Khoảng cách tuổi thọ giữa những phụ nữ giàu có và nghèo khó nhất ở Anh tăng từ mức chênh lệch 6,1 năm 2001 lên đến 7,9 vào năm 2016, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet Public Health hôm thứ Năm.
Khoảng cách tuổi thọ giữa những người đàn ông trong nhóm này ở Anh đã tăng từ 9 lên 9,7 năm, theo nghiên cứu.
Theo ông Majid Ezzati, giáo sư về sức khỏe môi trường toàn cầu tại trường Imperial College và tác giả của nghiên cứu, nói: “Phát hiện này cho biết ở mọi lứa tuổi và đối với mọi loại bệnh, có một sự bất bình đẳng, điều này thực sự có nghĩa là người nghèo đang phải chịu khổ nhiều hơn".
"Nhìn chung, người nghèo gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe, thậm chí ở một nước có hệ thống y tế đồng bộ trên toàn quốc, mặc dù có thể không tồi tệ như tình hình ở Mỹ. Vì vậy, có một số kết hợp giữa các tác động kinh tế, xã hội và chăm sóc sức khỏe".
Vào thập kỷ trước, một nghiên cứu tương tự cũng do giáo sư Ezzati thực hiện đã cho thấy sự bất bình đẳng về tuổi thọ trung bình ở nước Mỹ trong giai đoạn từ năm 1983 đến năm 1999, do sự chênh lệch giữa những người nghèo. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí PLOS Medicine.
Nhìn chung, tuổi thọ trung bình toàn cầu khi sinh vào năm 2016 là 72 năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng 5,5 năm từ năm 2000 đến 2016, mức tăng nhanh nhất kể từ những năm 1960, WHO cho biết.
Nghiên cứu mới có chứa các dữ liệu y tế từ Văn phòng Thống kê Quốc gia về dân số và tử vong ở Anh. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu, trong đó có 7.65 triệu ca tử vong trong giai đoạn từ 2001 đến 2016, xem xét các trường hợp tử vong trong các cộng đồng giàu nhất và nghèo nhất.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy tuổi thọ trung bình trong năm 2016 luôn thấp hơn ở nhiều cộng đồng nghèo khó. Trong số các phụ nữ, tuổi thọ trung bình dao động từ 78,8 năm ở những vùng thiếu thốn nhất đến 86,7 năm ở các khu vực giàu có nhất và giữa nam giới, dao động từ 74 đến 83,8.
Ngoài ra, mặc dù tuổi thọ tăng lên trong hầu hết các cộng đồng từ năm 2001 đến 2016, mức tăng phần lớn đến từ giới nhà giàu.
"Chúng tôi biết rằng sự bất bình đẳng có tồn tại trong tuổi thọ trung bình và tuổi thọ thực tế và chúng tôi biết rằng điều này đang gia tăng. Nhưng chúng tôi đã không thực sự lưu ý rằng sự bất bình đẳng gia tăng một phần vì tuổi thọ người nghèo đang sụt giảm, thay vì tăng lên", giáo sư Ezzati nói.
"Đối với các cộng đồng nghèo nhất, tuổi thọ thực tế trong sáu hoặc bảy năm qua đã bắt đầu đi xuống", ông Ezzati cho biết.
Cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định các yếu tố dẫn đến sự bất bình đẳng này, nhưng các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng yếu tố lớn nhất đóng góp vào sự bất bình đẳng của tuổi thọ là tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, phần lớn là tử vong sơ sinh; bệnh đường hô hấp; bệnh tim; ung thư phổi và tiêu hóa và chứng mất trí ở người lớn tuổi.