Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 3,7 tỷ người trên thế giới dương tính với virus HSV-1 gây mụn rộp ngoài da. Tuy là một căn bệnh phổ biến, song y học thế giới còn khá ít thông tin về nguồn gốc của loại virus này và cách nó lây lan trên thế giới.
Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã sàng lọc mẫu ADN từ hàng trăm hàm răng trong phát hiện khảo cổ. Kết quả cho thấy 4 mẫu trong số này dương tính với virus HSV-1. Các nhà khoa học sau đó đã tiến hành giải trình tự bộ gene của những mẫu này.
Bà Christiana Scheib thuộc Đại học Cambridge - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết, kết quả giải trình tự gene chỉ ra rằng các biến thể virus herpes hiện nay đều bắt đầu xuất hiện từ cuối kỳ đồ đá mới, đầu thời đại đồ đồng. Bà Scheib cho rằng kết quả này khá ngạc nhiên, do đa số ý kiến cho rằng virus herpes đã xuất hiện và phát triển trong thế giới loài người từ rất lâu trước đó.
Theo bà Scheib, điều này cũng không phải sai hoàn toàn, khi virus herpes từng xuất hiện ở các loài linh trưởng lẫn con người từ khi loài người di cư khỏi châu Phi. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng các biến thể HSV-1 đời đầu này sau đó đã phát triển thành loại biến thể hiện đại từ cách đây khoảng 5.000 năm.
Các nhà khoa học đã đưa ra 2 giả thuyết lý giải cho quá trình lây lan của virus này, trong đó một giả thuyết cho rằng virus bắt nguồn từ cuộc di cư khỏi lục địa Á-Âu đến châu Âu, trong khi giả thuyết thứ 2 cho rằng sự lây nhiễm của virus này bắt nguồn từ những nụ hôn lãng mạn. Một số bằng chứng lịch sử cho thấy nụ hôn lãng mạn có xuất phát điểm vào thời kỳ đồ đồng, và có thể nghi thức biểu đạt tình cảm này đã vô tình trở thành phương thức lây nhiễm virus herpes. Các nhà khoa học cho biết ghi chép sớm nhất về nụ hôn bắt nguồn từ Nam Á vào thời đại đồ đồng, cho thấy nét văn hoá này có thể đã di cư từ lục địa Âu-Á vào châu Âu, khi hôn thực chất không phải là một hành động tự nhiên của con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học khó có thể khẳng định độ chính xác của giả thuyết này.
Đồng tác giả nghiên cứu Charlotte Houldcroft cho biết loại virus HSV-1 tiến hóa trong khoảng thời gian lớn hơn rất nhiều so với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, vì virus này ẩn náu trong cơ thể người nhiễm suốt đời và chỉ lây truyền qua đường miệng, do đó việc xảy ra đột biến thường diễn ra chậm trong nhiều thế kỷ hoặc thiên niên kỷ. Bà Houldcroft cho rằng cần tiến hành thêm các cuộc điều tra sâu rộng về thời gian phát triển của virus, vì chỉ các mẫu gene hàng trăm hoặc nghìn năm tuổi mới giúp khoa học hiểu được ADN của các virus như herpes và đậu mùa khỉ, cũng như hệ thống miễn dịch của con người, đang thích nghi để phản ứng lẫn nhau.