Hai nghiên cứu được công bố liên tiếp gần đây cho thấy, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp người lớn tuổi giảm đáng kể nguy cơ mất thính lực và suy giảm nhận thức.
Nghiên cứu thứ nhất được đăng tải trên Tạp chí Dịch tễ học Mỹ. Nghiên cứu thực hiện bởi các chuyên gia tại Bệnh viện Brigham & Women’s.
Các chuyên gia tiến hành phân tích dữ liệu sức khỏe của 3.135 phụ nữ có độ tuổi trung bình 59 từng tham gia Nghiên cứu Sức khỏe Y tá lần 2 (The Nurses’ Health Study II) giai đoạn 2012-2018. Những người tham gia được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi về thói quen tiêu thụ thực phẩm để phân loại họ thuộc nhóm dùng chế độ ăn nào trong số Chế độ ăn giúp ngăn ngừa cao huyết áp (DASH), Chế độ ăn Địa Trung Hải (AMED) và Chỉ số ăn uống lành mạnh 2010 (AHEI-2010). Đây là những chế độ ăn lành mạnh với nhiều trái cây, rau củ, cá, các loại hạt, đậu nhưng ít thịt, sữa và thực phẩm chế biến.
Sau đó, họ đánh giá độ nhạy thính giác của những người tham gia bằng phương pháp đo thính lực (3 năm/lần) và xem xét mối liên hệ giữa các chế độ ăn uống với ngưỡng nghe trung bình của họ ở các tần số thấp, trung bình và cao qua nhiều âm lượng khác nhau. Kết quả cho thấy so với những phụ nữ có chế độ ăn không lành mạnh, những người tuân thủ các chế độ nói trên có nguy cơ bị “suy giảm độ nhạy thính giác đối với tần số trung bình và cao” lần lượt thấp hơn 30% và 25%.
Các bác sĩ cho rằng chính khả năng cải thiện lưu thông máu của các chế độ ăn lành mạnh đã mang lại tác dụng nêu trên. Lý do là lưu thông máu kém có thể khiến các tế bào trong ốc tai dễ tổn thương bởi chứng thiếu máu cục bộ, làm giảm chức năng hấp thụ âm thanh và dẫn tới nghe kém. Một vài nghiên cứu trước đó cho thấy các chất dinh dưỡng như carotenoid (có nhiều trong bí rợ, cà rốt và cam), folate (trong rau xanh và cây họ đậu), axít béo omega-3 (trong các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá nục, cá ngừ…) làm giảm nguy cơ bị lãng tai. Trái lại, các thực phẩm béo và không lành mạnh làm tắc nghẽn mạch máu và giảm lưu lượng máu tới các cơ quan trong cơ thể, gồm cả tai, từ đó làm tăng nguy cơ viêm tai hoặc mất thính lực.
Nghiên cứu thứ hai được phát triển bởi nhóm chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock Đại học Quốc gia Singapore (NUS) phát hiện, tuân thủ chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức khi về già.
Các chuyên gia đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 16.948 người độ tuổi từ 45-74. Những người này được yêu cầu cung cấp thông tin về chế độ ăn uống, tình trạng hút thuốc, uống rượu, vận động thể chất, thời gian ngủ, chiều cao, cân nặng và tiền sử bệnh. Họ cũng được kiểm tra chức năng nhận thức và phân loại theo nhóm có chế độ ăn giống các chế độ ăn AMED, DASH, AHEI-2010, chế độ ăn toàn thực vật và chế độ ăn toàn thực vật tăng cường sức khỏe.
Công bố kết quả trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ, các chuyên gia ghi nhận trong 3 năm theo dõi đã có 2.443 người (14,4%) bị suy giảm nhận thức. Phân tích cho thấy những người có chế độ ăn giống 5 chế độ ăn kể trên nhiều nhất (75% trở lên) có nguy cơ suy giảm nhận thức thấp hơn từ 18-33% so với nhóm có chế độ ăn giống ít nhất (dưới 25%).