Để giải đáp thắc mắc nên dùng loại cồn nào, Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có ba loại cồn có thể dùng sát khuẩn trong y tế gồm: cồn ethanol, n-propanol và isopropanol.
Nếu chỉ dùng một loại cồn đơn thuần không pha thì loại 70% tức 70 độ đã có tính sát khuẩn tốt. Độ cồn càng cao thì sẽ khiến tay càng khô, đặc biệt với phụ nữ, người có da tay mềm.
Để cải thiện vấn đề trên, một số đơn vị sản xuất kết hợp hai loại cồn hoặc dùng cồn với hóa chất khác để tăng độ sát khuẩn nhưng vẫn đảm bảo tốt cho da tay. Tuy nhiên nồng độ cồn phải đảm bảo ít nhất từ 65% trở lên.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cồn giúp kháng khuẩn nhờ tính năng gây biến tính protein của vi khuẩn, virus. Do vậy, tùy vào các loại vi khuẩn, virus mà cồn có tác dụng khác nhau.
Chẳng hạn, một số vi khuẩn như trực khuẩn mủ bị giết trong 10 giây bởi cồn có từ 30-100 độ; Serratia marcescens, E.coli (vi khuẩn hay gây tiêu chảy), Salmonella typhosa bị giết trong 10 giây bởi cồn có nồng độ từ 40-100 độ.
Các vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) và Streptococcus pyogenes bị giết sau 10 giây bởi cồn là 60 độ. Cồn từ 60-80 độ cũng là một tác nhân diệt virus mạnh, làm bất hoạt các virus lipophilic (herpes, virus cúm...).
Bác sĩ Đào Trường Trang (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, có một số loại vi khuẩn, virus hay gặp thì nên dùng cồn có nồng độ từ 60 - 80 độ sẽ cho hiệu quả tối ưu.
Trong thực tế, không phải ngẫu nhiên mà các cơ sở y tế thường dùng cồn 70 độ để sát khuẩn chứ không dùng cồn 90 độ. Điều này lý giải bởi cồn 90 độ làm đông vón protein vùng vỏ của virus, vi khuẩn quá nhanh nên không thấm vào bên trong được. Ngoài ra, cồn 90 độ bay hơi quá nhanh nên thời gian không đủ để có tác dụng. Thêm nữa là cồn 90 độ rất dễ gây cháy nên sẽ nguy hiểm hơn là dùng cồn 70 độ.
“Tôi khuyến cáo mọi người nên dùng cồn 70 độ, không nên dùng cồn 90 độ để sát khuẩn nhanh”, bác sĩ Đào Trường Giang nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Giang, việc sát khuẩn nhanh chỉ là biện pháp hỗ trợ trong giảm lây nhiễm vi rút. Do đó, người dân tốt nhất vẫn cần rửa tay bằng xà phòng kết hợp với các biện pháp khác.
Việc cắt nhỏ bánh xà phòng hay mang theo những miếng xà phòng size nhỏ khi ra ngoài để sử dụng cũng là biện pháp dễ làm và mang lại hiệu quả cao.