Ngày 19/8 lịch sử qua hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tại Hà Nội, sự hồi sinh của cách mạng thật lạ thường. Hôm trước cả thành phố còn tê liệt vì nạn đói. Hôm sau tất cả sôi lên, hàng vạn, hàng vạn người kéo đi như dòng thác. 
Đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị giải phóng quân tại Hà Nội, tháng 8/1945. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị giải phóng quân tại Hà Nội, tháng 8/1945. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Trong cuốn hồi ức Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hữu Mai thể hiện (viết từ năm 1970, hoàn thành năm 1972, NXB Trẻ, in lần thứ 3, năm 2019), người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho biết những phút giây lịch sử của dân tộc trong những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cả dân tộc vùng dậy như sức mạnh triều dâng, nước đổ

Đại tướng cho biết, vào những ngày này, ông cùng các đồng chí trong Ủy ban dân tộc giải phóng được phân công về Hà Nội trước để chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ lâm thời (theo quyết định của Hội nghị toàn quốc họp tại Tân Trào). Ông được thành ủy bố trí ở trong một ngôi nhà tại phố Hàng Ngang (căn nhà số 48 của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ). Ít ngày sau đó (22/8/1945), lãnh tụ Hồ Chí Minh (Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng) rời Tân Trào về Hà Nội, Võ Nguyên Giáp đã lên Làng Gạ, Phú Gia (Phú Thượng) đón Người về Hàng Ngang.

Trong cuốn hồi ức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, trước ngày Cách mạng tháng Tám nổ ra, không chỉ riêng Hà Nội mà cả dân tộc đang sống trong những giờ phút đau thương. 

Hà Nội vẫn còn giữ nguyên vẹn bộ mặt một sản phẩm của chế độ thực dân thời chiến. Cả thành phố chìm đắm trong những hoạt động chợ đen. Cuộc sống tính từng ngày. Những chiếc xe chở rác không đủ để đưa những xác chết ra khỏi vùng ngoại ô, đổ xuống những hố chung. Trong khi đó, ở các cửa ô, người đói khắp làng quê vẫn ùn ùn kéo vào. Cũng trong những ngày này, nước các triền sông đều lên to. 

Ngày 19/8 lịch sử qua hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1

Bìa hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng không thể nào quên

Cơn hồng thủy đã phá vỡ đê điều. Sáu tỉnh đồng bằng, vựa thóc của cả miền Bắc bị chìm dưới làn nước trắng. Dịch tả hoành hành. Bao nhiêu tai họa của chế độ thực dân cùng đến một lúc. Cùng bọn đầu cơ kinh tế, nhóm đầu cơ chính trị cũng đua nhau nổi lên. Chúng vừa hô “Việt Nam độc lập”, vừa hô “Đại Nhật Bản vạn tuế”. Thay vào những tên đội xếp Pháp mang dùi cui là những hiến binh Nhật đeo kiếm dài, lệt xệt đi ủng trên các hè phố.

Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật vào giữa tháng 8 đã đưa lại cho dân tộc ta một thời cơ lớn. Một sự thay đổi lớn lao trong đời sống dân tộc. 

Theo lời hiệu triệu của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta từ Bắc chí Nam đã vùng dậy với một sức mạnh như triều dâng, thác đổ.

Tại Hà Nội, sự hồi sinh của cách mạng thật lạ thường. Hôm trước, cả thành phố còn tê liệt vì nạn đói, vì bệnh dịch, vì sự khủng bố. Hôm sau, tất cả những đường to, ngõ hẻm đã sôi lên. Hàng vạn, hàng vạn con người kéo đi với sức mạnh như những dòng thác… Quần chúng cách mạng đã vượt qua hàng rào sắt, xông vào chiếm Bắc Bộ Phủ. 

Đồng bào, già, trẻ, gái, trai, lớn, bé đã siết thành đội ngũ, giương cờ Việt Minh, tiến vào vào trước họng đại bác xe tăng Nhật ở trại bảo an binh. Xe tăng, súng máy và lưỡi lê của quân Nhật phải lùi và trao cho cách mạng toàn bộ kho vũ khí của bảo an binh đóng tại đây. Tin khởi nghĩa thắng lợi ở khắp các địa phương dồn dập bay về.

Ngày 19/8 lịch sử qua hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trên chiếc xe đến Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945. Ảnh: Võ An Ninh

Tại Huế, ngày 23/8, mười lăm vạn đồng bào nội, ngoại thành tuần hành thị uy trên các đường phố. Ủy ban khởi nghĩa đưa thư đòi Bảo Đại thoái vị. Trước áp lực to lớn của cách mạng, Bảo Đại tuyên bố từ giã ngôi vua.

Ngày 25/8, khởi nghĩa bùng lên trên phần lớn các tỉnh Nam Bộ. Tám mươi vạn đồng bào Sài Gòn, Chợ Lớn cùng xuống đường. Viên khâm sai của Bảo Đại vừa phái vào mấy ngày trước đó, buộc phải từ chức. Trước sức mạnh của quần chúng, mấy vạn quân Nhật ngoảnh mặt làm ngơ.

Cách mạng thành công ở hầu hết tỉnh, Chính phủ lâm thời thành lập

Các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận được cử vào Huế. Ngày 30/8, cửa Ngọ môn tại hoàng thành mở rộng đón phái đoàn của Cách mạng. Bảo Đại thoái vị trao ấn kiếm để trở thành công dân của một nước tự do. Hàng vạn đồng bào hân hoan chứng kiến những giờ phút cuối cùng của triều Nguyễn.

Cũng trong cuốn hồi ức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, sau khi về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thường vụ ở Hà Nội tại ngôi nhà ở phố Hàng Ngang, (ngày 26/8). Cách mạng đã thành công ở hầu khắp tỉnh. Nhưng chính quyền cách mạng trung ương vẫn chưa thành lập. Tình hình trong ngoài rất khẩn trương.

Thường vụ nhận thấy phải sớm công bố danh sách Chính phủ lâm thời và tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ. Những việc làm này cần làm ngay trước khi quân Tưởng kéo vào (tại Hội nghị Potsdam, cuối tháng 7/1945, Đồng Minh đã quyết định chia Đông Dương thành hai khu vực để tiến vào tước vũ khí của quân đội Nhật. Việc giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào do quân Anh phụ trách. Từ vĩ tuyến 16 do quân Tưởng chịu trách nhiệm). 

Ngày 28/8, danh sách Chính phủ lâm thời (Hồ Chí Minh làm Chủ tịch) được công bố trên các báo chí tại Hà Nội. Thành phần của Chính phủ lâm thời nói lên chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân của Mặt trận Việt Minh. 

Ngày 19/8 lịch sử qua hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 3

Tuyên bố thoái vị của Bảo Đại. Tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Thường vụ cũng quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời là ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức công bố giành độc lập. Ngoài đường lối chính sách của Chính phủ, phải chuẩn bị cả lời hứa trước nhân dân. Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: Thảo bản tuyên ngôn độc lập.

Trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà nằm giữa ba sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì… Họ không biết rằng là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.

Sau khi bản tuyên ngôn lịch sử được thảo xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Trường Chinh cho gọi mọi người đến. Người mang bản tuyên ngôn ra đọc để thông qua tập thể. Ai cũng rõ thấy niềm rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người.

Theo Zing
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?