Bệnh nhân V.T.H. (55 tuổi, Quảng Yên, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích, nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, tụt huyết áp.
Theo người nhà của bệnh nhân trước đó vài giờ chị H. có đi ăn liên hoan tại nhà người quen. Chị H. sau khi ăn thịt gà và con ruốc biển khoảng 15 phút thì xuất hiện tình trạng đau bụng, ngứa khắp người, ban đỏ toàn thân.
Khoảng 30 phút sau khi ăn, tình trạng của chị H. trở nên nghiêm trọng và ngất đi. Ngay sau đó, người thân đã đưa chị H. đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị phản vệ độ III do thực phẩm. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ.
Trước đó, Bệnh viện Nhi trung ương đã điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Duy H., 14 tuổi (Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy thở. Được biết sau bữa cơm trưa với nhiều loại thức ăn (thịt gà, thịt lợn, măng tươi), khi H. tiếp tục ăn mít thì xuất hiện nổi mẩn ngứa trên da, sưng nóng môi, mắt mờ. Ban mẩn ngứa xuất hiện và lan nhanh toàn thân kèm theo trẻ chóng mặt, buồn nôn và đi ngoài nhiều lần.
Bệnh nhân được sơ cứu tại nhà rồi chuyển đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, H. li bì dần, xuất hiện khó thở, tím tái, tụt huyết áp phải đặt ống nội khí quản bóp bóng hỗ trợ hô hấp và dùng các thuốc vận mạch, đồng thời vừa cấp cứu vừa chuyển đến Bệnh viện Nhi TƯ.
Tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi TƯ) các bác sĩ chẩn đoán bệnh em H. bị sốc phản vệ do thức ăn. Bác sĩ sử dụng các thuốc vận mạch, chống sốc, an thần, thở máy đảm bảo duy trì các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Trước đó, anh Phan T.T 20 tuổi trú tại TP Vinh - Nghệ An, hiện là sinh viện của một trường Quân sự tại Hà Nội, có tiền sử dị ứng với hải sản từ nhỏ. Nhưng trải qua thời gian dài không bị tái phát nên có tâm lý chủ quan. Buổi trưa ngày 14/4/2019, trong khi về nghỉ lễ, anh đi liên hoan cùng bạn và có ăn tôm. Sau khi ăn được 1 lúc thì bị nổi ban đỏ và ngứa toàn thân và tự mua thuốc về điều trị. Tuy nhiên tình trạng bệnh không đỡ mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Đến khoảng 16 giờ chiều khi về đến nhà thì bị choáng, chóng mặt, buồn nôn và nôn.
Anh T vào khoa Cấp cứu BV Quốc tế Vinh trong tình trạng: Tỉnh nhưng mệt nhiều, buồn nôn, đỏ da toàn thân, khó thở, SpO2: 94%, phổi chưa có râles ẩm; Mạch quay nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp không đo được. Đặc biệt bàn tay và bàn chân của anh T. bị tím như tắc động mạch và lạnh ngắt.
Nhận định đây là 1 trường hợp phản vệ mức độ nguy kịch với hải sản nên BSCKI. Nguyễn Anh Khôi và tua trực khoa Cấp cứu, đã khẩn trương tiến hành các biện pháp chống sốc theo phác đồ của Bệnh viện Quốc tế Vinh. Ngay lập tức người bệnh đã được tiêm bắp 1 ống Adrenalin, nằm đầu thấp, thở oxy, theo dõi bằng Monitor và truyền dịch.
Sau 5 phút huyết áp không cải thiện nên đã được truyền Adrenalin liên tục đường tĩnh mạch với liều tương đối cao. Đồng thời, cũng được truyền rất nhanh trên 2 lít dịch muối đẳng trương. 30 phút thì huyết áp của người bệnh mới tăng dần lên, rồi sau đó vể mức bình thường. Nhưng phải đến 2 tiếng, sau khi truyền được 3 lít dịch thì người bệnh mới có nước tiểu, các vết ban đỏ trên da cũng thưa dần.
Sốc phản vệ là 1 tình trạng dị ứng nặng xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên từ vài phút đến vài giờ. Bệnh thường có xu hướng diễn biến nặng lên rất nhanh và gây tử vong nếu không được xử trí đúng và kịp thời. Trước đây tỉ lệ tử vong do sốc phản vệ ở Việt Nam rất cao.