Chào anh Trung Dân, nhìn lại năm Giáp Thìn, xin anh phác họa đôi nét về những điều tích cực chính mình và cộng đồng nghệ thuật Việt nói chung?
Nghệ sĩ Trung Dân: Năm qua, tôi vẫn thu hình định kỳ cho chương trình truyền hình Bác Ba Phi, được mời diễn ở nhiều sự kiện, đóng một vở kịch, xuất hiện trong 2 phim điện ảnh chiếu trước tết, 1 webdrama chiếu trong dịp tết. Nhìn chung ở tuổi gần 60, cường độ hoạt động ấy cũng ổn. Còn đánh giá về môi trường hoạt động nghệ thuật, tôi thấy có sự nhộn nhịp và hào hứng. Về mảng kịch trình làng nhiều vở diễn hay của nhiều sân khấu. Phim điện ảnh được sản xuất nhiều tạo điều kiện cho các đạo diễn và diễn viên trẻ cơ hội cọ xát, thực hành.
Gần 40 năm theo nghệ thuật, anh chưa từng vướng tai tiếng và đàm tiếu. Điều gì giúp anh không bị cuốn vào vòng xoáy mà nhiều đồng nghiệp của anh không thoát khỏi?
Nghệ sĩ Trung Dân: Ba tôi không đồng ý cho tôi theo nghệ thuật vì ông cũng bị áp lực trước cái nhìn “con hát là xướng ca vô loài”. Ông là một trí thức thông thạo tiếng Anh, Pháp và rất mê văn hóa Việt, ông muốn tôi làm nghề giáo. Tôi đã đậu đại học sư phạm, nhưng lẳng lặng bỏ nghề để thi vào nghệ thuật. Ba tôi biết chuyện đã nói với tôi rất nhẹ nhàng rằng đã quyết theo nghiệp nghệ sĩ thì phải biết giữ mình. Nếu tôi làm điều khiến ông xấu hổ, ông sẽ cầm roi đánh tôi ngay trên sân khấu, trước mắt khán giả. Đây là câu tôi thuộc lòng để bước vào nghệ thuật. Nó giúp tôi kiểm soát mình.
Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi thích nghe những bậc tiền bối kể chuyện và chia sẻ nhiều điều hay về văn hóa, và cách sống |
Tôi không có quá nhiều bạn bè để thường xuyên gặp gỡ bù khú ăn nhậu, tôi không mê bài bạc, cũng không gái gú. Diễn xong là về nhà nghỉ ngơi dưỡng sức để ngày hôm sau còn lao động. Hiện tại tôi cũng rất ít bạn, bạn thân của tôi là những người chân thành, giản dị. Ngày xưa, tôi thân và gần gũi vài người như cố nhà văn Sơn Nam, danh hài Mạc Can, và ông Vương Hồng Sển. Lúc ấy, hầu như định kỳ, tôi gặp họ mỗi tuần. Tôi thích nghe những bậc tiền bối kể chuyện và chia sẻ nhiều điều hay về văn hóa, và cách sống.
Theo anh, điều gì là quan trọng nhất trong việc truyền thừa lại cho con cái?
Nghệ sĩ Trung Dân: Kiến thức là thứ mà tôi di chúc lại cho con cái chứ không phải là vật chất. Làm nghệ sĩ nếu không nổi tiếng sẽ rất bấp bênh, có chút tên tuổi như tôi sẽ sống được trong điều kiện không được phung phí. Tôi và bà xã có trách nhiệm nuôi nấng ba đứa con gái tới nơi tới chốn bằng đồng tiền mình kiếm được. May mắn bà xã tôi là người tháo vát, biết dùng tiền tôi làm ra tái đầu tư nên chúng tôi có cuộc sống căn bản ổn định. Phần lớn tiền dành dụm của chúng tôi đầu tư vào việc học của ba đứa con. Tôi nghĩ rằng kiến thức là hành trang vững vàng nhất để các cháu tiếp tục đi đến cuối cuộc đời.
Con gái lớn của tôi du học bên Úc rồi gặp người yêu. Cuối cùng chúng nó cưới nhau và có cuộc sống ổn định. Con gái thứ nhì tốt nghiệp đại học xong, đi làm rồi giờ học lên cao học. Con gái út thì đang học chuyên ngành tự nhiên và học tốt. Nhìn các con chăm học mà tôi thấy lòng ấm áp và tin tưởng vào tương lai.
Bây giờ tết Ất Tỵ đang đến, anh có quan niệm con giáp nào mang đến may mắn và con giáp nào sẽ là điềm báo của khó khăn không, thưa anh?
Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi không nghĩ có sự khác nhau giữa các con giáp. Suy cho cùng con người chào đời là đã bắt đầu đối mặt với khó khăn rồi. Chẳng có năm nào hên và chẳng có năm nào xui, tất cả mọi thứ vui buồn đều tồn tại song hành trong cuộc đời con người. Điều quan trọng là mình chọn sống trong tâm thế nào. Việc quan trọng đầu tiên tôi quan tâm là lao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vì nếu không làm việc sẽ không thể chu toàn cho bản thân và cho gia đình. Nếu gặp khó khăn thì tìm cách tháo gỡ. Ăn uống giản dị và dành thời gian cho việc cúng kiếng, chăm sóc cây kiểng, đọc sách, viết kịch bản. Tôi cứ làm hết việc bằng nỗ lực tốt nhất, còn lại thế nào thì thuận tự nhiên.
Nhân nhắc đến năm Ất Tỵ, xin hỏi bản thân anh có bao giờ đối mặt với rắn thật chưa?
Nghệ sĩ Trung Dân: Xứ Hóc Môn – Bà Điểm quê tôi ngày xưa cây cối rậm rạp, nhiều rắn. Ngày nhỏ tôi cùng đám bạn hay thơ thẩn chơi đùa trên đồng và khám phá ra nhiều thứ. Tôi nghe người lớn dặn là đừng chọc vào ổ chim bìm bịp vì trong đó có rắn. Thay vì tránh xa chúng tôi càng tò mò đi tìm cho bằng được ổ bìm bịp có chim non, rồi lấy cây chọc phá. Rắn rớt ra thật và chúng tôi chạy trối chết vì sợ. Sau này, tôi nghe các lương y kể con bìm bịp mẹ đã cắn gãy xương mấy con rắn nhỏ mang về tổ làm thức ăn, và đồng thời để các con vật khác thấy rắn thì sợ không tấn công bìm bịp non, chứ không phải rắn chui vô ổ bảo vệ bìm bịp con. Một kỷ niệm nhớ đời.
Nghệ sĩ Trung Dân: Ba tôi muốn tôi làm nghề giáo |
Người miền Nam hay có quan niệm chưng ngũ quả là “cầu dừa đủ xài”, anh nghĩ gì về điều này?
Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi giải thích theo suy nghĩ của mình chứ không dựa vào sách vở gì. Miền Nam được thiên nhiên ưu đãi nên từ hồi mở cõi, trên đồng lúa tốt phì nhiêu, dưới nước cá lội đầy sông, trong rừng nhiều sản vật. Người miền Nam không lo bị đói nên tính cách phóng khoáng, cởi mở và không lo xa. Trong bối cảnh sống đó, nhiều người chăm chỉ thì thành điền chủ, phú hộ, phú ông ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Người không có tham vọng thì cũng chẳng lo bị đói nên chấp nhận cuộc sống đang có. Cái câu cầu xin có tiền vừa đủ xài, nghe qua thì đó là tư tưởng an phận vì hoàn cảnh sống đã đủ đầy rồi không cần hơn, nghe kỹ thì nó có hơi hướng Phật pháp, đó là biết đủ là đủ. Tôi không cho rằng do thời đó nghèo khổ quá mà không dám cầu “giàu có dư xài” mà chỉ dừng lại mức “cầu vừa đủ xài”.
Nhân dịp tết đến, anh có điều gì muốn chia sẻ cho khán giả và công chúng nói chung?
Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi thành tâm kính chúc cho tất cả mọi người Việt Nam từ trong nước đến khắp nơi trên thế giới đều bình an và may mắn. Hãy làm việc hết mình nhưng gìn giữ sức khỏe và tận hưởng thành quả mình tạo ra.
Chúc anh và gia đình một năm mới an lành!