Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đêm trước ngày trăng tròn nhất, rất đông anh em giới nghệ sĩ trong những bộ cánh đỏ và đen (theo yêu cầu của cô dâu) đã cùng nhau kéo về dự Lễ cưới của nữ họa sĩ Trương Thúy Anh. Tôi may mắn là người nhận được "thiệp hồng" của chị, trong đó có dặn trước: Xin phép không nhận quà mừng. Và cho đến tận khi kết thúc tất cả buổi tiệc, không ai biết được tên chú rể là gì. 

Đúng một ngày trước Trung Thu, tôi khoác lên mình bộ cánh đỏ, đến MU Lala Art space, xưởng vẽ ở Ngõ Ao Nghè - đây là nơi sẽ tổ chức Lễ Cưới của chị.

Con ngõ sâu hun hút, không trang trí cầu kỳ, không nam thanh nữ tú đón khách tươi vui, chỉ độc duy nhất một miếng dán HỈ.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 1

Lời thông báo rằng "Nhà có tin vui" dán một cách đơn giản.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 2

Những đồ ăn uống đơn giản đặt trên bàn, bên cạnh những món đồ tạo tác nghệ thuật.

Trời tháng Tám tối nhanh, chẳng mấy chốc không gian xưởng vẽ bên hồ sen Đầm Trị đã chìm dần vào tĩnh mịch. Đèn đóm trong vườn được thắp sáng. Những gương mặt thân quen trong giới họa sĩ ẩn hiện dưới những ánh đèn chao nghiêng vì gió.

So với lần cuối tôi đến MU Lala, giờ đây dây leo giăng đầy khắp lối, phía bên trên những dãy bàn, trên tường, rồi tràn sang cả hai bên. Không ai bảo ai, tất cả những vị khách của đám cưới thốt nhiên hạ đi tông giọng, chỉ còn những tiếng xì xào, những tràng cười khe khẽ. Người ta hỏi nhau: "Thúy Anh cưới, mà cưới ai?" Thậm chí đến cả trên tấm phông, tên chú rể cũng bị một miếng dán HỈ che đi mất. Một đám cưới kỳ lạ.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 3

Các vị khách có thể ngồi ở bất cứ đâu, ăn bất cứ thứ gì, trước khi đến lượt vào thăm cô dâu của mình.

Hơn sáu giờ, một người đàn ông trẻ đứng ra thông báo đã đến lúc "mở tiệc". Anh mời những vị khách xếp hàng, mỗi người có thể vào sau nhau 10 giây. Chúng tôi được đề nghị giữ yên lặng, không chuyện trò với cô dâu, nhưng vẫn có thể "bày tỏ tình cảm" bằng những cái ôm, kẹo, trà, rượu hay thuốc để sẵn bên ngoài. Có thể chụp ảnh, nhưng không được dùng đèn flash.

Anh cũng chẳng nhắc đến một chú rể nào. Cư nhiên, đến giờ thì ai cũng hiểu, sẽ chẳng có một "đối phương" nào của Thúy Anh. Lễ Cưới là một sự kiện nghệ thuật quy mô, được dày công dàn dựng của nữ họa sĩ. Còn quy mô lớn đến đâu, thì ai nấy đều hồi hộp chờ xem điều gì sẽ hiện ra phía sau tấm màn bạc.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 4
Từng tốp người nối nhau chờ đến lượt gặp cô dâu.

Màu đỏ của máu

Sau bức màn, gương mặt Thúy Anh nhợt nhạt xuất hiện đột ngột. Ánh sáng trắng lóa tập trung vào người chị, trong không gian đen đỏ đan xen, càng khiến cho ấn tượng thị giác ban đầu trở nên dữ dội. Thúy Anh nhìn vào mặt vị khách là tôi, mà lại như không nhìn vào ai cả. Cô dâu khoác trên mình bộ váy cưới - mà về sau tôi biết là được làm từ giấy - chầm chậm trôi đi trên đôi chân trần. Phải nói là trôi đi, lơ đãng, chậm rãi, mất hồn.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 5
Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 6

Khung thép sừng sững được giả định là "người chồng" của Thúy Anh.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 7

Cô dâu bước đi chậm chạp trong khắp căn phòng, được phủ kín bởi những tác phẩm nhuốm màu đỏ máu của mình.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 8
Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 9

Trong những phút ban đầu, đa phần những vị khách đều sững lại, chỉ đứng nép một bên và nhìn cô dâu di chuyển.

Tôi có thể hiểu vì sao Thúy Anh lại yêu cầu những vị khách đến hãy mặc đồ đỏ và đen. Là để trang phục của chúng tôi sẽ hòa hợp với không gian căn phòng, sẽ không bị lệch tông và làm ảnh hưởng đến việc thưởng thức màn biểu diễn của những vị khách khác, thậm chí - để chúng tôi trở thành một phần của màn biểu diễn.

Những phút ban đầu, tôi cũng như đa số, đều sững lại và đứng nép một bên tường, chăm chú nhìn theo từng bước đi của chị. Sự yên lặng đến nhức nhối, chỉ có âm thanh monotone những tiếng bấm máy vội vàng.

Cô dâu lúc thì đứng giữa căn phòng, lúc đến ngồi bên cây đàn piano, có lúc đi quanh và tựa đầu vào vai "người chồng" làm từ thép, có lúc lại ngẩn ngơ nhìn vào những bức vẽ trên tường.

Trong phòng bật "Symphonie monotone silence" của tác giả người Pháp Yves Klein (1928-1962), một thứ âm thanh mà theo Thúy Anh, có thể gây ức chế cho người xem.

Theo ánh nhìn của Thúy Anh, tôi mới bắt đầu chú ý đến những bức vẽ khổ lớn màu đỏ, đếm nhanh phải đến gần 30 tấm, mà sau đó chị cũng kể cho tôi nghe bản thân đã mất đến khoảng ba tháng để thực hiện.

Những đường hầm tối tăm, những gương mặt méo mó, những con thú không đầu nhung nhúc trong lớp màu đỏ máu. Đó có thể là tượng trưng cho ẩn ức tù túng, hoặc những bóng ma quá khứ-hiện tại bủa vây, những soi mói dị nghị cuộc đời, hoặc cho hàng trăm lần muốn tìm cách thoát khỏi hiện thực bế tắc, thoát khỏi "đám cưới" này.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 10
Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 11
Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 12

Tất cả những vị khách - hoặc đứng khe khẽ bàn luận, hoặc tiến đến ôm lấy cô dâu, hoặc mời trà bánh, hoặc quỳ xuống tặng hoa, hay lặng lẽ nắm tay. Thậm chí, trong một tiếng rưỡi, đã có người còn thử tiến đến dọa đánh cô dâu, hoặc cố tình chọc cho Thúy Anh cười. Tất cả chúng tôi đều đại diện cho "người đời", cho những dư luận, có khen, có chê, có cảm thông, có cười nhạo, khó hiểu. Cô dâu đều đáp trả tất cả bằng biểu cảm lạnh nhạt, ơ hờ.

Có những người sẽ nhìn cô dâu để đánh giá khách quan về số phận hạnh phúc hay bất hạnh, và có người sẽ thông qua cô dâu để soi chiếu về chính số phận của mình.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 13
Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 14
Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 15
Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 16
Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 17

Khu vườn tĩnh lặng

Vẫn khoác trên mình bộ váy cưới bằng giấy, Thúy Anh lê đôi chân trần lặng lẽ ra khu vườn.

Đoàn người im lặng bước theo.

Giữa khu vườn là một bồn tắm xả đầy nước (và bọt). Thúy Anh thắp lên những ngọn nến, rồi châm điếu thuốc, hít một hơi dài. Chị đứng tư lự rất lâu, tay vân vê tà áo cưới bằng giấy, dần xé đi từng mẩu nhỏ.

Tôi đã nghĩ, sẽ thật ấn tượng nếu Thúy Anh lột tung bộ đồ, châm lửa thiêu rụi, như một sự tự giải thoát khỏi mọi trói buộc. Khá giống hình ảnh bộ cánh bốc cháy mà nhân vật Katniss Everdeen (Jennifer Lawrence) đã mặc trong phần phim "The Hunger Games: Catching Fire".

Đó là một ý tưởng táo bạo và điên rồ, và hẳn nhiên quá nguy hiểm để thực hiện.

Thay vào đó, cô dâu đã xé bộ cánh của mình ra và dần chìm vào làn nước. Bộ váy cưới cứ thế tan ra.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 18

Mọi người vẫn im lặng.

Ở khoảnh khắc đó, tôi đã nghĩ, có lẽ nếu Trương Thúy Anh cứ thế trần truồng mà đứng lên, cũng sẽ không có những tiếng cười phá lên đầy thô tục. Họ - những nghệ sĩ - có lẽ đơn giản sẽ chỉ như nhìn vào một tác phẩm nghệ thuật mà chiêm nghiệm. Sẽ không có những bình phẩm, những body-shaming, những "cô ả thật điên rồ" đầy rẫy trên mạng và cả ngoài đời.

Họa sĩ Trương Thúy Anh và 'CƯỚI' ảnh 19

Nhưng, tất nhiên viễn cảnh ấy không xảy đến. Đốm thuốc tàn dần, những dây đèn tối lại, Thúy Anh lặng lẽ thổi tắt từng ngọn nến. Vùng sáng thu nhỏ dần, nhỏ dần, và bóng đêm bao trùm tất thảy, hậu thuẫn và đồng minh cho người con gái ấy trốn đi.

Bữa tiệc kết thúc, và cô dâu ấy đã bỏ lại sau lưng tất cả để tìm lấy tự do cho chính mình.

Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
(Ngày Nay) - Tháng 11/2024, hàng loạt các công trình kiến trúc Pháp cổ sẽ được mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ Sáng tạo” do UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức.
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
(Ngày Nay) - Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mỗi cuốn sách bạn đọc được cá nhân hóa hoàn toàn. Hãy hình dung có một trợ lý không chỉ nhớ tất cả những cuốn sách bạn đã đọc, mà còn phân tích sâu sắc sở thích, phản ứng cảm xúc của bạn, và thậm chí sáng tạo ra những câu chuyện độc đáo, chỉ dành riêng cho bạn. Mỗi trang sách, mỗi đoạn văn, trở thành cuộc trò chuyện thân mật giữa bạn và một "người bạn" am hiểu bạn hơn bất kỳ ai….
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chúc mừng các đồng chí được thăng quân hàm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao quyết định thăng quân hàm cho lãnh đạo Công an và Quân đội
(Ngày Nay) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, các đồng chí được thăng cấp bậc hàm, quân hàm Đại tướng, Thượng tướng hôm nay là những sĩ quan ưu tú được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, trao giữ các cương vị, trọng trách quan trọng trong lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Quân đội, Công an...
Ảnh minh hoạ.
Chuyển đổi năng lượng là thách thức lớn trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
(Ngày Nay) - Trong khảo sát mới đây về mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện đối với trên 2.700 doanh nghiệp cho thấy, có tới 44,2% doanh nghiệp có khó khăn trong tìm ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể. Chỉ có 6,3% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không gặp khó khăn gì.
Tiết mục nghệ thuật của các nước ASEAN tại chương trình.
Chương trình nghệ thuật "Thanh niên với Sắc màu văn hóa ASEAN"
(Ngày Nay) -  Tối 20/10, tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Hợp tác quốc tế; Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Diễn đàn giao lưu văn hóa nghệ thuật "Thanh niên với Sắc màu Văn hóa ASEAN".