Dịch vụ hệ sinh thái đa dạng đang bị đe dọa
Cỏ biển là loài cây hoa biển, sống ở vùng nước nông ven biển ở tất cả các châu lục trừ Nam Cực. Giống như cỏ trên đất liền, chúng tạo thành những đồng cỏ cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho hàng nghìn loài sinh vật biển, đồng thời duy trì một số ngành đánh bắt cá lớn nhất thế giới như cá tuyết Alaska (walleye pollock) và cá tuyết Đại Tây Dương (Atlantic cod). Cỏ biển giúp cải thiện chất lượng nước bằng cách lọc, tuần hoàn và lưu trữ chất dinh dưỡng và chất ô nhiễm, đồng thời ổn định các trầm tích, góp phần vào khả năng phục hồi của các hệ sinh thái dễ bị tổn thương như rạn san hô.
Bằng cách giảm năng lượng sóng, cỏ biển cũng góp phần bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi các sóng phá hủy và lũ lụt do bão. Theo UNEP, chúng là những bể chứa carbon rất hiệu quả, lưu trữ lên đến 18% carbon đại dương của thế giới (thông tin năm 2020). Khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon này khiến cỏ biển trở thành một yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, được gọi là "carbon xanh".
Thông tin UNESCO thông báo năm 2021 cho thấy, mặc dù có vai trò quan trọng, cỏ biển đang bị mất dần với tỷ lệ từ 2-7% mỗi năm. Các mối đe dọa chính đối với cỏ biển trên toàn cầu là chất lượng nước kém, sự xáo trộn trực tiếp (ví dụ: phát triển ven biển, đánh cá kéo lưới) và biến đổi khí hậu (sóng nhiệt, tăng mực nước biển và axit hóa đại dương). Mất đi các hệ sinh thái này không chỉ dẫn đến mất mát các môi trường sống quan trọng, mà còn làm tăng phát thải khí nhà kính, làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu.
Quan sát toàn cầu về cỏ biển
Giám sát toàn cầu đối với cỏ biển là điều cần thiết để phát hiện và hiểu mức độ suy giảm của các hệ sinh thái cỏ biển trên thế giới, tập trung vào các nỗ lực phục hồi và đánh giá tiềm năng carbon xanh của chúng. Tuy nhiên, diện tích toàn cầu của cỏ biển vẫn chưa được xác định rõ (dao động từ 177.000 – 600.000 km2) (dữ liệu năm 2020), điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực quan sát có phối hợp để nâng cao hiểu biết và bảo tồn các hệ sinh thái cỏ biển trên toàn cầu.
Để đáp ứng yêu cầu này, và đảm bảo các quan sát có tính nhất quán và có thể kết hợp được thông tin từ các quy mô địa phương đến quốc tế, cỏ biển đã được công nhận là một Yếu tố Biển Cơ bản (EOV) trong Hệ thống Quan sát Đại dương Toàn cầu (GOOS), do Ủy ban Đại dương học Liên chính phủ (IOC) của UNESCO quản lý. Thông qua nỗ lực phối hợp của GOOS, các quan sát về cỏ biển đang được tập hợp và cung cấp thông qua Cổng Thông tin BioEco của GOOS, kết nối và hỗ trợ bởi Hệ thống Thông tin Đa dạng Sinh học Đại dương.
Phối hợp toàn cầu trong khoa học đại dương hỗ trợ bảo tồn cỏ biển
Ngoài các nỗ lực quan sát được phối hợp qua GOOS, UNESCO/IOC cũng đang phối hợp các nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ các hệ sinh thái biển quan trọng này. Sáng kiến Carbon Xanh (BCI) cùng với Conservation International và IUCN đang tập hợp các nhà khoa học hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới để thúc đẩy nghiên cứu về các đầm lầy ven biển nhằm hỗ trợ bảo tồn, quản lý và tài trợ.
Ngoài ra, Đối tác Quốc tế về Carbon Xanh (IPBC), bao gồm hơn 60 đối tác và 18 chính phủ toàn cầu, đang giúp các nhà nghiên cứu, quản lý và các nhà hoạch định chính sách kết nối, chia sẻ và hợp tác để xây dựng các giải pháp, với tầm nhìn bảo vệ, quản lý bền vững và phục hồi các hệ sinh thái carbon xanh ven biển toàn cầu, bao gồm cỏ biển.
UNESCO/IOC cũng là một trong các đối tác sáng lập của Chương trình Thập kỷ Đại dương Toàn cầu cho Carbon Xanh (GO-BC), một chương trình được phê duyệt trong khuôn khổ Thập kỷ Khoa học Đại dương Liên Hợp Quốc vì Phát triển Bền Vững (2021-2030) và là đối tác của dự án C-BLUES của châu Âu, nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết về các hệ sinh thái carbon xanh và tăng cường việc đưa chúng vào các báo cáo và bảng kê khí nhà kính quốc gia theo Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) trong Liên minh Châu Âu.