23 tủ sách quý hiếm của học giả Vương Hồng Sển bị mất là sách gì?

(Ngày Nay) - Như Ngày Nay đã thông tin, vào ngày 10/8/2024, khi đoàn cán bộ Nhà nước đến khảo sát hiện trạng ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật (Q. Bình Thạnh, TPHCM) dưới sự chứng kiến của đại diện gia đình là bà Vương Thị Việt Hoa (cháu ruột cụ Vương). Tại đây, bà Hoa phát hiện 23 tủ sách là một phần di sản học giả Vương Hồng Sển đã hiến tặng Nhà nước, được niêm phong và lưu giữ tại địa chỉ trên đã… không cánh mà bay.

Toàn cảnh trong sân và ngôi nhà cụ Vương sáng ngày 10/10 - Video: Thanh Kiều

Dư luận quan tâm vụ việc này mong muốn được biết trong 23 tủ sách đó gồm có những bộ sách, cuốn sách quý hiếm gì mà dân sưu tập sách mong muốn có được, thậm chí sẵn sàng bỏ ra món tiền lớn để sở hữu, khiến cho kẻ gian phải ra tay cuỗm mất; cũng như việc thu hồi 23 tủ sách này sẽ tiến hành ra sao?

Thông tin đến giờ này, theo bà Vương Thị Việt Hoa - người cháu gọi cụ Vương là bác ruột, thì trong 23 tủ sách này chứa những cuốn sách quá cũ, dễ bị hư hại nếu di chuyển nên đã niêm phong để lại nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật. Còn trong 23 tủ sách này chứa những cuốn sách quý gì phải chờ các cơ quan liên quan của TPHCM công bố. Cũng theo bà Hoa, việc để mất 23 tủ sách không liên quan đến 3 người cháu nội của cụ Vương mà là 2 người khác, vì 3 người cháu cụ Vương mà bà Hoa từng làm người giám hộ đã không còn lưu trú tại 11 Nguyễn Thiện Thuật từ rất lâu rồi.

23 tủ sách quý hiếm của học giả Vương Hồng Sển bị mất là sách gì? ảnh 1
Bà Võ Ngọc Liên (con dâu của cụ Vương Hồng Sển) bên không gian bộn bề nhà cụ Vương Hồng Sển - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Theo giới sưu tập sách quý hiếm, cụ Vương Hồng Sển bắt đầu sưu tập sách từ năm 1926 cho đến khi cụ mất vào năm 1996. Năm 1926, cụ Vương đã mua tủ sách từ một thông dịch viên người Pháp đã quá cố có tên là J.C. Boscq từng làm ở Tòa Tư pháp của chính quyền thuộc địa. Ông J.C. Boscq là môn đệ của học giả Trương Vĩnh Ký, thông tường Nho học, nói rành tiếng Việt. Ông Boscq đã từng là cộng sự với các ông Diệp Văn Cương và Nguyễn Văn Mai. Ông Nguyễn Văn Mai là tác giả cuốn “Đồng âm tự vị” - cuốn tự điển thuộc loại xưa nhất của nước ta và cuốn “Lịch sử Việt Nam giản lược”. Hiện tên ông Nguyễn Văn Mai được đặt cho một con đường tại Q.3, TPHCM.

Thời bấy giờ, ông Boscq là một nhà sưu tập sách nổi danh tại Nam kỳ. Theo tự thuật của cố học giả Vương Hồng Sển, ông mua tủ sách này từ người vợ của ông Boscq, muốn “thanh lý” tủ sách của người chồng quá cố để bà về “mẫu quốc” Pháp. Tủ sách có 84 cuốn, được bà Boscq bán với giá 160 đồng Đông Dương năm 1926. Cụ Vương từng kể, mua được tủ sách này là “do cơ duyên từ kiếp trước”. Tủ sách này còn có những bộ sách có chữ ký và chữ viết của các học giả cùng thời với ông Boscq, như: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký...

23 tủ sách quý hiếm của học giả Vương Hồng Sển bị mất là sách gì? ảnh 2
Trên bức tường nhà cụ Vương Hồng Sển - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Trong số các sách, báo và tạp chí cụ Vương để lại, bộ tập san “Bulletin des Amis du Vieux Hué” (“Đô Thành Hiếu Cổ”, xuất bản từ năm 1914 đến1944), có lẽ là bộ sách mà cụ Vương yêu quý nhiều nhất. Bộ “Đô Thành Hiếu Cổ” này đã trợ giúp cụ Vương rất nhiều trong việc sưu tầm cổ vật, nhất là dòng đồ sứ men lam Huế. Từ đó mà bộ sưu tập đồ cổ của cụ Vương đã hiến cho Nhà nước, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, có rất nhiều “món độc” từ dòng đồ sứ này. Bộ “Đô Thành Hiếu Cổ” này đã giúp cho cụ Vương viết tập sách “Khảo cứu về dòng sứ men lam Huế”.

Đa số sách quý hiếm của cụ Vương có được là bỏ tiền ra mua nhưng cũng có khi không tốn đồng nào. Trong lần mua sách từ nhà ông Boscq, cụ Vương còn được “trời cho” khi có được bộ sách vô cùng quý hiếm mà không mất tiền. Học giả Vương Hồng Sển từng kể: “Khi ra về, tôi thấy bỏ xó kẹt một gói giấy nhựt trình, tuy chưa biết trong ấy gói những sách gì, tôi cứ hỏi mua. Bà (ông Boscq) đưa nghiêng mắt liếc sơ gói giấy rồi lên giọng đài các: “Ối! Đó là sách chữ Tàu, không biết nói gì ở trỏng! Tôi không định bán, nhưng cũng không biết bao nhiêu mà định. Thầy mua sách tôi đã nhiều, cứ lấy về chơi. Tôi cho thầy đó”.

23 tủ sách quý hiếm của học giả Vương Hồng Sển bị mất là sách gì? ảnh 3

Bên ngoài nhà cụ Vương ở 11 Nguyễn Thiện Thuật, Q. Bình Thạnh được che khuất bởi bảng hiệu quán nhậu và người buôn bán trên vỉa hè. Ảnh: Thanh Kiều

“Cám ơn, từ giã, ôm về, chải bụi, o bế và xem kỹ: Mẹ ôi! Đó là bộ “Hoàng Việt luật lệ đời Gia Long”, mỗi quyển có ấn chữ son “Khâm Sai Đại Thần”. Sau tôi tra cứu và hỏi thăm, gặp ông Cao Văn Sự Đốc phủ, từng biết ông Boscq, ông Sự cho tôi rõ, ông Boscq lãnh của thầy là Trương Vĩnh Ký bộ sách có chữ ấn son “Khâm Sai Đại Thần” này, vốn là sách quý do nhà binh Pháp lấy được nơi đồn Khải Tường của đại tướng Nguyễn Tri Phương, như vậy bà Boscq đã biếu tôi một bộ sách vô giá”, theo tự thuật của học giả Vương Hồng Sển.

Sở Văn hoá Thể thao sẽ phản hồi trong tuần này


Hôm 1/10, Ngày Nay đã liên hệ với ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) TPHCM) để tìm hiểu việc 23 tủ sách quý của học giả Vương Hồng Sển bỗng dưng biến mất. Ông Hoàng Nghị cho biết đang xác minh và sẽ chủ động thông tin cho Ngày Nay.

Đến ngày 7/10, Ngày Nay vẫn chưa nhận được thông tin xác thực từ cơ quan quản lý di sản của Sở VHTT. Chúng tôi đã chủ động liên lạc với ông Hoàng Nghị thì được hướng dẫn gặp ông Võ Nguyễn Hoàng Vũ, Chánh văn phòng Sở VHTT, người có nhiệm vụ phát ngôn của Sở này. Nhận thấy có thể đã liên hệ “nhầm địa chỉ”, chúng tôi đã liên lạc ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VHTT TPHCM, để tìm hiểu xem nên làm việc với cơ quan chuyên môn nào của Sở này để có thông tin chính xác. Ông Trần Thế Thuận cho biết ông Hoàng Nghị - Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, sẽ làm việc với Ngày Nay.


Theo yêu cầu của ông Hoàng Nghị, vào ngày 8/10 Ngày Nay đã gửi các câu hỏi nêu lên những thắc mắc về việc 23 tủ sách của học giả Vương Hồng Sển bị mất cũng như việc bảo tồn ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật và các di sản khác để tiến tới làm Bảo tàng Nhà Vương Hồng Sển. Ông Nghị cho biết đang đi công tác và sẽ trả lời trong tuần này.

Cận cảnh vị trí nơi trước đây từng tồn tại 02 bức tường ngăn cách lối đi riêng giữa hộ gia đình ông Cường và bà Loan.
Người dân “gặp khó” khi thực hiện theo chỉ đạo của chính quyền?
(Ngày Nay) - Trong quá trình thực hiện chỉ đạo của UBND phường Kim Mã, đó là phục hồi nguyên trạng bức tường ngăn cách giữa hai hộ đã bị hàng xóm phá sập trong quá trình xây dựng nhà, gia đình ông Nguyễn Phi Cường đã bị hàng xóm ngăn cản, chửi bới, thậm chí đe doạ tính mạng. Chính quyền địa phương dù đã nắm được sự việc, nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để…
Ảnh minh họa: TTXVN
10 đối tượng được miễn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
(Ngày Nay) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Sử dụng ứng dụng VssID cho khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: TTXVN
Phụ huynh có thể tra cứu thời hạn thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký tài khoản VssID cho con
(Ngày Nay) - Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Trường hợp trẻ đủ 6 tuổi (72 tháng) mà chưa đến kỳ nhập học lớp 1 thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó. Đối với học sinh lớp 12, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm học.