ sức mạnh đứng lên chinh phục xã hội.

Ngược lại, công chúng đam mê nghệ thuật có thể học hỏi từ các nghệ sĩ nhằm bồi đắp tri thức về nghệ thuật, tôn trọng nghệ thuật, mở lòng đón nhận trí tưởng tượng của nghệ sĩ, tránh tâm thế phán xét, thậm chí “triệt hạ”. Có một cái nhìn thoáng hơn với nghệ sĩ và nghệ thuật sẽ làm dày lên vốn văn hóa, mở rộng giới hạn của bản thân, cũng làm rộng ra con đường để khán giả tiến đến địa hạt của nghệ thuật.

Nhân nói về câu chuyện công chúng và thị trường tranh, có thể nói thị trường tranh của Bùi Xuân Phái tại Việt Nam đã từng rất sôi động nhưng lại sớm nguội đi. Nguyên do là vì vấn nạn làm tranh giả tràn lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín, chất lượng thị trường mỹ thuật Việt, một cái giá đắt đỏ cho giới nghệ sĩ và cả công chúng yêu tranh. Một nền nghệ thuật vốn đã nhiều “ấm ức” lại càng trở nên bị dồn vào thế kẹt.

Dù vậy, như hai mặt của một đồng xu, câu chuyện phải tranh đấu, phải cựa quậy, đè nén, chật chội lại đem đến cho giới nghệ sĩ Việt những chất liệu sáng tác giàu có không ngờ. Đức “Nhà sàn” cho biết:“Chính những thứ đó có thể làm bật lên được giá trị quật cường và sự dũng cảm của các nghệ sĩ. Một nơi quá yên bình, phẳng lặng, thoải mái đôi khi lại làm nhạt màu đi cảm xúc.”

Ông kể, có những sinh viên Mỹ đến Việt Nam để tìm kiếm tư liệu, dễ dàng bị xúc động bởi bóng hình bà lão đẩy chiếc xe cút kít trong đêm đông dưới ánh đèn đường vàng vọt. Chính vì có quay quắt, có hơn thua, có dư luận trái chiều, nghệ sĩ Việt càng có nhiều tiềm năng và “đất” để phát triển, trở mình. “Miễn là chính chúng ta không bị thờ ơ với những tư liệu đó – chỉ vì đã thấy hàng ngày, thấy thường xuyên.”

Mỹ thuật Việt Nam & hành trình kiếm tìm ngôn ngữ đích thực ảnh 5

***

Sống và làm việc trong một nền mỹ thuật non trẻ và còn tụt hậu so với thế giới, lớp nghệ sĩ Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tiến lên trên một con đường dài. Có thể nói, ở Việt Nam, khái niệm “sáng tạo” hay “thể nghiệm” không quá rõ ràng, do những điều chúng ta làm bây giờ đã có sẵn trên thế giới, đôi khi từ hàng chục năm trước. Muốn đạt được đến ngưỡng “đương đại” thì cần có can đảm vượt qua ngưỡng “truyền thống” nhưng không lo sợ “mất đi truyền thống”, mà vẫn đầy phong vị của người Việt.

Hermann Hesse từng viết trong cuốn “Demian – Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair” rằng “Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết, phải phá hủy một thế giới”. Trong thần thoại Ấn Độ, Thần Hủy Diệt Shiva cũng chính là vị thần của sự sáng tạo và tái sinh. Khi được hỏi về những cái tên sáng giá đủ sức “phá hủy”, hay “làm tái sinh” nền mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Đức “Nhà sàn” cười: "Điều này thật khó nói, ngày hôm nay, những gì một người nghệ sĩ thể hiện ra có thể chưa tốt, nhưng rồi sẽ có một ngày, họ bất chợt lại vụt sáng."

Chính những sự bất ngờ kỳ diệu, không thể đoán định ấy tạo nên một nền mỹ thuật đầy kỳ diệu và đáng được trông chờ./.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thăm và làm việc tại LB Nga
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thăm và làm việc tại LB Nga
(Ngày Nay) - Nhận lời mời của Đại tướng Sergey Shoigu, Thư ký Hội đồng An ninh LB Nga, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an do Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã thăm và dự Hội nghị Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh các nước tổ chức tại St. Petersburg.
UNESCO gây quỹ 44,5 triệu USD cho giáo dục Cameroon. Ảnh: UNESCO
UNESCO gây quỹ 44,5 triệu USD cho giáo dục Cameroon
(Ngày Nay) - Trong chuyến thăm chính thức tới thành phố Yaoundé (Cameroon), Tổng giám đốc UNESCO đã công bố huy động 44,5 triệu USD (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) cho giáo dục tại Cameroon. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để hiện đại hóa chương trình giảng dạy tại trường học và đào tạo hơn 28.000 chuyên gia giáo dục.
Nhiều khu vực trên cả nước duy trì mưa dông
Nhiều khu vực trên cả nước duy trì mưa dông
(Ngày Nay) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm 12/9, khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm.
(Từ trái sang) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Ngoại trưởng Anh David Lammy tại cuộc gặp ở Kiev ngày 11/9.
Phương Tây hối thúc Ukraine tính toán phương án B
(Ngày Nay) - Ukraine đang chịu áp lực từ phương Tây để điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh Nga tiếp tục đạt được những bước tiến dù chậm chạp. Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy Kiev đưa ra một kế hoạch thực tế hơn, có thể đạt được trong năm tiếp theo, nhằm duy trì sự hỗ trợ quân sự từ các đồng minh.
Người già cô đơn
Người già cô đơn
(Ngày Nay) - Người già cô đơn đang trở thành một vấn đề xã hội đáng lo ngại trong những năm gần đây. Với nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại, không ít người lớn tuổi rơi vào xế chiều cô quạnh, thiếu thốn tình cảm từ gia đình, xã hội và chịu nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.