Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, đây là “ngày hội toàn dân” để cử tri phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội, HĐND các cấp.
Thống kê của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, toàn quốc có tổng cộng 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu.
Đến ngày 3/5, các Tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo đơn vị bầu cử và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử bảo đảm chính xác, rõ ràng, đúng tiến độ theo luật định.
Dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là 500 đại biểu.
Cơ cấu kết hợp như sau: phụ nữ: 393 người (45,38%); Người dân tộc thiểu số: 185 người (21,36%); Người ngoài Đảng: 74 người (8,55%); tái cử: 204 người (23,56%); Người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 224 người (25,87%).
Thời gian tiến hành bầu cử sẽ diễn ra từ 7h sáng đến 7h tối ngày 23/5. Ở một số địa phương, tuỳ theo tình hình cụ thể, tổ bầu cử có thể bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h sáng và có thể kết thúc muộn hơn nhưng không được muộn hơn 9h tối. Khi 100% cử tri trong danh sách khu vực bỏ phiếu đó đã đi bầu trước 7h tối, thì tổ bầu cử đó cũng không được tuyên bố kết thúc bầu cử và kiểm phiếu.
Nếu kiểm phiếu trước 7h tối thì sẽ thực hiện trước các khu vực bầu cử khác trong cùng đơn vị bầu cử. Kết quả bầu cử của khu vực bỏ phiếu đã kết thúc sớm có thể bị lộ, lọt ra bên ngoài, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của các khu vực khác trong cùng đơn vị bầu cử.
“Để bảo đảm tính khách quan, công bằng, bảo đảm quyền cử tri được lựa chọn người mình thấy xứng đáng để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, không bị tác động bởi những yếu tố khác thì việc kiểm phiếu phải được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.