Vào năm 2017, nhiều hàng xóm đã rất bất ngờ khi nhìn thấy ông Zhong, đội mũ cao bồi và đứng trên một tảng đá lớn, nói chuyện say mê hàng giờ trước chiếc điện thoại thông minh của mình về những loại trái cây được trồng ở quê nhà.
Hai năm sau, ông Zhong (40 tuổi) phát hiện nhiều nông dân trên khắp đất nước cũng sử dụng công nghệ phát trực tuyến để quảng bá và bán sản phẩm của họ cho hàng triệu người tiêu dùng.
"Chúng tôi khá lúng túng vào những ngày đầu", ông Zhong nói. "Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều người đã thuần thục với công nghệ này".
Ông Zhong đứng trên đỉnh đồi để live-stream về vườn cam của mình. Ảnh: SCMP |
Zhong là một trong những nông dân đầu tiên ở Hồ Nam bắt đầu bán trái cây của mình thông qua các phiên live-stream, tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước thông qua nền tảng chia sẻ video ngắn Kuaishou và sàn thương mại điện tử Taobao.
Người nông dân tới từ Hồ Nam cho biết ông trở nên hoạt bát hơn khi trò chuyện với những người theo dõi mình trên mạng. Thậm chí ông còn được nhiều người biết tới với thương hiệu "Chú Zhong" và thường gọi những người theo dõi kênh của mình là các "em bé".
"Chào mừng, các em bé mới! Hãy nhấn theo dõi nếu bạn tới đây lần đầu! Theo dõi Chú Zhong và sẽ được thưởng thức nhiều đồ ăn ngon hơn sau này!", đó là câu nói quen thuộc của ông Zhong.
Vào mỗi phiên live-stream lúc 10 giờ sáng, ông Zhong thường cầm theo điện thoại lên ngọn đồi trong vường, ngân nga một giai điệu ngẫu nhiên và hỏi khán giả của mình xem họ đã ăn chưa. Ông và đối tác tên Xiaoqiang của mình lần lượt giải đáp mọi câu hỏi xuất hiện trên điện thoại, hầu hết là về những loại trái cây họ bán vào ngày hôm đó.
Ông Zhong trước đây làm việc tại một trạm xăng và trong một nhà máy. Năm 2011, ông mở một gian hàng thương mại điện tử trên Taobao, bán các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Công việc kinh doanh không hề khả quan cho đến cuối năm 2017, khi ông bắt đầu thực hiện các video phát trực tiếp.
Mặc dù không có ước tính chính thức nào của chính phủ về việc có bao nhiêu nông dân trên cả nước hiện đang sử dụng các mạng xã hội để bán sản phẩm của họ, cả Taobao và Kuaishou đều cam kết muốn giúp nhiều nông dân kinh doanh trên nền tảng ứng dụng của họ.
Taobao cho biết họ đặt mục tiêu phát triển mạng lưới 1.000 người nông dân phát trực tiếp tại 100 quận huyện trong năm nay, giúp mỗi người kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) thu nhập hàng tháng.
Theo ước tính của Kuaishou, nền tảng của nó có hơn 1 triệu người dùng ở vùng nông thôn bán các sản phẩm địa phương thông qua các video ngắn và phát trực tiếp. Những người dùng này đã kiếm được tổng cộng 19 tỷ nhân dân tệ (2,65 tỷ USD) vào năm ngoái.
Các ứng dụng live-stream của Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ vào năm 2016, khi thị trường tăng 180% lên 20,8 tỷ nhân dân tệ so với năm trước. Cả công ty khai thác nền tảng và các ngôi sao live-stream đã thu về tiền tỷ từ các khoản quyên góp của người xem dành cho chủ kênh.
Một yếu tố khác khiến làn sóng nông dân live-stream bùng nổ là do thực trạng mất an toàn thực phẩm ở Trung Quốc, khiến người tiêu dùng mất niềm tin và muốn tận mắt xem những sản phẩm của họ được nuôi trồng tại chỗ.
Ông Zhong cho biết mình đã mở rộng hoạt động kinh doanh trên Taobao bằng cách hợp tác với các vườn cây địa phương trên khắp cả nước. Ông dự định sẽ phát trực tiếp nhiều hơn về các đối tác này và vận chuyển trái cây từ trang trại của họ. Zhong cũng muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch trực tiếp tại Trương Gia Giới.
Là một địa điểm du lịch nổi tiếng với hơn 1,4 triệu cư dân, quê hương Trương Gia Giới của ông Zhong nổi tiếng với những dãy núi hiểm trở khiến các du khách liên tưởng tới khung cảnh trong siêu phẩm Avatar nổi tiếng năm 2009.
Tuy nhiên, thị trường video phát trực tiếp Trung Quốc đã bắt đầu hạ nhiệt do sự kiểm duyệt trực tuyến chặt chẽ hơn. Năm 2018, Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm 6% tổng số người dùng phát trực tiếp xuống 396,8 triệu so với năm 2017, theo báo cáo Internet hàng năm của Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc.
Nhiều người xem có thể đã mất hứng thú khi xem các streamer thực hiện các hành động hát hò, nhảy múa của họ và chuyển sang các streamer độc đáo hơn, cụ thể là những người nông dân. Người xem ở Trung Quốc từ các thành phố lớn có xu hướng bị hấp dẫn bởi cuộc sống thôn quê thông qua các video phát trực tiếp.
Vlogger Lý Tử Thất nổi tiếng với những video ẩm thực thu hút 6 triệu người theo dõi trên Youtube. |
Ngay từ sớm, Kuaishou là chủ đề gây tranh cãi vì có chứa các video với nội dung phản cảm từ người dùng nông thôn. Điều đó đã thay đổi khi nhiều người nông dân biết tận dụng công nghệ để bán nông sản và đánh vào tâm lý người xem.
Người xem ở Trung Quốc "phát sốt" trước các video ghi lại cảnh nấu các món ăn truyền thống của một số cô gái thôn quê, hay cảnh các gia đình sống ở vùng cao nguyên Tây Tạng dùng bữa ăn tối ở rìa vách đá và những người đàn ông ở một thị trấn nhỏ sản xuất các bản nhái siêu anh hùng The Avenger. Nhiều người trong số họ cũng có gian hàng trên Kuaishou để bán các sản phẩm địa phương.
Kênh cá nhân của ông Zhong hiện có hơn 82.000 người theo dõi, nhưng đây không phải là một thành tựu dễ dàng đạt được, đặc biệt đối với một người không quen sử dụng điện thoại thông minh hoặc quen thuộc với văn hóa Internet.
"Thật khó để bắt đầu kêu gọi mọi người là em bé, đặc biệt là khi tôi không còn trẻ nữa", ông Zhong chia sẻ.
Vì vậy, ông và đối tác của mình không ngừng nghiên cứu hành vi của người xem bằng cách xem các streamer khác và xem lại các video của họ. Hai người thường thảo luận làm thế nào để làm tốt hơn trong các phiên tiếp theo cho tới khuya và bắt đầu công việc lúc 10 giờ hàng ngày.
"Sau khi về nhà sau mỗi phiên live-stream, tôi chẳng muốn nói gì cả, vì chẳng còn hơi sức để nói", ông Zhong nói.