Diễn biến mới đầy kịch tính
Đỉnh điểm mới đây nhất là việc ông Trump đáp trả rất quyết liệt biện pháp chính sách được Trung Quốc áp dụng để trả đũa quyết sách của ông Trump về áp thuế quan bảo hộ thương mại 10% đối với thêm 300 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ bắt đầu từ ngày 1/9 tới.
Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố là sẽ đáp trả Mỹ thích đáng, cụthể là với 3 biện pháp chính sách: ngừng nhập khẩu nông phẩm của Mỹ, ngừng tiếp tục can thiệp để giữ giá cho đồng Nhân dân tệ - mà phía Mỹ coi là Trung Quốc phá giá đồng bản tệ và ngay lập tức coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ - và sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Trung Quốc.
Vừa rồi, Trung Quốc đã cụ thể hoá đối sách này là áp dụng cho 75 tỷ USD giá trị hàng hoá của Mỹ vào thị trường Trung Quốc theo lộ trình 2 bước với mức độ từ 5% đến 25%. Ông Trump ngay lập tức quyết định tăng mức thuế quan từ 25% lên 30% đối với 25 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã bị áp thuế quan 25% và tăng từ 10% lên 15%, sau này có thể còn cao hơn thế nữa, đối với 300 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc dự kiến từ 1/9 tới.
Ba điểm tương đồng
Hiện có thể thấy Mỹ và Trung Quốc đang giống nhau ở những điểm sau đây.
Thứ nhất, cả hai bên đều không chỉ chưa sẵn sàng thoả hiệp với nhau mà còn quyết tâm “người sao, ta vậy” nếu không phải đến cùng thì ít nhất cũng thêm một thời gian nữa. Đối với cả hai bên, bây giờ không chỉ có chuyện giữ thể diện là quan trọng mà còn có chủ trương nếu không thắng thì cũng không để cho bị thua. Vì thế, mọi nhượng bộ hay đi bước xuống thang trước đều bị coi là sai lầm chứ không phải thể hiện thiện chí, đều bị coi là yếu thế, sợ thua nên mới vậy chứ không phải vì tự tin chắc thắng.
Thứ hai, cả hai hiện đều không còn để ý nhiều gì nữa đến việc giữ thể diện cho nhau. Những đối sách của Trung Quốc làm ảnh hưởng trực tiếp đến thể diện và uy danh cá nhân của ông Trump và những quyết sách, hành động và phát ngôn của ông Trump ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến thể diện và uy tín cá nhân của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cả hai bên đều đã vuốt mặt không còn nể mũi lẫn nhau nữa.
Thứ ba, cả hai bên đều không tin rằng đàm phán thương mại có thể nhanh chóng đưa lại thoả thuận giúp hai bên khắc phục được xung khắc thương mại và giải quyết được cuộc xung khắc thương mại này là xử lý được ổn thoả và lâu bền hết mọi bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích chiến lược giữa hai bên.
Chuyện không chỉ là xung khắc thương mại
Chậm nhất cho tới lúc này, Trung Quốc dẫu không muốn và không thích thì vẫn phải nhận ra rằng xung khắc thương mại song phương chỉ là một cái cớ và cách thức Mỹ thực hiện cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện nên đáp trả của Trung Quốc cũng phải toàn diện, có bài bản và lộ trình chứ không nhất thời và chỉ về thương mại thuần tuý.
Cho nên Trung Quốc đã cứng rắn đối với Mỹ khi Mỹ tỏ quan điểm thái độ bất lợi cho Trung Quốc về tình hình Hong Kong, khi Mỹ thực hiện kế hoạch bán máy bay tiêm kích hiện đại cho Đài Loan và khi Mỹ phê phán những hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Cho nên Trung Quốc tìm cách giành thế chủ động trong đối phó Mỹ về xung khắc thương mại và lợi dụng việc đẩy mạnh những hoạt động tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số đối tác khác ở khu vực Biển Đông để dùng xung khắc ở nơi đây đối phó những xung khắc khác với Mỹ.
Những quyết sách mới nói trên của ông Trump đối với Trung Quốc phù hợp với cách suy tính chính sách và hành động của ông Trump thể hiện cho tới nay đối với Trung Quốc. Người này vẫn rất tin tưởng vào quan điểm cho rằng cứ gia tăng áp lực tối đa thì rồi Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ. Một nhượng bộ nhỏ của Trung Quốc sẽ được ông Trump tung hô là thắng lợi lớn trong khi một trả đũa nhỏ của Trung Quốc ngay lập tức sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt và đáp trả mạnh mẽ từ phía ông Trump. Vừa rồi là bằng chứng mới nhất chứ không phải là duy nhất.
Thời trước thì khác chứ ở thời nay, Mỹ và Trung Quốc dẫu có găng với nhau đến đâu, cọ sát lợi ích chiến lược đến mức độ nào thì vẫn luôn bất ngờ nhanh chóng đi vào thoả hiệp với nhau để nhất trí với nhau về giải pháp tình thế.
Khi tác động về đối nội của cái giá phải trả cho cuộc xung khắc này bắt đầu thấm trực tiếp tới người dân và xã hội thì khi ấy hai bên sẽ bắt đầu cùng cài số lùi. Cho nên các đối tác khác phải luôn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cả hai kịch bản là Mỹ và Trung Quốc còn tiếp tục găng nhau và bất ngờ nhanh chóng thoả hiệp với nhau.
(Theobaoquocte)