Nếu như di sản biết nói

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nếu một nhà máy, khu tập thể muốn chia sẻ câu chuyện của mình, chúng sẽ kể điều gì? Kết hợp công nghệ và nghệ thuật, một nhóm bạn trẻ mang tên Hà Nội Ad Hoc đã thay mặt các di sản kể lại những câu chuyện về một thuở vàng son của thời đại công nghiệp hóa.
Nếu như di sản biết nói

Đi tìm “mỏ vàng” câu chuyện của di sản

Hà Nội Ad Hoc là một dự án nghiên cứu về sự phát triển của đô thị Hà Nội dưới góc nhìn của những người trẻ đam mê kiến trúc và nhân học. Trong những năm qua, những chủ đề mà Hà Nội Ad Hoc đi sâu nghiên cứu là các nhà máy và khu tập thể trong thành phố.

Bằng cách kết hợp hoạt họa sinh động cùng lối dẫn chuyện không kém phần thu hút và giàu hàm lượng thông tin, các đoạn phim tài liệu ngắn của Hà Nội Ad Hoc đã thu hút được sự chú ý của các bạn trẻ cùng chia sẻ sở thích tìm hiểu về di sản công nghiệp. Ý tưởng thành lập Hà Nội Ad Hoc nảy ra trong đầu kiến trúc sư Mai Hưng Trung vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn tại Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Nếu như di sản biết nói ảnh 1

“Tôi muốn tìm lại các thông tin về nhà máy gắn liền với tổ hợp “Cao - Xà – Lá” nổi tiếng của Hà Nội. Nhưng sau một hồi tìm kiếm trên mạng, tôi nhận ra không hề có bản vẽ hay thông tin đầy đủ nào về nhà máy này”, kiến trúc sư Mai Hưng Trung nói.

Cảm thấy bản thân cần phải tái dựng lại không gian Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, kiến trúc sư Hưng Trung bắt đầu từ việc nhỏ nhất là dùng máy bay không người lái quét lại toàn bộ hình ảnh nhà máy và lập bản đồ 3D, cho tới tìm kiếm các tài liệu, văn thư lưu trữ về nhà máy này.

“Sau dự án đó, chúng tôi nhận thấy cộng đồng cũng có nhu cầu tìm hiểu lịch sử về các nhà máy, xí nghiệp”, ông Trung cho biết. “Việc chính quyền Thành phố Hà Nội có chủ trương di dời các nhà máy ra ngoại thành càng khiến tôi muốn nghiên cứu về các di sản công nghiệp”.

Chia sẻ với Tạp chí Ngày Nay, kiến trúc sư Hưng Trung cho biết các nhà máy cũ của Hà Nội giống như những “người khổng lồ” ngủ quên. Một mặt, chúng vừa là nhân chứng trực tiếp tham gia vào dòng chảy lịch sử của thành phố này. Mặt khác, chúng đang dần bị cho ra rìa, lặng lẽ quan sát quá trình đô thị hóa của thành phố.

Mỗi nhà máy có một câu chuyện khác nhau. Ví dụ như Nhà máy Dệt 8/3, trong thập niên 1960-1970, nơi đó không chỉ đơn thuần là một cơ sở sản xuất, mà còn là nơi để giáo dục tư tưởng, biến những người phụ nữ thành những người chiến sĩ kiên cường cả trong lao động cũng như trong chiến đấu. Hay Nhà máy bê tông đúc sẵn Hà Nội tại làng Chèm kể từ khi được thành lập vào thập niên 1960 đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của đất nước, gắn liền với giấc mơ hiện đại một thời của người Hà Nội.

Theo kiến trúc sư Hưng Trung, điều tạo nên sự hấp dẫn của các nhà máy tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, so với các nhà máy tại Pháp hay Đức, đó là chúng đã trực tiếp trải qua những “làn sóng” biến động của dòng chảy lịch sử. Dù không chứa đựng nhiều giá trị thẩm mỹ, nhưng chính những câu chuyện lịch sử ở phía sau mới là các yếu tố giúp những công trình này độc đáo trong mắt công chúng.

Khi thời đại công nghiệp hóa đi qua và nhường chỗ cho đô thị hóa, những cơ sở sản xuất lại được lựa chọn để chuyển đổi công năng, phục vụ nhu cầu nhà ở cho xã hội hoặc khai thác thương mại. Nhiều lãnh đạo nhà máy và các công nhân dù ngồi ngay trên “mỏ vàng”, nhưng họ vẫn không thể tạo ra nguồn thu ổn định do loay hoay với bài toán cơ chế.

Còn trong con mắt của những người làm di sản, các nhà máy, khu tập thể cũ kỹ lại là một “mỏ vàng” nội dung, tiềm ẩn nhiều câu chuyện và là di sản của ký ức tập thể. Sẽ rất khó để định lượng giá trị kinh tế của các lễ hội văn hóa sáng tạo tại các cơ sở nhà máy, nhưng những sự kiện này là dịp để công chúng tự nâng tầm nhận thức và tiêu chuẩn thẩm mỹ. “Hà Nội Ad Hoc không chỉ muốn cung cấp các dữ kiện lịch sử hay phân tích các giá trị kiến trúc, mà còn muốn công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, có cơ hội lắng nghe và trải nghiệm những câu chuyện của các nhà máy và vai trò của chúng trong việc hình thành bộ mặt xã hội Việt Nam”, ông Trung cho biết.

Bài toán chuyển đổi công năng

Chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài nội đô của Hà Nội một mặt báo hiệu về sự khởi đầu của thời kỳ phi công nghiệp của Thành phố, cùng với đó, sinh kế của những cộng đồng sống xung quanh các nhà máy cũng bị biến đổi.

Mặt khác, chính sách này đang tạo dư địa cho các dự án phát triển trung tâm nghệ thuật, sáng tạo giữa một đô thị vốn đang dần bị thu hẹp không gian công cộng. Việc mở rộng không gian cũng hứa hẹn tạo ra trải nghiệm văn hóa đặc trưng cho chiến lược công nghiệp sáng tạo hướng đến phát triển bền vững của Thủ đô.

Việc nền kinh tế thành phố không còn xoay quanh các nhà máy công nghiệp đã biến các cơ sở nổi tiếng như Nhà máy Dệt 8/3 hay Nhà máy Cơ khí Hà Nội trở thành những khu chung cư cao cấp. Trước chủ trương di dời, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - trọng tâm của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, trong tương lai cũng sẽ khó tránh khỏi số phận tương tự những người “anh em” của mình nếu không có một giải pháp bền vững.

Nếu như di sản biết nói ảnh 2

Triển lãm "Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại" do Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đồng thực hiện. Ảnh: Mạnh Cường

Theo kiến trúc sư Mai Hưng Trung, thông qua các lễ hội văn hóa, cộng đồng nghiên cứu di sản công nghiệp muốn đóng góp tiếng nói để chính quyền Thành phố Hà Nội và các nhà đầu tư nhận thức được rằng các dự án chuyển đổi công năng nhà máy vẫn có thể đạt được một sự cân bằng nhất định giữa lợi nhuận và bảo tồn bằng các mô hình đa chức năng.

Mô hình này không chỉ bao gồm các địa điểm thương mại, mà còn bao gồm công viên, trường học, thư viện, những tiện ích để cho chính những người dân sống xung quanh đó được hưởng lợi.

“Xu hướng của các dự án nhà ở tại Hà Nội hiện nay là tạo ra những giá trị, thông điệp nổi bật để thu hút khách hàng”, ông Trung chỉ ra. “Trong khi đó, những dự án nhà ở được xây trên nền móng các di sản công nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng ‘mỏ vàng’ câu chuyện của chính nó để tạo ra sự khác biệt và tái đầu tư lợi nhuận vào những dự án công nghiệp sáng tạo”.

Các di sản công nghiệp của Hà Nội, tiêu biểu là các nhà máy và khu tập thể, đang được nhìn theo hai lăng kính, ông Trung chỉ ra.

Một số coi đây là những “nấm mồ” của thời kỳ công nghiệp hóa, đại diện cho bức tranh quy hoạch lộn xộn của Thành phố. Nhưng nhiều người vẫn dành tình cảm đặc biệt cho các di sản cũ kỹ này. Cả hai góc nhìn đều không sai, nhưng chưa phản ánh được toàn bộ gía trị của các di sản này.

Hanoi Ad Hoc về bản chất là một nền tảng chia sẻ kiến thức, kiến trúc sư Mai Hưng Trung khẳng định và cho biết mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những giá trị tiềm ẩn của các công trình cũ.

Thế nhưng muốn vậy, cần phải cho cộng đồng cơ hội tự cảm nhận và hình thành quan điểm. Một khi công trình bị chuyển đổi công năng sử dụng sai mục đích hoặc nhà đầu tư “xé rào” quy hoạch, đó là lúc cần tới tiếng nói của cộng đồng.

“Không phải một vài cá nhân, mà chính ý kiến của cộng đồng là thứ có sức nặng nhất”, ông Trung cho biết.

Một Hà Nội ngẫu hứng

Bình luận về chủ đề mối quan hệ giữa không gian và sáng tạo, kiến trúc sư Mai Hưng Trung cho biết thuật ngữ ‘ad hoc” trong cái tên của Hà Nội Ad Hoc có nghĩa là mọi thứ đều xuất phát từ sự ứng biến ngẫu hứng và hữu cơ. Đây là một nét đặc trưng rất riêng của Hà Nội so với các thành phố khác trên thế giới, cung cấp cho giới sáng tạo trong thành phố những nguồn cảm hứng bất tận.

“Tính tự phát và ngẫu hứng của Hà Nội cho phép đội ngũ làm sáng tạo làm ra các sản phẩm rất nhanh và ứng dụng vào thực tế, thay vì cần một kế hoạch chuẩn chỉ và cần nhiều bên xét duyệt”, ông Trung nhận định. “Hà Nội sống động hơn chỉ là Tháp Rùa hay hương hoa sữa như trong góc nhìn lãng mạn của các nghệ sĩ, thành phố này có nhiều góc cạnh khù khoằm hơn chưa được soi tỏ, đặc biệt là giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa của thế kỷ 20”.

Theo người sáng lập Hà Nội Ad Hoc, tính ngẫu hứng của Hà Nội được thể hiện rõ nhất qua kiến trúc và văn hóa tham gia giao thông. Nhìn qua có vẻ hỗn loạn, nhưng vẫn có những sự thỏa hiệp trong một trật tự ngầm.

Chính những yếu tố mang hơi hướm hỗn độn và đa dạng này giúp khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng nghệ sĩ Hà Nội.

“Ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển rất mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mọi thứ phát triển theo một cách rất có tổ chức”, kiến trúc sư Hưng Trung chia sẻ. “Cộng đồng sáng tạo tại Hà Nội nhỏ hơn, nhưng vẫn cố gắng đóng góp ý tưởng cho thành phố này. Nếu muốn mỗi ngày dắt xe ra đường để tìm cảm hứng mới, các nghệ sĩ có thể lựa chọn Hà Nội”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.