Bên trong ngôi nhà của cụ Vương Hồng Sển hiện nay được bày trí bề bộn vì tránh mưa dột. Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Ông Hoàng Nghị cho biết mới hay tin 23 tủ sách ở nhà ông Vương Hồng Sển bị biến mất vào chiều hôm qua nhưng chưa nắm rõ bản chất sự việc nên cần phải xác minh trước khi cung cấp thông tin chính xác cho báo chí. Trước mắt, ông Hoàng Nghị đã đề nghị Trưởng phòng Văn hóa thông tin Q.Bình Thạnh cung cấp thông tin sự việc. Khi có thông tin đầy đủ, ông Hoàng Nghị sẽ chủ động thông tin cho Ngày Nay.
Ngôi nhà này được xếp hạng “Di tích Kiến trúc Nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống” theo Quyết định của Chủ tịch UBND TPHCM năm 2003.
Sự việc kể trên được phát hiện vào ngày 10-8 khi đoàn cán bộ Nhà nước đến khảo sát hiện trạng ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật dưới sự chứng kiến của bà Vương Thị Việt Hoa (cháu ruột cụ Vương) đại diện gia đình. Tại đây, bà Hoa phát hiện 23 tủ sách là một phần di sản học giả Vương Hồng Sển hiến tặng Nhà nước, được niêm phong và lưu giữ tại địa chỉ trên đã biến mất.
Kệ sách bụi bặm trong nhà cụ Vương - Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Sau ngày cụ Vương Hồng Sển qua đời vào 9-12-1996, ngoài cổ vật và sách quý của cụ Vương được Bảo tàng lịch sử và Thư viện Quốc gia tiếp nhận, thì 23 tủ sách này được niêm phong để lại tại nhà cụ Vương. Bà Hoa cho biết, vì số sách trong 23 tủ này quá cũ, dễ bị hư hại nếu di chuyển nên được niêm phong để lại.
Ngày 2-10-1996, cụ Vương đã làm một văn bản có tựa đề “Lời chót dặn lại cho người sau này lo việc nhà cho tôi”. Trong đó, ông chọn người đại diện lo việc nhà cho ông (tang chế, giao tài sản cho Nhà nước) là vợ chồng bà Vương Thị Việt Hoa - cháu gái ông và cũng là người ông tin cậy.
Từ năm 1996 khi cụ Vương mất, bà Vương Thị Việt Hoa chăm lo hương khói tại ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật cho đến năm 2004 về sống tại nhà chồng. Bà Hoa đã giao lại chìa khóa căn nhà của cụ Vương cho ba người cháu nội của ông mà bà từng là người giám hộ. Về việc 23 tủ sách biến mất, bà Hoa cho rằng không liên quan đến ba người cháu nội của cụ Vương.
Sau khi học giả Vương Hồng Sển qua đời, vào ngày 8-7-1997, một Hội đồng giám định do Giáo sư sử học Hà Văn Tấn chủ trì đã tổ chức kiểm kê hiện vật hiến tặng gồm 849 cổ vật, định giá 1,3 triệu USD tại thời điểm đó. Các cổ vật này được về Bảo tàng lịch sử TPHCM gìn giữ, trưng bày.
Thế nhưng vào năm 2012, dư luận phát hiện cổ vật là chiếc chén được học giả Vương Hồng Sển đặt tên “Tham thì thâm” bị biến mất ở bảo tàng này vào… 4 năm trước đó. Bà Trần Thị Thúy Phượng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử TPHCM khi đó đã xin lỗi vì sự việc này.