Ngôi nhà hạnh phúc của học giả Vương Hồng Sển và nghệ sĩ Năm Sa Đéc nay còn đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sinh thời, học giả Vương Hồng Sển là người phong lưu và đào hoa dù ông có đến 3 vợ nhưng nếu không vì những trắc trở của cuộc đời thì ông vẫn là người chồng chung thủy.

Tuy không có bằng cấp cao hay học hàm học vị, học giả Vương Hồng Sển vẫn được trọng vọng trong giới văn hóa, giáo dục, văn nghệ, báo chí. Trước 1975, chức vụ cao nhất cụ Vương làm là Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, cụ Vương được mời làm giáo sư môn Khảo cổ học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Thế nhưng bằng hiểu biết của mình, người đời gọi ông là nhà nghiên cứu, học giả, pho tự điển sống...

Ngôi nhà hạnh phúc của học giả Vương Hồng Sển và nghệ sĩ Năm Sa Đéc nay còn đâu? ảnh 1

Di ảnh học giả Vương Hồng Sển và nghệ sĩ Năm Sa Đéc tại nhà cổ 11 Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Có lẽ nhờ số phận, cụ Vương Hồng Sển nổi tiếng một cách ly kỳ bỏ qua các thông lệ bình thường của người đời, ông được xem là một học giả trên lĩnh vực văn hóa khi gắn với sách vở và đồ cổ. Trong đó, chuyện lấy vợ của ông cũng lôi cuốn sự ngưỡng vọng của người đời, nhất là khi ông kết hôn lần thứ ba với nghệ sĩ lừng danh Năm Sa Đéc.

Năm 23 tuổi, chàng thanh niên Vương Hồng Sển lấy vợ lần đầu nhưng không hiểu vì sao hai người ở với nhau được 9 tháng thì chia tay. Ông lấy người vợ thứ hai tên Dương Thị Tuyết, một người đẹp quê Sóc Trăng, ông yêu thương bà Tuyết hết mực, ở với nhau được 19 năm cũng phải chia tay. Lý do cha mẹ bà Tuyết và cả bản thân bà quá mê… đánh bạc.

Sau này, cụ Vương thuật lại về cuộc hôn nhân 19 năm với bà Tuyết: “Từ ngày anh đưa em về tỉnh Sa Đéc, mười lượng vàng của mẹ anh mãn phần trối để lại, anh dâng cho nhạc phụ, nhạc mẫu làm lễ sính, ông bà “nướng” tất cả trong sòng me (cờ bạc)…”.

Bà Tuyết có bà nội giàu có như một đại điền chủ ở Sóc Trăng, khi bà nội qua đời đã để lại cho vợ chồng Dương Thị Tuyết – Vương Hồng Sển một gia sản không nhỏ. Trong đó có đôi bông kim cương 6 ly, là đôi bông tai mà bà nội đã đeo từ lúc còn sống. Nhưng về sau, tất cả của cải ấy “thảy đều tiêu tan như bọt xà phòng vì em Tuyết thua bài thua bạc sạch trơn” - lời cụ Vương thuật lại.

Đến khi kết hôn lần thứ ba, ông gặp nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc (tên thật Nguyễn Kim Chung) lừng danh, cuộc đời Vương Hồng Sển mới thật sự yên bề gia thất. Ông Vương Hồng Sển và bà Năm Sa Đéc đã ăn ở trọn vẹn với nhau suốt 41 năm cho đến khi bà qua đời vào năm 1988.

Trước khi gặp ông, bà Năm Sa Đéc đã là một trong những nghệ sĩ lừng danh lúc bấy giờ trên sân khấu hát bội, được đánh giá thanh sắc lưỡng toàn. Vào thời điểm đó, bà đang đổ vỡ chuyện tình với một nam nghệ sĩ tài danh khác.

Ngôi nhà hạnh phúc của học giả Vương Hồng Sển và nghệ sĩ Năm Sa Đéc nay còn đâu? ảnh 2

Di ảnh học giả Vương Hồng Sển và nghệ sĩ Năm Sa Đéc tại nhà cổ 11 Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Ông Vương Hồng Sển rất mê hát bội, là một khán giả đặc biệt của bà Năm Sa Đéc. Khi gặp nhau trong hoàn cảnh “trai không vợ, gái không chồng”, “tài tử gặp giai nhân” như vậy, hai người đã nhanh chóng kết đôi. Đám cưới của họ thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng thời đó.

Một tờ báo viết: “Cuộc đời của nghệ sĩ Năm Sa Đéc bước vào một khúc quanh mới khi cô gặp gỡ và kết nghĩa với học giả, nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, lúc hai người vừa “gãy gánh giữa đường”. Ông thì làm công chức, viết sách, nghiên cứu các thú chơi đồ cổ, đá gà, hát bội; bà thì hát bội, diễn cải lương...”.

Học giả Vương Hồng Sển rất yêu người vợ nghệ sĩ này của mình. Có giai thoại kể rằng, khi đang làm Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Việt Nam, ông được mời đến Dinh Độc Lập để thẩm định cổ vật cho tổng thống Ngô Đình Diệm. Xe hơi đến nhà rước đưa ông vào ngồi trong phòng chờ sang trọng của Dinh Độc Lập. Trong lúc chờ được mời uống cà phê sữa, hút thuốc thơm.

Thế nhưng do tổng thống quá bận, đến 3 giờ chiều, ông vẫn chưa được diện kiến. Chờ mãi đến 6 giờ, Vương Hồng Sển sốt ruột. Ông ghi lại trong sổ tay: “Ngồi nhớ tiếc cảnh làm việc ở Viện Bảo tàng, tuy ăn lương ít, nhưng cũng “làm vua một cõi”. Nay cũng vì ham chút bả vinh hoa mà bị hành phạt như vầy”. Rốt cuộc, tổng thống quá bận không tiếp ông được hôm đó. Xe hơi đưa ông về nhà và được dặn kỹ đêm đó đừng đi đâu, phòng khi tổng thống rảnh sẽ cho xe đến rước.

“Nghe mà chết được trong lòng. Huống hồ gì, đêm nay lại được lần thứ nhất vợ mua vé xem cải lương gánh Năm Châu diễn tại rạp Thống Nhất tuồng “Tây Thi gái nước Việt” mà mình ao ước muốn xem diễn lại. Thôi kệ, cứ đi xem hát cái đã, rủi mất chức thì cũng đành, chớ không lý bỏ vé vợ mua sẵn để bận đồ lớn ngồi nhà chờ xe ông tổng thống” - lời cụ Vương ghi trong sổ tay. Đêm đó Vương Hồng Sển cứ đi xem hát, gác việc ngồi nhà chờ tin tổng thống. May là đêm đó cũng không ai kêu. Chiều hôm sau, ông lại được mời vào dinh và gặp tổng thống để bàn về chuyện đồ cổ.

Ngôi nhà hạnh phúc của học giả Vương Hồng Sển và nghệ sĩ Năm Sa Đéc nay còn đâu? ảnh 3

Bên ngoài nhà cụ Vương ở 11 Nguyễn Thện Thuật, Q.Bình Thạnh bị che khuất bởi bảng hiệu quán nhậu. Ảnh: Thanh Kiều

Học giả Vương Hồng Sển có 41 năm hạnh phúc thực sự bên cạnh người vợ nghệ sĩ Năm Sa Đéc lừng danh và chung thủy. Khi bà qua đời, ông viết điếu văn tha thiết nghĩa phu thê: Anh hồi tưởng: Chòi lá năm xưa, Cù lao xóm cũ/ Ngồi nghe em hát, giọng du dương trưa sớm chẳng nhàm tai/ Đôi vợ chồng ra vào khắng khít, mắm muối mà vui/ Một chòi tranh sau trước đìu hiu, ghế bàn chẳng có…/ Em sao vội phủi tay đứng dậy?/ Tắt đèn đời, tìm giấc ngủ thiên thu/ Anh chỉ còn trơ mắt nhìn theo/ Qua giòng lệ viết trang tình nửa đoạn…”.

Khi mới lấy nhau, hai vợ chồng cụ Vương sinh sống trong một ngôi nhà nhỏ ở xóm Cù Lao nằm trên đường Võ Di Nguy, nay là đường Phan Đình Phùng thuộc quận Phú Nhuận, TPHCM. Về sau thì họ ở một ngôi nhà khang trang hơn trên đường Nguyễn Thiện Thuật thuộc quận Bình Thạnh, TPHCM. Tại đây, ông đã lưu giữ, trưng bày rất nhiều sách quý hiếm cũng như cổ vật để sau này di chúc hiến tặng cho Nhà nước. Theo hội đồng thẩm định giá vào 14/10/1996, xác định giá trị của các cổ vật là 13.591.800.000 đồng và giá trị các loại sách, tư liệu khác là 133.275.000 đồng, một con số không hề nhỏ so với vật giá năm đó.

Địa chỉ này chính là ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật được cụ Vương di chúc mong muốn được Nhà nước làm Bảo tàng Nhà Vương Hồng Sển. Ngôi nhà này đã được UBND TPHCM xếp hạng di tích năm 2003. Nhưng đến nay sau hơn 20 năm ngôi nhà được xếp hạng di tích, nơi này ngày càng xuống cấp, bừa bộn, nhếch nhác, xây lấn bừa bãi, trở thành quán nhậu… trông thật thê thảm. Và mới đây phát hiện 23 tủ sách quý hiếm đang niêm phong để lại ngôi nhà này không cánh mà bay.

Ngày 12/9/2024, ông Hồ Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, TPHCM ký quyết định số 5279/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với căn nhà số 11 Nguyễn Thiện Thuật. Cơ quan chức năng đã đến dán thông báo về quyết định cưỡng chế tại căn nhà số 11 đường Nguyễn Thiện Thuật. Thời gian khắc phục hậu quả là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này.


Thế nhưng, trưa 30/10, phóng viên Ngày Nay trở lại địa chỉ trên thì tình trạng vẫn không có gì thay đổi, vẫn lộn xộn, bừa bộn, nhếch nhác, các công trình xây trái phép xâm hại di tích này vẫn còn y nguyên như chúng tôi đã nhiều lần phản ánh.

TIN LIÊN QUAN
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.