Theo thông tin đăng tải trên Zing.vn, Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo Quy chế Tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành đào tạo giáo viên mầm non.Theo dự thảo này, về cơ bản, các nội dung liên quan đến tuyển sinh không có gì đột biến. Tuy nhiên, một số điểm mới rất đáng lưu ý.
Các trường trung cấp không còn được đào tạo ngành giáo viên mầm non
Dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT chỉ quy định áp dụng về tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Như vậy, chính thức từ năm 2020, ngành học mầm non dừng tuyển sinh hệ trung cấp.
Việc này là để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong đó, Luật quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên (GV) mầm non là CĐ sư phạm, GV tiểu học và THCS là cử nhân thuộc ngành đào tạo GV.
Bên cạnh đó, Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm đang được Bộ GD&ĐT dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới, cũng đặt mục tiêu giải thể các trường trung cấp sư phạm và không tổ chức đào tạo GV ở các trường trung cấp chuyên nghiệp khác trong giai đoạn 2021-2025. Các trường CĐ đa ngành có chương trình đào tạo GV cũng phải xây dựng lộ trình chấm dứt đào tạo GV trước năm 2025.
Có thêm một chương quy định về các loại hình đào tạo khác
So với Quy chế tuyển sinh 2019, dự thảo quy chế năm 2020 có thêm một chương quy định về tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa họ, bằng thứ hai, chương trình tiên tiến, theo đặt hàng và liên thông. Những nội dung này chưa từng xuất hiện ở văn bản quy chế tuyển sinh trước đó mà được quy định riêng lẻ.
Đáng chú ý nhất của dự thảo quy chế lần này đó là người dự tuyển đào tạo cấp bằng đại học thứ hai là người đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên. Riêng các ngành khối sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề chỉ tuyển sinh đào tạo cấp văn bằng thứ hai đối với người có văn bằng thứ nhất thuộc khối ngành sức khoẻ hoặc khối ngành tự nhiên;
Người dự tuyển đào tạo cấp bằng cao đẳng thứ hai ngành Giáo dục Mầm non là người đã có bằng tốt nghiệp các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng trở lên.
Đối với hệ bằng hai, hệ liên thông, dự thảo quy chế cũng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm, giáo viên mầm non và nhóm ngành sức khỏe như tuyển sinh ĐH chính quy.
Đối với chương trình chất lượng cao, dự thảo quy chế yêu cầu nếu xét tuyển các đối tượng giống như tuyển sinh hệ chính quy thì điểm trúng tuyển phải bằng hoặc cao hơn chương trình chuẩn cùng ngành đào tạo.
Dự thảo cũng đưa ra quy định chặt chẽ đối với hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thực hiện theo quy định của quy chế này. Điểm trúng tuyển theo yêu cầu đặt hàng, không thấp hơn điểm trúng tuyển của ngành đào tạo.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng lao động thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ không tuyển đủ lao động theo nhu cầu sử dụng, cần đặt hàng đào tạo và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thì điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30.
Như vậy, có thể thấy, dự thảo quy chế lần này đã đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho tất cả các hệ đào tạo ĐH và CĐ nhóm ngành mầm non hiện nay. Khoảng cách về chất lượng đầu vào giữa các hệ đào tạo ngành càng rút ngắn, thậm chí yêu cầu gần như tương đương với hệ chính quy.
Về xây dựng phương án tuyển sinh của các trường năm 2020, Bộ GD&ĐT yêu cầu, Đề án tuyển sinh của trường phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và các điều kiện đảm bảo chất lượng: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh.
Đối với trường tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp sư phạm phải quy định rõ cách thức xét tuyển và tuân thủ quy định.
Các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: ba năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong Đề án tuyển sinh của trường, báo Dân Trí đưa tin.