Theo thông tin đăng tải trên báo Dân Trí, sáng 11/7, tại lễ ra mắt Trung tâm phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ (thuộc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ cho biết, thời gian qua Khoa tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do nâng ngực bằng chất làm đầy, bơm mỡ nhân tạo, phổ biến nhất là thủng lỗ dò ở mũi, ngực do quá trình vô trùng không tốt khi tiêm, một số ít trường hợp bị mù mắt do tiêm sai vị trí.
Trường hợp mới nhất là bệnh nhân nữ 32 tuổi được các nhân viên một spa ở Long Biên tư vấn tiêm chất làm đầy (filler) để nâng ngực.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ về trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Vũ Trung Trực, phó trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Bệnh viện Việt - Đức, cho hay nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Long Biên, Hà Nội đã được tiêm chất được cho là filler (chất làm đầy) để nâng ngực tại một spa ở Long Biên. Sau 4 ngày, ngực bệnh nhân sưng to, ngực bên phải có lỗ rò, từ đó chảy ra nhiều dịch mủ.
Ngực bệnh nhân liên tục chảy mủ sau khi tiêm filler. - Ảnh: Vietnamnet. |
"Khi bệnh nhân đến Bệnh viện Việt - Đức, chúng tôi đã chụp chiếu và xác định may mắn phần bơm vào ngực bệnh nhân chỉ khu trú ở lớp mỡ dưới da. Qua xét nghiệm đã tìm thấy vi khuẩn gây mủ do tiêm không đảm bảo quy trình vô trùng. Ngày ngày nhân viên y tế đến hỗ trợ bệnh nhân nặn mủ, kết hợp điều trị kháng sinh. Đến ngày thứ 8 thì ngực bệnh nhân đỡ sưng, đến ngày thứ 12 bệnh nhân được ra viện", bác sĩ Trực cho biết.
Theo bác sĩ Trực, mặc dù đã hết mủ và sưng, nhưng phần bị rò ở ngực bệnh nhân tạo sẹo, khiến ngực bị cứng và méo. Bệnh nhân có trao đổi với spa về loại "filler" được sử dụng, nhưng đến giờ vẫn chưa xác định được cụ thể đó là filler nguồn gốc ở đâu, chất lượng ra sao...
Với những chị em phụ nữ có ngực không quá nhỏ, tiêm filler hoặc bơm mỡ tự thân là giải pháp giúp ngực có vẻ đẹp tự nhiên. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, nguồn gốc filler rõ ràng, bác sĩ tiêm có kỹ thuật, am hiểu về cấu trúc cơ thể. Vì thiếu hiểu biết, rất nhiều chị em lựa chọn tiêm filler nâng mũi, nâng ngực ngay tại các tiệm cắt tóc, gội đầu, làm móng... rất dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay, thị trường filler có tới vài chục loại, từ trôi nổi giá vài trăm ngàn/ml đến giá 2-3 triệu đồng/ml, hoặc loại tốt được cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp, có giá tới 8-9 triệu/ml. Thường sau tiêm 12-18 tháng, filler sẽ tiêu dần và phải tiêm lại, theo Zing.vn.