Bên ngoài nhà cụ Vương ở 11 Nguyễn Thiện Thuật, Q. Bình Thạnh được che khuất bởi bảng hiệu quán nhậu và người buôn bán trên vỉa hè. Ảnh: Thanh Kiều |
Liên quan đến việc 23 tủ sách quý được niêm phong để lại ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật (Q.Bình Thạnh, TPHCM) mà học giả Vương Hồng Sển đã hiến cho Nhà nước bỗng dưng biến mất, Ngày Nay đã nhiều lần liên hệ với cơ quan chuyên môn là Phòng Quản lý Di sản văn hóa của Sở VHTT TPHCM để tìm hiểu nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan.
Vào ngày 1/10, sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, ông Hoàng Nghị cho biết đang xác minh và sẽ chủ động thông tin. Thế nhưng đến ngày 7/10, phóng viên vẫn chưa nhận được thông tin từ cơ quan quản lý di sản của Sở VHTT TPHCM. Chúng tôi đã chủ động liên lạc với ông Hoàng Nghị thì được hướng dẫn gặp ông Võ Nguyễn Hoàng Vũ, Chánh Văn phòng Sở VHTT TPHCM, người có nhiệm vụ phát ngôn của Sở này.
Nhận thấy có thể đã liên hệ “nhầm địa chỉ”, chúng tôi đã liên lạc ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VHTT TPHCM để tìm hiểu xem nên làm việc với cơ quan chuyên môn nào của Sở để có thông tin chính xác. Ông Trần Thế Thuận cho biết ông Hoàng Nghị - Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa sẽ làm việc với Ngày Nay.
Trong khoảng sân hẹp còn lại bị các công trình xây dựng trái phép lấn hết đất để xe máy và ôtô. Ảnh: Thanh Kiều |
Theo yêu cầu của ông Hoàng Nghị, vào ngày 8/10, phóng viên đã gửi các thắc mắc về việc 23 tủ sách của học giả Vương Hồng Sển bị mất cũng như việc bảo tồn ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật và các di sản khác, để tiến tới làm Bảo tàng Nhà Vương Hồng Sển.
Cụ thể:
- Bà Vương Thị Việt Hoa giao nhà cho 3 đứa cháu cụ Vương sau mấy năm làm giám hộ, giữ nhà. Vậy từ 2004 bà Vương Thị Việt Hoa bàn giao nhà đến nay 20 năm, Sở đã làm gì để quản lý những sách quý, hiện vật còn lại, cả việc bảo tồn ngôi nhà và những khó khăn mà Sở chưa thể thực hiện?
- Giữ gìn ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật và tài sản còn lại chưa di dời qua Bảo tàng, Thư viện có thể là trách nhiệm của các cháu cụ Vương nhưng trách nhiệm quản lý, giám sát phải là đơn vị tiếp nhận. Tuy nhiên, cụ Vương cho hết rồi, sở hữu thuộc Nhà nước rồi có phải của các cháu cụ đâu mà kêu họ phải giữ gìn, bảo quản có đúng không?
- Được biết ngày 22/8/2024, bà Hoa có tường trình gửi UBND TPHCM nêu đích danh 2 người đã lấy 23 tủ sách. Vậy Sở đã xác minh nội dung bà Hoa tường trình chưa và sẽ có những hành động gì để thu hồi 23 tủ sách này, cũng như cách thức sẽ xử lý những người xâm hại di sản?
- Trong số chín đầu tài liệu bao gồm các đơn, di chúc, di ngôn của cụ Vương Hồng Sển do Sở lưu giữ, đều không có nội dung hiến tặng nhà, đất ở Nguyễn Thiện Thuật cho Nhà nước nhưng cụ Vương lại muốn nơi đây trở thành bảo tàng. Đây có phải là lý do các cháu nội của cụ khiếu nại, khiếu kiện về quyền thừa kế? Phòng Di sản văn hóa sẽ tham mưu cho cấp trên ra sao để gỡ chỗ vướng pháp lý này?
- Với những di sản tương tự nhà cụ Vương Hồng Sển trên địa bàn TPHCM, bằng kinh nghiệm chuyên môn của ông, làm thế nào để bảo tồn và phát huy các giá trị mà di sản để lại?
Vào ngày 9/10, ông Hoàng Nghị cho biết đang đi công tác và sẽ trả lời những câu hỏi trên trong tuần này. Thế nhưng mãi đến sáng 17/10, khi phóng viên nhắc lại lời hứa “trong tuần này” thì ông Hoàng Nghị cho biết lại đi công tác (đã nêu ở phần trên).
Kể sách tại nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật. |
Như Ngày Nay thông tin, vụ việc nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật được học giả Vương Hồng Sển muốn Nhà nước làm bảo tàng Nhà Vương Hồng Sển với các sách quý và cổ vật mà ông hiến tặng sẽ trưng bày cho những ai yêu mến văn hóa đến thưởng lãm, nghiên cứu. Ngôi nhà này được xếp hạng “Di tích Kiến trúc Nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống” theo Quyết định của Chủ tịch UBND TPHCM năm 2003.
Hiện di tích này bị xuống cấp nghiêm trọng cũng như không gian ngôi nhà bị xây dựng trái phép lấn chiếm trong hàng chục năm qua. Việc để mất 23 tủ sách quý mà cụ Vương đã hiến cho Nhà nước cũng như các di sản khác để lại ngôi nhà này đã từng được bà Vương Thị Việt Hoa (cháu gọi cụ Vương là bác ruột) lên tiếng cảnh báo khi có đơn xin cứu xét khẩn thiết gửi UBND TPHCM từ ngày 9/1/2009.
Vậy nhưng lời cảnh báo được cho là sớm nhất của bà Hoa như rơi vào thinh không dẫn đến việc mất 23 tủ sách cũng như tình trạng di tích này bị xâm hại. Phải chăng cơ quan quản lý văn hóa của TPHCM đã và đang lúng túng khi để vụ việc kéo dài hàng chục năm đối với di sản này?
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin khi có xác minh của các cơ quan chức năng liên quan với các di sản văn hóa của học giả Vương Hồng Sển đã hiến cho Nhà nước.