Ảnh minh họa. |
Hơn 60% người dân được hỏi cho biết hành động ăn xin nên được coi là một tội. Người ăn xin có thể phải chịu phạt tiền và trên ba tháng tù giam.
Nếu được thông qua, luật mới này sẽ cho phép các chính quyền địa phương áp dụng ngay lập tức lệnh cấm ăn xin và lệnh này sẽ có hiệu lực trên toàn quốc vào mùa hè năm 2015.
Ý tưởng cấm ăn xin tại Na Uy xuất hiện sau khi một thăm dò dư luận cho thấy 2/3 người dân nước này đánh đồng việc ăn xin với phạm tội, và phần lớn những người ăn xin đều không phải người Na Uy.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Nova do chính phủ ủy thác, có hơn 1.000 người ăn xin ở Na Uy mang quốc tịch khác.
“Trong những năm vừa qua, chúng tôi chứng kiến tỉ lệ người ăn xin ở nhiều thành phố và thị trấn tại Na Uy gia tăng đáng kể, và chúng tôi thấy quan ngại sâu sắc về mối liên hệ giữa dòng người ăn xin từ bên ngoài Na Uy với các tội phạm có tổ chức” – Thời báo Kinh tế trích lời Bộ trưởng Tư pháp Himanshu Gulati.
Tuy vậy, các chính trị gia đối lập lại chỉ trích lệnh cấm này, và coi đó là một điều đáng xấu hổ, cũng như không công bằng khi nhằm vào những người nghèo khổ nhất. Họ cho rằng biện pháp này sẽ làm hỏng hình ảnh của đất nước Na Uy trên toàn cầu, đặc biệt là tranh cãi về việc Na Uy có nên cho người Syria tị nạn hay không.
Một ý kiến khác cho rằng lệnh cấm này của Na Uy có thể đi ngược lại với các nguyên tắc về nhân quyền ở châu Âu.
Năm 2005, một lệnh cấm tương tự nhằm vào người ăn xin đã bị bác bỏ.
Theo thống kê năm 2013 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Na Uy có GDP trên đầu người trong nhóm cao nhất thế giới, ở mức khoảng 100.000 USD.