Học giả Vương Hồng Sển đã thấy trước “cuộc chiến” tiền tài

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Năm 2003, nhà cụ Vương Hồng Sển (11 Nguyễn Thiện Thuật, Q.Bình Thạnh) được UBND TP . HCM ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố, là “di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống”. Theo di chúc của cụ Vương lập ngày 27-6-1995, ngôi nhà này và những cổ vật, sách vở sẽ được trao cho Nhà nước với mong muốn thành lập bảo tàng lấy tên “Nhà Vương Hồng Sển”.

Thế nhưng ước nguyện của nhà nghiên cứu văn hóa, học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) từ sau ngày cụ qua đời đến nay vẫn chưa được toại nguyện. Hiện, ngôi nhà Vương Hồng Sển đang vướng vào cuộc tranh chấp khi các cháu nội của cụ Vương đang kiện đòi quyền thừa kế.

Học giả Vương Hồng Sển đã thấy trước “cuộc chiến” tiền tài ảnh 1

Bên trong không gian ngôi nhà của cụ Vương Hồng Sển lâu năm bày trí khá bề bộn vì tránh mưa dột... - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Hơn 20 năm di tích vẫn chưa thể trở thành bảo tàng

Theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, sinh thời cụ Vương Hồng Sển đã thấy trước cuộc chiến tiền tài, nhà đất trong chính gia đình ông sau khi ông nằm xuống. Cuộc chiến này sẽ đẩy số phận ngôi nhà cổ và các sách hiếm, cổ vật quý mà ông cả đời sưu tầm, gìn giữ đến bờ vực ly tán. Ngày 2-10-1996, cụ Vương đã làm một văn bản có tựa đề “Lời chót dặn lại cho người sau này lo việc nhà cho tôi”. Trong đó, ông chọn người đại diện ông lo việc nhà cho ông (tang chế, giao tài sản của ông cho Nhà nước) là vợ chồng bà Vương Thị Việt Hoa - cháu gái ông và cũng là người ông tin cậy.

Trong một văn bản khác cũng được lập trong ngày 2-10-1996, cụ Vương còn ghi rõ ba điều: “1/ Lúc tôi còn sống tôi vẫn là chủ. Khi tôi qua đời người đại diện tôi sẽ giao tài sản lại cho Nhà nước theo di chúc đã công bố. 2/ Việc của ủy ban là xác định giá trị cổ ngoạn, sách và nhà đất thành tiền. Tôi là bên cầu tự đề cao (xuất), Nhà nước là bên cung sẽ nhất (quyết) định. 3/ Nhà nước cho biết rõ chế độ, chính sách đãi ngộ đối với gia đình tôi”.

Sinh thời cụ Vương có một người con trai, theo tập tục truyền thống thì người này sẽ là người thừa kế những tài sản mà cha mình để lại. Thế nhưng người con trai của cụ Vương lại dính vào các tệ nạn xã hội dẫn đến nợ nần, điều này là một trong những lý do quan trọng khiến cụ Vương Hồng Sển muốn ngôi nhà và cổ vật, sách vở quý hiếm của ông được Nhà nước giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa cả đời ông sưu tập.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, xác nhận: “Chuyện con cụ nợ nần, ở tù là có thật nhưng tôi nghĩ cơ bản là cụ Vương muốn giữ lại tài sản văn hóa quý giá cho đời sau, thì lúc đó cụ bàn giao cho Nhà nước là phù hợp nhất, giống như cách làm ở nhiều quốc gia khác vậy”.

Mặc dù người con trai của cụ Vương cũng đã qua đời nhưng cuộc chiến tiền tài, nhà đất vẫn tiếp tục ở những người cháu nội của cụ. Theo di chúc của học giả Vương Hồng Sển yêu cầu các cơ quan chức năng được phân công tiếp quản di sản cụ để lại thực hiện các chính sách về nơi ở mới, trợ cấp hằng tháng cho cháu nội của cụ đi học nên người.

Đến nay thì những cháu nội của cụ Vương đã trưởng thành và họ đang khởi kiện đòi quyền thừa kế ngôi nhà nằm trên tổng diện tích 723,9m2 của người ông để lại. Vào năm 2013, ba người cháu nội của cụ Vương Hồng Sển gửi “Đơn xin cứu xét khẩn thiết”, đề nghị UBND TP.HCM di dời ngôi nhà cổ đến một vị trí khác để làm bảo tàng hoặc định giá lại giá trị nhà đất để bồi hoàn cho họ tìm mua nhà đất khác ở và sinh sống.

Việc di dời ngôi nhà cổ của cụ Vương đi nơi khác, theo nhiều nhà nghiên cứu là việc không nên làm vì di tích phải nằm trong vị trí không gian tổng thể xưa nay. Còn việc định giá, bồi hoàn như thế nào mới là tương xứng, đáp ứng được đòi hỏi của các cháu nội của cụ Vương?

Học giả Vương Hồng Sển đã thấy trước “cuộc chiến” tiền tài ảnh 2

Mái ngói xưa của ngôi nhà đã xuống cấp - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh: “Vẫn biết không phải là việc dễ dàng, nhưng cách tốt nhất là chính quyền TP.HCM cấp một căn nhà lầu mặt tiền phố có giá trị thương mại để các cháu nội của cụ Vương, nay đã trưởng thành, có điều kiện hỗ trợ nhau sinh sống như các gia đình bình thường khác, xem đây là cách họ vừa được thừa kế một phần gia sản của ông nội mình (mà về thực chất cụ Vương Hồng Sển không hề đề cập cụ thể), vừa có đóng góp nhất định vào việc thực hiện tâm nguyện của ông nội mình đối với xã hội”.

“Để lo cho các cháu nội, người ông là Vương Hồng Sển chỉ yêu cầu Nhà nước một số tiền vừa phải để mấy đứa cháu nội, lúc đó là vị thành niên, được ăn học nên người và có chỗ ở. Có chỗ ở mà cụ Vương đề cập rất khác với một chỗ ở cao rộng bao nhiêu, trị giá bao nhiêu! Khi yêu cầu định giá tài sản, Vương Hồng Sển cũng lại giao cho Nhà nước quyền quyết định cuối cùng” – nhà báo Nguyễn Thế Thanh, cho hay.

Cổ vật, sách quý hiếm của cụ Vương vẫn chờ ngày quay lại chốn xưa

Sinh thời, học giả Vương Hồng Sển mong muốn ngôi nhà và cổ vật, sách vở của cụ trở thành một bảo tàng mở cửa cho công chúng đến thưởng lãm, nghiên cứu tại chỗ. Thế nhưng hiện tại chỉ còn ngôi nhà cổ của cụ Vương đang bị thời gian bào mòn, dột mái… còn sách vở quý hiếm và cổ vật không còn tại đây.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu từng tham gia tiếp nhận cổ vật của cụ Vương, cho biết: “Năm 1996 tôi làm việc ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nên có tham gia việc kiểm kê, tiếp nhận sưu tập cổ vật cụ Vương Hồng Sển hiến tặng Nhà nước. Lúc đó theo quyết định của UBND TP.HCM, Bảo tàng lịch sử tiếp nhận cổ vật chủ yếu là đồ gốm, hiện bảo tàng vẫn đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày. Còn Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM thì tiếp nhận những tài liệu, sách vở của cụ. Những cổ vật, sách vở này mang về Bảo tàng, Thư viện để bảo quản cho an toàn trong lúc ngôi nhà của cụ chưa trở thành bảo tàng mang tên cụ, đồng thời bước đầu làm hồ sơ khoa học để chuẩn bị cho trưng bày phát huy giá trị các sưu tập cổ vật của cụ Vương”.

Học giả Vương Hồng Sển đã thấy trước “cuộc chiến” tiền tài ảnh 3

Một góc kiến trúc gỗ của căn nhà trên 100 năm - Ảnh: Giản Thanh Sơn

“Tại ngôi nhà của cụ hồi đó còn lại những đồ đạc nội thất, như hoành phi, câu đối, bàn ghế, giường tủ, kệ sách, bàn thờ và đồ thờ cúng… Còn một số vật dụng khác mà lâu rồi tôi không nhớ rõ. Những đồ đạc này cũng là cổ vật có giá trị cao, được để lại nhà vì nó gắn liền với ngôi nhà cụ đã mua về, tạo dựng và trang trí. Mục đích của thành phố sẽ theo nguyện vọng của cụ Vương Hồng Sển là trùng tu, bảo tồn ngôi nhà để trở thành Nhà Vương Hồng Sển (bảo tàng cổ vật). Sao cho ngôi nhà khi trở thành bảo tàng vẫn nguyên vẹn trang trí, sắp xếp như lúc cụ còn tại thế, cổ vật và sách vở sẽ được đưa về nhà, trưng bày lại giống như cách cất giữ trưng bày của cụ, đảm bảo tính nguyên gốc và giá trị to lớn của những di sản này”, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho hay.

Tương lại nếu bảo tàng Nhà Vương Hồng Sển trở thành hiện thực, thì liệu bảo tàng này có thu hút được công chúng viếng thăm? Bằng kinh nghiệm của mình, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, chia sẻ: “Tôi đã được khảo sát, tham quan một số bảo tàng, ví dụ Bảo tàng nhà văn Victor Hugo tại ngôi nhà của ông ở Paris, Bảo tàng Leonardo Da Vinci tại Lâu đài Chambord ở Loir-et-Cher (Pháp) nơi ông ở những năm cuối đời, ngôi nhà của gia đình nhạc sĩ Chopin ở Warsaw (Ba Lan) nay cũng là một bảo tàng về ông…”

“Và còn rất nhiều những bảo tàng như vậy ở các nước… Tất cả những bảo tàng này đều luôn đông du khách trong và ngoài nước, trở thành một trong những địa chỉ văn hóa quan trọng của mỗi thành phố. Theo tôi có được điều đó là vì danh tiếng của danh nhân văn hóa, vì sự quan tâm và bảo quản tốt của gia đình và chính quyền, vì sự trân trọng và tự hào của cộng đồng địa phương đối với một di sản văn hóa của mình. Vì vậy tôi mong muốn “Bảo tàng Vương Hồng Sển” sớm được hình thành từ ngôi nhà của cụ, và hy vọng bảo tàng sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa nổi tiếng như vậy.”, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, hy vọng.

Chiều 26-9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Sở TT-TT TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM. Tại họp báo, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM Võ Nguyễn Hoàng Vũ thông tin về “di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống” của ông Vương Hồng Sển chưa thể tu bổ dù đã xuống cấp.


Theo đó, từ khi xếp hạng, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM chưa nhận được các đề xuất, kiến nghị đề xuất tu bổ, phục hồi, tu sửa công trình di tích của các cá nhân, hộ gia đình đang cư trú trong công trình di tích kể từ khi di tích được xếp hạng đến nay. Đại diện Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM thông tin thêm, từ năm 1996 đến nay, sở phối hợp với các đơn vị liên quan nhiều lần xuống khảo sát tại di tích, làm việc với các đồng thừa kế của cụ Vương Hồng Sển để tham mưu, báo cáo UBND TP.HCM về di tích của ông Vương Hồng Sển.


Theo Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, với giá trị kiến trúc tiêu biểu của nhà cổ truyền thống Nam bộ, sở nhận thấy, việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích của ông Vương Hồng Sển là cần thiết. Do đó, cần giữ lại theo hiện trạng để tu bổ, tôn tạo công trình nhằm trưng bày, lưu giữ các hiện vật, tài liệu, sách quý và phục vụ người dân và du khách tham quan, học tập, nghiên cứu.

TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.