Đoàn do bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP TP HCM, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP HCM - dẫn đầu đã kiểm tra một số trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chốt kiểm dịch tạm thời, các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ và điểm kinh doanh thịt heo giữa bối cảnh bệnh dịch tả heo châu Phi lan rộng ra 54 tỉnh, thành khiến 2,3 triệu con heo mắc bệnh phải tiêu hủy.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, TP HCM là 1 trong 9 tỉnh, thành còn lại chưa có dịch tả heo châu Phi nên các lực lượng phải tăng cường chốt chặn để ngăn dịch xâm nhập. Riêng Ban Quản lý ATTP TP tăng cường kiểm tra các nguồn thịt về chợ để ngăn không chỉ dịch tả châu Phi mà còn các bệnh khác như tai xanh, lở mồm long móng, heo chết trước khi giết mổ nhằm bảo đảm nguồn thịt an toàn cho người dân. Trường hợp xấu nhất là dịch xảy ra trên địa bàn, cần xử lý nhanh, cô lập ổ dịch để tránh lây lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bà Phong Lan khuyến cáo người dân cần tìm hiểu thông tin để biết và hiểu về bệnh dịch, không nên quá hoang mang vì tả heo châu Phi không lây sang người, không nên tẩy chay thịt heo.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, đại diện hệ thống Saigon Co.op cho hay khi dịch tả heo châu Phi lan trên diện rộng ở các tỉnh phía Nam, sức mua thịt heo tại các siêu thị vẫn tăng đáng kể (tăng 20% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là do người dân chọn nơi tin tưởng, có uy tín để mua thịt. Hiện Saigon Co.op tiêu thụ trung bình khoảng 30 tấn thịt heo/ngày.
Bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận các cửa hàng, siêu thị có điều kiện tốt hơn trong bảo đảm ATTP sản phẩm thịt, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc. "Đối với thịt heo kinh doanh tại các chợ truyền thống, phần lớn lấy từ chợ đầu mối. Tuy nhiên, không loại trừ tình trạng tiểu thương trộn hàng với heo từ các nơi khác để bán. Tôi không nói thịt đó không an toàn nhưng cần hướng tới sản xuất có kiểm tra, kiểm soát" - bà Phong Lan lưu ý.