Theo Reuters, đây được gọi là hiện tượng "karoshi", một hiện tượng những người lao động nam hoặc nữ phải chịu áp lực công việc trong một thời gian dài dẫn đến tử vong hoặc tự sát.
Nhu cầu lao động của Nhật Bản đang ở mức cao nhất kể từ năm 1991 với tỷ lệ 1,28 việc làm cần tuyển/ứng viên lẽ ra sẽ giúp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thu hút thêm nhiều người vào thị trường lao động, chống đỡ ảnh hưởng của thực trạng dân số thu hẹp. Tuy nhiên, việc thực thi luật lao động lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “bóc lột” sức lao động của nhân viên, dẫn đến nhiều hậu quả.
Kỹ sư cầu đường Nhật Bản chuẩn bị cho công trình xây dựng trong đêm ở thủ đô Tokyo ngày 30/11/2015.
Theo số liệu của Bộ lao động, số lượng đơn yêu cầu bồi thường cho các vụ “karoshi” đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.456 đơn tính đến cuối tháng 3/2015. Nạn nhân chủ yếu làm việc trong các ngành y tế, dịch vụ xã hội, vận chuyển và xây dựng, đều là những ngành thiếu nhân lực trầm trọng.
Hiroshi Kawahito, Tổng thư ký của Hội Luật sư quốc gia bảo vệ nạn nhân “karoshi”, cho biết con số thực tế cao hơn gấp 10 lần. Tuy nhiên, chính phủ vẫn ngần ngại, không muốn thừa nhận điều này. "Chính phủ tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề và in áp phích về vấn đề này, nhưng tất cả chỉ mang tính chất tuyên truyền. Việc cần phải làm đó là giảm giờ làm, nhưng chính phủ vẫn chưa thực hiện đủ để hiện thực hóa điều đó."
Kawahito, một luật sư có kinh nghiệm giải quyết các vụ “karoshi” từ những năm 1980, cho biết 95% nạn nhân là những người đàn ông trong độ tuổi trung niên, làm việc trong văn phòng. Nhưng hiện nay có khoảng 20% trong số đó là phụ nữ.
Nhật Bản không có quy định pháp luật về giờ làm việc, nhưng Bộ lao động công nhận có hai loại “karoshi”: một là tử vong do bệnh tim mạch vì làm việc quá sức, và hai là tự tử do chịu căng thẳng tinh thần khi làm việc.
Một người chết vì tim mạch có thể được coi là một trường hợp “karoshi” nếu người đó làm thêm 100 giờ trong tháng trước khi qua đời, hoặc 80 giờ làm thêm trong hai hoặc nhiều tháng liên tục. Một người tự sát được xét là nạn nhân “karoshi” khi cá nhân đó làm thêm 160 giờ hoặc nhiều giờ hơn trong một tháng hoặc làm hơn 100 giờ làm thêm giờ trong ba tháng liên tục. Trong 4 năm qua, số người tự tử vì công việc ở Nhật tăng 45% chủ yếu là những người dưới 29 tuổi, và tăng 39 % ở phụ nữ.
Người lao động bị lợi dụng
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi lực lượng lao động của Nhật Bản được chia thành hai loại: nhân viên chính thức, và nhân viên làm theo hợp đồng thời vụ, thường là phụ nữ và những người trẻ.
Năm 2015, nhân viên thời vụ chiếm 38% trong tổng số lực lượng lao động, tăng 20% so với năm 1990, trong đó có khoảng 68% là phụ nữ.
Theo các luật sư và chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã sử dụng chiêu thức “lừa đảo” người lao động. Họ cho đăng quảng cáo tuyển nhân viên làm việc toàn thời gian với thời lượng làm việc hợp lý, nhưng sau đó lại yêu cầu người được tuyển dụng ký vào bản hợp đồng không thường xuyên với thời gian làm việc dài hơn. Đôi khi họ còn phải làm việc không lương vào cuối tuần hoặc qua đêm.
Không trả lương tăng ca và phân bố thời lượng nghỉ ngơi cho người lao động là việc làm bất hợp pháp, nhân viên được tuyển có thể từ chối công việc đó. Tuy nhiên, các công ty nói với người lao động rằng họ sẽ được ký kết hợp đồng chính thức sau sáu tháng hoặc lâu hơn.
Hầu hết các ứng viên trẻ thường chấp nhận do thiếu kinh nghiệm, còn phụ nữ sau khi sinh con thường cảm thấy rất khó để kiếm việc làm nên họ sẵn sàng chấp nhận.
Emiko Teranishi, giám đốc tổ chức hỗ trợ các gia đình có người thân là nạn nhân “karoshi”, cho biết có rất nhiều khiếu nại về những chiêu trò lừa lao động. Một số công ty nói với nhân viên mới rằng lương của họ bao gồm 80 giờ làm thêm, và nếu họ làm việc ít hơn thì sẽ phải trả lại tiền cho công ty. Trước đây chồng bà Teranishi đã tự tử sau khi làm việc nhiều giờ trong một thời gian dài nên bà hiểu rất rõ vấn đề này. "Với hình thức như vậy, một số người thậm chí không thể đạt được mức lương tối thiểu," bà Teranishi nói.
Giáo sư Hirokazu Ouchi tại Đại học Chukyo, đã viết một cuốn sách về những công ty này vào năm ngoái khi ông phát hiện ra một số sinh viên đang bị lạm dụng sức lao động trong các công việc bán thời gian. Ông Ouchi cho biết: "Các công ty sẽ thuê một nhân viên trong 2-3 năm, nhưng không có ý định đầu tư thời gian hay tiền bạc để bồi dưỡng người đó." Ông nói thêm Bộ lao động không có đủ nguồn lực để theo dõi các vụ khiếu nại.
Một quan chức của Bộ chuyên giám sát các doanh nghiệp thừa nhận rằng cơ quan ông không có đủ nhân sự làm việc, nhưng mỗi năm chính phủ đều tiến hành tuyển dụng thêm nhân sự.
Dân số trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản đã giảm kể từ giữa những năm 1990. Lẽ ra trước tình trạng đó, các công ty phải cải thiện điều kiện làm việc để thu hút người lao động, nhưng Ouch cho biết điều đó đã không xảy ra bởi vì các doanh nghiệp biết họ sẽ không bị phạt dù vi phạm luật lao động.
"Đây là cách để các công ty giữ cho chi phí lao động giảm, nhưng nó cũng là con đường dẫn đến cái chết của những người lao động khi làm việc quá sức," ông nói.
Thùy Dương