Cổ vật, sách quý của học giả Vương Hồng Sển trước nguy cơ “bốc hơi” đã từng được cảnh báo

(Ngày Nay) - Như Ngày Nay thông tin, ngày 10/8 vừa qua, bà Vương Thị Việt Hoa, cháu gọi cụ Vương là bác ruột, cùng đoàn cán bộ kiểm tra hiện trạng ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật (Q.Bình Thạnh) thì phát hiện 23 tủ sách quý của cụ Vương đang niêm phong để lại địa chỉ này “không cánh mà bay”.

Việc để mất di sản của học giả Vương Hồng Sển hiến tặng Nhà nước thuộc về trách nhiệm của ai là câu hỏi mà dư luận mong muốn các cơ quan liên quan của TPHCM trả lời. Tuy nhiên, mất mát này đã từng được cảnh báo từ rất sớm.

Cổ vật, sách quý của học giả Vương Hồng Sển trước nguy cơ “bốc hơi” đã từng được cảnh báo ảnh 1
Bên trong ngôi nhà của cụ Vương Hồng Sển hiện nay được bày trí bề bộn vì tránh mưa dột. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Từ năm 2009, bà Vương Thị Việt Hoa đã có đơn xin cứu xét khẩn thiết gửi UBND TPHCM. Trong đơn được bà Hoa viết vào ngày 9/1/2009, thì: “Nơi ấy giờ đây là khu tạm cư của vài chục nhân khẩu xa lạ đến xâm chiếm, xây cất bát nháo bên trong di tích để ở và kinh doanh. Là một “ổ” tệ nạn xã hội, nhập cư trái phép và Công an từng bắt tại địa chỉ 9/1 Nguyễn Thiện Thuật (nay là số nhà 11), phường 14, quận Bình Thạnh vụ mua bán 1,08kg heroin. Nơi ấy giờ đây đang bị các chủ nợ chiếm dụng, các tủ cổ chứa sách quý và các đồ vật gia dụng cổ đã bị thất thoát”. Đây là lời cảnh báo, kêu cứu sớm nhất về tình trạng mất an ninh, mất cổ vật của ngôi nhà được xếp hạng di tích này.

Ngôi nhà chứa bộ sưu tập đồ cổ và hàng ngàn sách quý cũng đã từng khiến cụ Vương lo ngại là mục tiêu siết nợ của dân cho vay nặng lãi khi cụ còn tại thế. Sự lo ngại này tỏ rõ trong di chúc của cụ Vương Hồng Sển, với 4 nội dung được lập vào ngày 27/6/1995:

“Những điều ao ước hiện tại của tôi và tôi quyết định như sau:

1. Căn nhà cuộc thế mang số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh sau khi tôi mãn phần sẽ trở nên một viện bảo tàng tư gia lấy tên Nhà Vương Hồng Sển... Foundation Vương Hồng Sển, gồm rất nhiều sách hiếm có Pháp văn, Quốc văn, Hán văn thì chỉ được nghiên cứu tại chỗ và không lấy ra khỏi nhà.

2. Về cổ vật, gốm tống, sứ quý ngự dụng, Nội phủ, Khánh Xuân thì không được lấy cho mượn trưng bày nơi khác và vẫn phải giữ gìn kỹ lưỡng và giữ y chỗ cũ mới thấy tôi đã nhiều công chọn lựa và mua chác có gốc gác đàng hoàng.

3. Tôi không màng danh lợi nhưng xin Nhà nước rộng lượng cho tôi được ở tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật cho đến mãn phần.

4. Nếu Nhà nước cùng chấp nhận với tôi đứa con là Vương Hồng Bảo vẫn bất hiếu nhưng các con của Bảo như: Vân hiện đang ở Pháp đã 20 tuổi, Hương, Thành (con trai) và Minh, chúng nó vô tội, nay mẹ thì ly hôn, cha thì bất hiếu, xin Nhà nước cấp cho một số tiền vừa phải nuôi chúng ăn học cho đến nên người”.

Cổ vật, sách quý của học giả Vương Hồng Sển trước nguy cơ “bốc hơi” đã từng được cảnh báo ảnh 2

Tủ sách bụi bặm trong nhà cổ - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Giới sưu tập cổ vật và những người có quan tâm đến gia đình cụ Vương Hồng Sển đều biết, vào lúc cuối đời, thì người con trai của cụ là Vương Hồng Bảo đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, chủ nợ bủa vây tứ bề. Bản thân ông Vương Hồng Bảo còn bị vướng vào một vụ án với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”, với số tiền phải trả cho các chủ nợ lên đến 5.350.915.000 đồng, 1.001,5 chỉ vàng và 46.700 USD tính theo thời giá trong bản án là năm 1998.

Nếu số cổ vật và sách quý của cụ Vương Hồng Sển không được hiến tặng cho Nhà nước mà trở thành tài sản thừa kế của ông Vương Hồng Bảo, khả năng rất cao là tất cả sẽ “bị siết” vào tay các chủ nợ của ông Bảo khi ấy. Ở tuổi xế chiều, cụ Vương Hồng Sển tin tưởng rằng chỉ có một dự án, công trình văn hóa như việc xây dựng một bảo tàng do Nhà nước thực hiện mới “cứu” bộ sưu tập cổ vật và sách quý thoát khỏi tình thế bị ly tán.

Trong bốn nội dung của tờ di chúc lập vào ngày 27/6/1995, với nội dung thứ tư, trước lời đề nghị của cụ Vương Hồng Sển, phía Nhà nước chấp thuận và tiến hành chi trợ cấp nuôi ba người cháu của cụ Vương đến tuổi trưởng thành, là: Vương Hồng Liên Hương, Vương Bảo Thành, Vương Hồng Bảo Minh. Cụ thể là từ tháng 1/1998 đến tháng 10/2013, Nhà nước đã chi tổng số tiền là 531.995.000 đồng cho việc này.

Thế nhưng, theo dõi vụ việc “nhà cổ Vương Hồng Sển”, hẳn nhiều người sẽ “phải ngã ngửa” khi biết một tình tiết thuộc vào dạng “con voi trong phòng khách”, đó là: trong số chín đầu tài liệu bao gồm các đơn, di chúc, di ngôn của cụ Vương Hồng Sển do Sở Văn hóa - Thông tin lưu giữ, đều không có nội dung hiến tặng căn nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật cho Nhà nước. Cụ Vương hiến toàn bộ tài sản cho Nhà nước nhưng lại không nói rõ việc hiến nhà, đất. Cụ Vương chỉ yêu cầu Nhà nước dùng các di sản là cổ vật, sách quý hiếm để làm bảo tàng tại chính ngôi nhà ấy. Những thiếu hụt về căn cứ pháp lý trong nghĩa cử của cụ Vương Hồng Sển đã không được phân tích kỹ để tìm ra sớm hơn để có cách xử lý sớm, rốt ráo và hay hơn cho tất cả các bên.

Nhà nước tích cực thực hiện ý nguyện của cụ Vương Hồng Sển. Dấu mốc khởi động “dự án” Bảo tàng Nhà Vương Hồng Sển bắt đầu từ quyết định 54 do UBND TPHCM ban hành ngày 17/2/2003 để xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật. Từ quyết định này, tiếp đó vào ngày 5/8/2003, UBND TPHCM ra quyết định 140/2003 xếp hạng di tích nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật; và ngày 17/9/2003 UBND TPHCM ra quyết định 3874 về thu hồi căn nhà số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, để bàn giao cho Sở Văn hóa và Thể thao quản lý.

Cổ vật, sách quý của học giả Vương Hồng Sển trước nguy cơ “bốc hơi” đã từng được cảnh báo ảnh 3

Cụ Vương và một số tác phẩm - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, căn nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật vẫn chưa được quản lý để tiến hành trùng tu, bảo dưỡng và tôn tạo ngôi nhà vốn đã xuống cấp trầm trọng. Lý do, trong nhà cụ Vương lúc bấy giờ vẫn còn ba người cháu nội cư ngụ.

Năm 2009, chính quyền TPHCM đã bố trí một căn nhà khác (số 91 Vạn Kiếp, diện tích 145,1m2) để ba người cháu đến ở, nhưng cả ba đều không đồng ý. Không những thế, năm 2005, cháu cụ Vương còn đứng tên khởi kiện UBND TP để đòi quyền lợi thừa kế, đến nay Tòa án nhân dân TPHCM và Tòa án phúc thẩm cấp cao tại TPHCM đã đình chỉ các vụ án dân sự này.

Đến năm 2013, ba người cháu của cụ Vương lại đồng đứng tên gửi “Đơn xin cứu xét khẩn thiết” đến UBND TPHCM, đề nghị di dời ngôi nhà cổ đến một vị trí khác để làm Bảo tàng Nhà Vương Hồng Sển, hoặc định giá lại giá trị nhà đất này để bồi hoàn theo giá trị tương đương để “các cháu tìm mua nhà đất khác ở và sinh sống”.

Mê hồn trận pháp lý lại đẩy “giấc mơ” Bảo tàng Nhà Vương Hồng Sển một lần nữa đi vào ngõ cụt. Và hệ quả là 23 tủ sách quý hiếm của học giả Vương Hồng Sển hiến tặng, được niêm phong giữ tại ngôi nhà này từ năm 1996, bỗng dưng... biến mất. Theo cái đà này, ngôi nhà từng được cụ Vương đặt tên là Vân Đường Phủ, một di sản văn hóa, cũng sẽ... biến mất trong nay mai, không phải là một lời cảnh báo suông.

Trong lá đơn tường trình mà bà Vương Thị Việt Hoa đã gửi cho chính quyền TPHCM ngày 22/8/2024, bà Hoa cho rằng việc 23 tủ sách “bốc hơi” không liên quan đến ba người cháu nội của cụ Vương, mà là hai cá nhân khác. Như vậy, danh tính những kẻ “tình nghi” lấy mất di sản của cụ Vương đã có, vậy ngành văn hóa TPHCM sẽ hành động ra sao để thu hồi 23 tủ sách quý hiếm này? Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc trên.

Ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật từng được dân chơi cổ vật, sách quý hiếm biết đến với tên gọi Vân Đường Phủ. Vào tháng 8/2003, UBND TPHCM đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với ngôi nhà này là “Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống”, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Ngôi nhà cổ của cụ Vương có 5 gian 2 chái, ngang 15m, sâu 20m, tọa lạc trên miếng đất diện tích 750m2. Lúc sinh thời cụ Vương Hồng Sển bỏ công tìm kiếm và mua nguyên căn nhà cổ kính từ vùng ven Sài Gòn về dựng lại trên mảnh đất nội đô (năm 1952). Sau đó cụ Vương bỏ nhiều công sức tạo dựng để căn nhà mang dáng dấp cổ xưa với những vật dụng trang trí đầy dấu ấn thời gian đặt ở những vị trí hài hòa, đắc địa... Nhưng hàng chục năm qua, trong miếng đất 750m2 này lại được cho thuê bán quán ăn, quán nhậu và trú ở. Người ra vào tạp nham, đủ mọi thành phần thì chuyện mất vật quý trong nhà là chuyện... dễ hiểu.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).