Vất vả mưu sinh
Đứng giữa nắng nóng 39 độ, anh Phạm Văn Hải (quê Thanh Chương, Nghệ An) bốc từng viên gạch để máy tời chuyển lên tầng thượng tòa nhà thương mại phường Trường Thi, thành phố Vinh.
Lau giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm nắng, anh Hải nói: “Tôi hơn 50 tuổi, sức yếu nhưng đành xa nhà để mưu sinh. Ở quê tôi chỉ làm được vụ lúa Đông - Xuân, nên thời gian rảnh phải xuống thành phố tìm công trình làm thêm. Lương được mấy đồng thì gửi về cho con ăn học. Nắng nóng kéo dài khiến chúng tôi mệt nhọc hơn, ngày công cũng giảm. Sức khỏe kém, không làm thợ công trình thì biết kiếm nghề gì để trang trải cuộc sống gia đình?”.
Tại một số dãy trọ của công nhân ở khu Công nghiệp Bắc Vinh, phòng trọ tồi tàn, lụp xụp, mái lợp pro-ximăng cũ kỹ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, cuộc sống của công nhân bị đảo lộn bởi thời tiết khắc nghiệt. Anh Ngô Văn Diệu, công nhân KCN Bắc Vinh cho hay: “Thời tiết nắng nóng nên ca làm việc của chúng tôi cũng phải thay đổi, buổi sáng làm từ 5h45 đến 10h, buổi chiều từ 14h45 đến 18h. Chúng tôi thuê phòng trọ ở đây với giá 500 nghìn đồng/1 tháng. Phòng nhỏ mà ở 3 người giữa mùa nắng nóng thế này không thể chịu nổi. Buổi tối không ngủ được phải ra ngoài hiên hóng gió”.
Công nhân sáng làm việc quần quật, trưa về phòng trọ nghỉ ngơi để buổi chiều tiếp tục công việc nhưng thời tiết khắc nghiệt khiến thời gian nghỉ trưa trở nên áp lực. “Tôi ở phòng trọ một mình, những ngày này không ngủ trưa được vì quá nóng, mặc dù có quạt nhưng cũng không thể chợp mắt lấy sức, công việc rất nặng nhọc”, chị Hạnh chia sẻ. Đối với những gia đình có con nhỏ thì thời tiết khắc nghiệt càng làm cuộc sống thêm bức bối.
Thời tiết nắng nóng cũng là cơ hội để diêm dân vùng bãi ngang Diễn Châu, Quỳnh Lưu ra đồng. Giữa cánh đồng mênh mông một màu trắng, người lớn lẫn trẻ nhỏ gồng mình dưới 40 độ chắt lắng từng giọt nước làm muối. Thời điểm mọi người được nghỉ ngơi tránh nắng là lúc diêm dân phơi lưng ngoài đồng. Được mùa muối nhưng giá thấp, đầu ra kém, cuộc sống của diêm dân cũng chẳng cải thiện là bao.
“Có lúc không bán được muối tại ruộng, tôi phải dùng xe máy chở lên các vùng quê khác để đổi lúa hoặc đi hàng trăm cây số lên miền núi bán. Nhiều lúc vất vả quá, muốn bỏ nghề nhưng nghĩ 3 đời cha ông đã làm, giờ mình bỏ không đành”, ông Hồ Văn Đức than thở.
Vạ vật hành lang bệnh viện
22h đêm, tốp bác sỹ Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tất bật cấp cứu một bệnh nhân sốt cao vừa nhập viện. Bệnh nhân nam giới, chừng 50 tuổi, đến từ huyện rẻo cao Kỳ Sơn. ‘‘Cách đây ba ngày chồng tôi lên rẫy, lao động giữa trời nắng chang chang nên mất nước, đổ bệnh. Sốt li bì, nằm mấy ngày không khỏi nên gia đình vay mượn tiền thuê xe chở xuống đây’’, chị Hường vợ bệnh nhân kể. Nắng nóng khốc liệt, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh phải xử lý nhiều ca cấp cứu do sốc nhiệt.
Trong phòng nóng không chịu nổi, có người ôm chiếu ra hành lang, mong tìm một giấc ngủ lấy sức để ngày mai chống chọi với nắng nóng. ‘‘Bệnh nhân đông vậy nhưng chỉ có 10 phòng lắp điều hòa, chạy hết công suất vẫn cứ nóng. Toàn khoa có 153 giường bệnh, luôn trong tình trạng quá tải. Khí hậu khắc nghiệt như những ngày vừa rồi, càng sinh ra nhiều bệnh’’, Trưởng khoa, BS Quế Anh Trâm cho biết.