Vụ việc một người đàn ông 22 tuổi bị đâm chết và ba người khác bị thương gần một ga tàu điện ngầm ở Seoul vào ngày 21/7 chỉ là một trong hàng loạt vụ tấn công không có động cơ đột ngột bùng phát tại Hàn Quốc. Tuần trước, cảnh sát Hàn Quốc đã buộc tội Cho Seon, 33 tuổi, đứng sau các vụ tấn công kiểu khủng bố này.
“Tôi đã cố gắng hết sức để kiếm sống, nhưng không có kết quả gì", Cho Seon - vốn thất nghiệp, khai với cảnh sát. “Tôi không hạnh phúc và tôi cũng muốn làm cho người khác không hạnh phúc".
Tại cơ quan điều tra, Cho liên tục nói về những đổ vỡ trong quan hệ gia đình, sự bất hòa trong xã hội và khó khăn về kinh tế là những lý do khiến hắn lên kế hoạch tấn công người lạ. Cho từng bị đưa đến một cơ sở cải huấn dành cho trẻ vị thành niên 14 lần trong quá khứ và ba lần bị buộc tội bạo hành thể xác.
Chưa đầy hai tuần sau vụ tấn công do Cho Seon gây ra, một thanh niên ở thành phố Seongnam đã lấy trộm xe của cha mình và đâm vào một nhóm người đi bộ gần một ga tàu điện ngầm, khiến một phụ nữ chấn thương sọ não.
Thủ phạm, vốn được cho là mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt, sau đó ra khỏi xe và đi vào một cửa hàng bách hóa, tiếp tục đâm chín người khác, khiến một phụ nữ thiệt mạng.
Cảnh sát cho biết nghi phạm Choi Won-jong đã tra cứu tin tức về vụ tấn công ở ga tàu điện ngầm Seoul trước khi tự mình ra tay.
Choi Won-jong, 22 tuổi, được hộ tống ra khỏi đồn cảnh sát ở Seongnam, Hàn Quốc, vào thứ Năm tuần trước sau khi bị buộc tội giết người và cố ý giết người. Ảnh: Yonhap |
Vài ngày sau vụ tấn công ở Seongam, cảnh sát Hàn Quốc đã đồng loạt truy quét và bắt giữ 145 người tàng trữ vũ khí trong người.
Một báo cáo của cảnh sát Hàn Quốc trình lên Quốc hội đầu tuần này cho biết trung bình có ba vụ tấn công ngẫu nhiên đã được thực hiện mỗi ngày ở Hàn Quốc trong nửa đầu năm nay. Các cuộc tấn công kiểu này đã chính thức được cảnh sát Hàn Quốc phân loại là “tội phạm có động cơ bất thường” vào năm 2022.
Bản chất ngẫu nhiên của các cuộc tấn công ở những nơi công cộng đã làm dấy lên lo lắng trong dư luận Hàn Quốc và phá vỡ nhận thức chung ở đất nước rằng các khu vực đông đúc đều an toàn.
“Bất cứ khi nào rời ga tàu điện ngầm để đổi sang xe buýt, tôi đều nhìn quanh để chắc chắn rằng không có người lạ nào bám theo mình”, bà nội trợ 62 tuổi Park Min-jung nói.
Choi Kyu-min, một nhân viên văn phòng 28 tuổi, cho biết anh đi làm qua trung tâm hội nghị và triển lãm COEX ở quận Gangnam, một trong những khu vực sầm uất nhất Seoul.
“Trước đây, tôi thường cảm thấy an toàn khi đi qua những nơi này, nhưng bây giờ tôi lại sợ trở thành mục tiêu của một vụ tấn công", Choi cho biết.
Cảnh sát được trang bị súng tự động đã được bố trí tuần tra gần ga tàu điện ngầm Gangnam bắt đầu từ ngày 6/8 – một cảnh tượng hiếm thấy ở thủ đô của Hàn Quốc.
Cùng ngày hôm đó, bảy người đã bị thương trong một vụ giẫm đạp ở Gangnam bắt nguồn từ một tin đồn rằng một hành khách trên tàu điện ngầm đang cầm dao chạy điên cuồng.
Với 1,3 vụ giết người trên 100.000 người, tỷ lệ các vụ giết người của Hàn Quốc chỉ bằng một nửa mức trung bình của các nước thuộc nhóm OECD. Đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ kết án cao nhất thế giới đối với các trọng tội, với 9 trên 10 trường hợp nghi phạm bị bỏ tù vì các tội danh như giết người và hãm hiếp.
Tuy nhiên, các diễn đàn trực tuyến Hàn Quốc vẫn lan tràn không ít các bài đăng với nội dung đe dọa tấn công khủng bố các khu vực công cộng.
Cảnh sát Hàn Quốc trong tháng qua đã lần ra 149 người đăng những lời đe dọa giết người trực tuyến. Gần một nửa là thanh thiếu niên, trong đó có một bé gái 14 tuổi ở thành phố Gwangju, cô bé sau đó đã khai với cảnh sát rằng mình làm điều đó “chỉ để cho vui”.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã đề xuất các hình phạt nghiêm minh hơn, chẳng hạn như cưỡng chế giam giữ những tội phạm có nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao và áp dụng các bản án chung thân không ân xá. Nhưng các chuyên gia nói rằng các biện pháp như vậy không giúp giải quyết vấn đề.
Lee Sang-hun, giáo sư tội phạm học tại Đại học Kyungsang ở Busan, cho biết: “Những tên tội phạm lên kế hoạch phạm tội chỉ nghĩ về cách chúng sẽ thực hiện tội ác. Chúng không cân nhắc xem sau đó sẽ bị trừng phạt như thế nào".
Theo giáo sư Lee, chính quyền và xã hội cần hỗ trợ nhiều hơn cho những người mắc bệnh tâm thần nặng ở Hàn Quốc, những người tiếp tục đối mặt với sự kỳ thị của xã hội và thiếu sự hỗ trợ từ nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao của Hàn Quốc, các vấn đề về nhà ở cũng cần được giải quyết bằng các giải pháp dài hạn.
Kwak Dae-kyung, giáo sư tại Đại học Cảnh sát và Tư pháp Hình sự thuộc Đại học Dongguk, cho biết việc củng cố mối quan hệ giữa các cá nhân với xã hội sẽ giúp ngăn ngừa tội phạm.
“Trong trung và dài hạn, cần phải cung cấp một hệ thống phúc lợi toàn diện hơn để mọi người cảm thấy bớt bị cô lập hơn", giáo sư Kwak chỉ ra.
Giáo sư Chon Yong-ho từ Đại học Quốc gia Incheon, cho biết Hàn Quốc cũng cần nhiều hệ thống dựa vào cộng đồng hơn để quản lý những người sống cô độc, ẩn dật và những người mắc bệnh tâm thần.
“Hiện tại, không có hệ thống công nào điều trị chứng trầm cảm hoặc bệnh tâm thần. Gánh nặng hoàn toàn nằm về phía các cá nhân", giáo sư Chon chỉ ra.