Nâng chén trà khơi nguồn Tết đoàn viên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Uống trà từ lâu đã là một phong tục, một nét văn hóa được phổ biến rộng rãi trong đời sống người Việt. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, chén trà càng được chú trọng, nâng niu.
Nâng chén trà khơi nguồn Tết đoàn viên

Có nhiều bằng chứng cho thấy, cây trà có nguồn gốc từ Việt Nam và nhờ đó, người Việt biết đến trà sớm hơn nhiều so với các nước. Từ núi cao xuống đồng bằng, từ thành thị đến thôn quê, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người Việt đều yêu thích và có cách uống trà, thưởng trà phù hợp với điều kiện của mình.

Theo sử sách ghi chép, trà khởi nguồn ở các chùa, nơi gắn kết trà với đạo Phật. Cũng bởi vì lý do đó, hình thức thưởng trà được gọi là Thiền trà. Từ chùa, hình thức thưởng trà nhanh chóng được ưa chuộng trong chốn cung đình. Thời xưa, chỉ có những người tầng lớp vua, quan, quý tộc, dòng dõi quyền quý mới được thưởng thức trà theo hình thức cầu kỳ này. Người dân thường chỉ uống loại chè tươi hái từ cây xuống.

Đạo trà Việt truyền thống không mang vẻ cầu kỳ như trà đạo Nhật Bản, không phức tạp như đạo trà Trung Quốc và cũng không thực dụng như trà phương Tây, mà giản dị, đơn sơ nhưng vô cùng thanh tao. Vào những ngày xuân năm mới, pha một ấm trà nóng, hương vị trà Việt dường như giúp con người giao hòa với trời đất, gần gũi hơn với thiên nhiên, khiến cho mọi lo toan thường nhật tan biến, chỉ còn lại sự bình yên, thanh tịnh với câu chuyện hàn huyên ấm cúng.

Tùy vào đặc trưng từng vùng địa lý, khí hậu và cách chế biến, người Việt đã tạo ra các thức uống khác nhau từ cây chè, nhưng nhìn chung trà được chia thành ba loại: trà hương, trà mạn và trà tươi.

Trong trà Việt, có sáu loại hoa bắt hương nhất thường được dùng để ướp trà là: nhài, cúc, ngâu, sói, mộc và sen. Bởi thế, nâng chén trà với hương hoa thoang thoảng đem lại cho người thưởng thức cảm giác thư thái, dễ chịu vô cùng.

Trà mạn là loại trà phổ biến nhất ở Việt Nam, từ búp trà tươi sao khô, phơi sấy mà thành. Dùng trà mạn, người ta chú trọng đến sự tinh tế trong cách thưởng thức hương vị trà nguyên bản nên cũng là loại trà mà các nghệ nhân tâm đắc nhất. Riêng trà tươi được sử dụng phổ biến tại nhiều làng quê, người ta thường hãm lá trà tươi rửa sạch để thiết đãi cả làng vào mỗi tối.

Thưởng trà không đơn thuần chỉ là thỏa mãn nhu cầu uống mà nó còn là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống, được đặc biệt chú trọng trong ngày Tết cổ truyền. Văn hóa uống trà của người Việt gần gũi, giản dị, nhưng cũng rất đỗi tinh tế. Uống trà chính là cách để con người giao hòa với thiên nhiên và môi trường. Khi pha trà, màu nước trà phải vàng sánh trong xanh, hương trà, hương hoa tự nhiên phản ánh một Việt Nam với tài nguyên phong phú, thiên nhiên đa dạng. Vị đắng chát gợi nên nỗi vất vả, cần lao của những người làm trà truyền thống bao đời nay. Hậu vị ngọt mát của trà chính là tâm hồn người Việt giàu tình, giàu nghĩa, có thủy, có chung.

Người Việt không uống nhiều trà, không uống trà đặc mà nâng chén trà với quan niệm trà mang ý nghĩa triết học về sự tế nhị và thanh tao. Bước thưởng trà cũng được thực hiện tỉ mỉ, sử dụng nhiều loại trà cụ (dụng cụ uống trà) cần thiết để người uống có thể cảm nhận được hết hương vị đặc trưng của trà. Xưa kia, các “chân trà nhân” rất chú tâm đến điều này và mỗi bước nhỏ trong việc thưởng trà đều được định danh bằng những tên gọi riêng, như: “ngọc diệp hồi cung” (thao tác dùng thìa gỗ múc trà vào ấm), “cao sơn trường thủy” (tráng trà), “hạ sơn nhập thủy” (lần đổ nước thứ hai vào trà), “tam long giá ngọc” (dâng trà) và “du sơn lâm thủy” (ngửi hương và uống trà). Mỗi bước đều đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển. Khi rót trà phải chuyên đều các chén, đảm bảo sao cho nồng độ trà đều như nhau...

Khi uống trà, người ta uống từng ngụm nhỏ để cảm nhận hết cái vị chát đắng rồi thơm ngọt của trà, cái hơi ấm của chén trà tỏa vào hai bàn tay ấp ủ nâng chén trà trong những ngày đông lạnh giá, làm ấm lòng khách đến chơi nhà. Uống trà là một cách biểu thị sự tâm đắc, trình độ văn hóa và tình cảm của người đối thoại. Chén trà ngon vẫn là mở đầu cho những câu chuyện hàn huyên, là cơ hội để gắn kết gia đình, bạn bè. Đặc biệt, trong những ngày Tết sum vầy, một ấm trà thơm ngon dường như làm cho mọi người gần nhau hơn, ấm áp hơn, làm cho những câu chuyện đầu năm thêm ý nghĩa.

Ngày nay, thưởng trà theo nếp sống hiện đại cũng có nhiều thay đổi, không quá cầu kỳ chi tiết với nhiều nguyên tắc, nghi lễ. Nơi thưởng trà có thể là không gian riêng tư tại nhà, cũng có thể ở một góc quán… Chén trà có thể vẫn thanh khiết đậm chất truyền thống, cũng có thể là cốc trà nhúng hiện đại, như một luồng gió mới của cuộc sống hiện đại thổi vào thế giới trà, trở thành sự kết hợp hài giữa quá khứ và hiện tại, giữa nhanh và chậm, giữa động và tĩnh, giữa nóng và lạnh... Nhưng trên hết, cái hồn cốt, cái tinh thần và tình yêu đối với trà vẫn không thay đổi.

Và cứ thế, trà đã đi vào tâm hồn người Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.