Liệu người Neanderthal, cùng các họ hàng khác của loài người, có khả năng nói ngôn ngữ tinh vi hay không luôn là một chủ đề tranh luận lâu dài.
Nghiên cứu mới được công bố cho thấy người Neanderthal có hệ thống giao tiếp bằng giọng nói tương tự như giọng nói của con người.
"Người Neandertals có thể tạo ra tất cả các âm thanh trong dải tần số giống như chúng ta. Dường như không có bất kỳ sự khác biệt nào về khả năng tạo ra âm thanh giọng nói của họ. Vì vậy, họ chắc chắn có thể nói 'xin chào' hoặc 'được' nếu cách nói đó có bất kỳ ý nghĩa nào đối với họ", phó giáo sư Rolf Quam - giám đốc chương trình nghiên cứu tiến hóa tại Đại học Binghamton ở New York, cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc nghiên cứu sự tiến hóa của ngôn ngữ người Neanderthalvốn khó khăn vì các mô mềm hình thành nên não và các vùng thanh âm không được lưu giữ trong hồ sơ hóa thạch. May mắn thay, xương tạo thành hệ thống thính giác đã được bảo tồn.
Với sự trợ giúp của máy quét CT, nhóm đã tạo ra các mô hình 3D để tái tạo lại cách người Neanderthal nghe bằng cách sử dụng thông tin từ cấu trúc tai hóa thạch của một số người Homo sapiens, người Neanderthal và các hóa thạch trước đó từ một nhóm được cho là tổ tiên của người Neanderthal.
Họ đã sử dụng thông tin này để thiết kế ngược lại cách người Neanderthal có thể đã giao tiếp.
Phó giáo sư Rolf Quam cho biết đây là "nghiên cứu toàn diện đầu tiên về khả năng thính giác của người Neandertal" và đã xem xét hơn 30 biến số, bao gồm ống tai, màng nhỉ, xương tai,...
Họ có thể đo cách năng lượng trong âm thanh truyền từ môi trường xung quanh qua ống tai, đến màng nhỉ, qua các xương nhỏ của tai giữa cho đến khi nó đến tai trong.
Thông tin này đã giúp nhóm nghiên cứu tính toán dải tần số mà ít nhất 90% năng lượng âm thanh đạt tới.
Họ phát hiện ra rằng ngôn ngữ của người Neanderthal rất giống với con người và sẽ bao gồm hầu hết các âm thanh phát ra trong ngôn ngữ của con người.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution cho rằng giọng nói của người Neanderthal sẽ liên quan đến việc sử dụng nhiều hơn các phụ âm - một tín hiệu thanh âm tách lời nói và ngôn ngữ của con người khỏi các mẫu giao tiếp ở các loài linh trưởng khác, vốn có thể tạo ra các nguyên âm.
Chris Stringer, trưởng nhóm nghiên cứu về nguồn gốc loài người và là giáo sư tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, cho biết hiện nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Neanderthal có cuộc sống phức tạp và từng phát triển khả năng nói.
Những phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy rằng họ đã đeo đồ trang sức, sản xuất nghệ thuật và có những nghi lễ riêng, cho thấy họ có khả năng tư duy biểu tượng và khả năng nhận thức của con người hiện đại đầu tiên.
Alexander Stoessel, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Friedrich Schiller Jena ở Đức, người nghiên cứu về giao tiếp âm thanh, cho biết ông phần lớn đồng ý với kết luận của nghiên cứu tại Đại học Binghamton.
Nhưng Stoessel lưu ý rằng các mô hình của họ đã đưa ra giả định về "các thông số mô mềm" trong tai, thứ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình truyền âm thanh.
Những người Neanderthal và người Homo sapiens đầu tiên sống ở một số nơi giống nhau và có khả năng chạm trán nhau trong khoảng thời gian hàng nghìn năm trước khi chúng ta trở thành người tinh khôn duy nhất sống sót. Đôi khi hai loài đã giao phối và có con. Do đó có khả năng hai loài có thể giao tiếp.
"Thật khó để giao tiếp với những người từ các nước láng giềng. Tôi nghi ngờ rằng họ nói cùng một ngôn ngữ nhưng tôi nghĩ rằng họ có thể giao tiếp bằng cách này hay cách khác", Stoessel nói. "Họ đã quan hệ tình dục với nhau nên có thể sẽ xảy ra một vài kiểu giao tiếp."