Nhiều khách hàng bất ngờ khi được thông báo sau thời điểm “chốt sổ” gói tín dụng 30.000 tỷ là ngày 31/5 sẽ phải chịu mức lãi suất theo thỏa thuận với ngân hàng. Trong khi trước đó, trong hợp đồng không hề đề cập đến vấn đề này.
Trao đổi với VnExpress, anh Vũ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc cho biết, anh vay gần 700 triệu đồng từ gói 30.000 tỷ, sau ngày 31/5 anh vẫn còn hơn 250 triệu đồng giải ngân nữa nhưng bỗng nhiên ngân hàng báo sau ngày này anh sẽ không được hưởng lãi suất 5% mà sẽ phải theo lãi suất của ngân hàng, ít nhất gấp đôi. Như vậy đâu còn là gói ưu đãi nữa.
Trường hợp của anh Vũ không phải là duy nhất. Rất nhiều người cho biết, ngân hàng không lưu ý gì về việc này khi bắt đầu làm thủ tục vay mua nhà. Tuy nhiên, có những người cũng đã rất cẩn thận tìm hiểu kỹ lưỡng mọi thủ tục và Thông tư 11 về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng trước khi vay.
Đa số khách hàng đều giật mình khi được nhắc đến lãi suất thả nổi sau 31/5. Ảnh: VNE
Chị Đỗ Thùy Vân, nhân viên một công ty xây dựng ở quận 3, TP HCM, khách hàng vay gói tín dụng 30.000 tỷ của Vietinbank mua dự án căn hộ Ehome 3, nói với Zing.vn, may mắn là tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn, dự án đã xong phần thô, ngân hàng chỉ giải ngân trong 12 tháng và được nhận nhà trong năm 2014, nên chị được hưởng toàn bộ lãi suất ưu đãi theo quy định.
Song, khách hàng này cũng bày tỏ, thực tế người vay bị động vì tiền được giải ngân theo tiến độ dự án. Nếu tính từ khi gói tín dụng này ra đời, thì đến tháng 6/2016 cũng đủ thời gian hoàn thiện dự án. Nếu chủ đầu tư nghiêm túc thì khách hàng hoàn toàn không bị thiệt. Nhưng với những dự án chậm trễ, kéo dài thì khách hàng không còn cách nào khác là đành phải chịu chịu thiệt, vì nắm đằng lưỡi.
Đa số khách hàng đều phản ánh lại việc tất cả các ngân hàng khi tư vấn cho khách hàng đều chỉ “chăm chăm” nói đến lãi suất 5% chứ không hề đề cập đến Thông tư 11, lãi suất sẽ bị thả nổi theo thị trường từ ngày 1/6 nên họ không biết số tiền giải ngân còn lại sẽ ra sao gây ra sự lúng túng, lo lắng mà không biết hỏi ai.
Một nhân viên môi giới BĐS xin giấu tên tại Hà Nội, cho biết, việc để khách hàng không biết mình phải chịu một phần lãi suất cao hơn lãi suất của gói kích cầu sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ hết thời hạn là lỗi trực tiếp của các nhân viên tư vấn, bao gồm cả môi giới nhà đất và nhân viên của ngân hàng. Họ thường chỉ quan tâm đến số lượng bán ra và chỉ tiêu bị áp nên có tình trạng khách hàng biết mà truy vấn thì nhân viên môi giới sẽ nói, còn không biết thì họ cũng “ỉm đi”.
Liên quan đến gói 30.000 tỷ, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu vẫn cho rằng, Ngân Nhà nước nên có điều chỉnh lập tức để tất cả hợp đồng tín dụng được hưởng trọn vẹn ưu đãi. Nếu không, nhiều khách hàng sẽ gặp phải “bẫy lãi suất” bởi kế hoạch tài chính thay đổi khi lãi vọt lên cao.
Các dự án đều có thể bị chậm trễ, ảnh hưởng đến thời hạn vay vốn của khách hàng. Ảnh: Zing.vn
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đồng quan điểm với ông Hiếu, cho rằng, quy định của thông tư quá đánh đố và có thể làm đổ sụp tài chính của người mua nhà. Ông Hiển nói rằng, ông đã đọc rất nhiều hợp đồng vay mua nhà của khách hàng và không hề thấy hợp đồng nào có ghi phần giải ngân sau tháng 6/2016 không được hưởng lãi suất ưu đãi. Lẽ ra ngân hàng phải ghi hẳn phần này vào hợp đồng. Bởi tiền vay được ngân hàng giải ngân theo tiến độ dự án. Người dân nếu có biết cũng không thể chủ động bố trí rút vốn bằng bất cứ cách nào.
Không riêng khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ cũng được vay với lãi suất ưu đãi theo gói 30.000 tỷ đồng. Do đó, không ít doanh nghiệp đã chủ động kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân gói ưu đãi đến khi kết thúc.
Mặc dù vậy, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết không thể có ngoại lệ bởi gói 30.000 tỷ đồng chỉ là chương trình hỗ trợ mang tính tạm thời, được đưa ra nhằm khơi thông thị trường bất động sản đang đóng băng. Nhưng gói 30.000 tỷ đồng “đóng sổ” không có nghĩa là người thu nhập thấp hết cơ hội vay mua nhà giá rẻ. Gói 30.000 tỷ đồng kết thúc không có nghĩa là người thu nhập thấp hết cơ hội vay mua nhà giá rẻ. Gói 30.000 tỷ chỉ mang tính tình thế, giải pháp dài hơi là người thu nhập thấp có thể vay mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Nhằm giải quyết tình thế nan giải cho khách hàng, Hiện tại, tại một số dự án, chủ đầu tư đang có động thái gọi khách hàng và tư vấn ký phụ lục đẩy nhanh tiến độ thanh toán lên trước thời hạn kết thúc giải ngân gói 30.000 tỷ.
Tuy nhiên, theo quy định, chủ đầu tư chỉ được phép huy động không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng. Trường hợp bên bán, bên cho thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng.
A.M