Một thế giới ngoài Trái Đất có thể sinh sống được trông như thế nào là một trong những câu hỏi lôi cuốn sự quan tâm của nhân loại trong hàng thập kỷ. Mới đây, NASA đã chia sẻ hình ảnh của một hành tinh giống Trái Đất với nhiều đặc điểm cần thiết để duy trì sự sống.
Các nhà thiên văn học tìm kiếm sự sống trong vũ trụ đã tập trung vào các hành tinh bên ngoài có những điều kiện tương tự như Trái Đất. Hành tinh Proxima b nằm trong hệ Proxima Centauri được dẫn ra là một “ứng viên” có thể tồn tại sự sống.
Sao lùn đỏ Proxima Centauri là ngôi sao gần với Hệ Mặt trời của chúng ta nhất và Proxima b nằm ở khu vực gọi là Goldilocks, nơi mà các điều kiện không quá nóng cũng không quá lạnh mà chỉ ở mức vừa đủ để nước có thể tồn tại trên bề mặt và khiến hành tinh này có thể sinh sống được.
NASA đã chia sẻ một hình ảnh được minh họa lại, miêu tả bề mặt trên hành tinh này trông sẽ như thế nào. Theo đó, hành tinh Proxima b có những núi đá gồ ghề và thiên thể hình cầu Proxima Centauri có thể được nhìn thấy ở phía trên đường chân trời của hành tinh.
Proxima b được phát hiện gần đây nhất vào năm 2016 và tất cả những quan sát về hành tinh này đều có cùng một kết luận: đây là môi trường có thể sinh sống được.
Ảnh NASA. |
"Ngoại hành tinh này ở khoảng cách đủ xa so với ngôi sao của nó, cho phép nhiệt độ ở mức vừa phải để nước ở thể lỏng có thể tồn tại trên bề mặt", NASA giải thích.
Dù vậy, bất chấp những suy đoán tích cực trên, các chuyên gia đã đưa những cảnh báo dập tắt hy vọng về sự sống trên hành tinh này.
"Hành tinh này sẽ hứng chịu một lượng khá lớn bức xạ năng lượng cao. Một điều vẫn chưa rõ là liệu nó có từ trường đủ mạnh để ngăn toàn bộ bầu khí quyền khỏi bị thổi bay hay không", Scott Gaudi, giáo sư thiên văn học tại Đại học bang Ohio cho hay.
Trong khi Proxima b có lẽ quay quanh ngôi sao gần Hệ Mặt trời của chúng ta nhất thì nó vẫn cách Trái Đất 4,2 năm ánh sáng, nghĩa là chúng ta hoàn toàn không có công nghệ đủ hiện đại để đến được hành tinh này trong tương lai gần./.