Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hiệp định EVFTA vừa được thông qua sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các ngành xuất khẩu Việt Nam, trong đó có thủy sản.
Theo đó, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế từ 6-22%, sẽ được giảm về 0%. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5 - 26% sẽ được về về 0% sau từ 3 - 7 năm.
Cụ thể, sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như: hàu, nghêu, sò, điệp, mực, bạch tuộc, bào ngư chế biến… Ngoài ra, các sản phẩm: mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%...
Các sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3 - 5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm.
Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế xuất nhập khẩu, gia nhập EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác như: Ấn Độ, Thái Lan. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; Tạo động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên Việt Nam – EU.
Để tận dụng được lợi thế từ EVFTA cũng như tránh rủi ro, hạn chế những bất lợi do các thách thức mang lại, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, doanh nghiệp thủy sản cần áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định FTA; chủ động tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA; tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ./.