Lười uống nước và béo phì
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, “có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh suy thận. Bên cạnh nguyên nhân gây bệnh từ yếu tố gia đình (di truyền), các bệnh lý kèm theo của người bệnh gây suy thận thì chế độ ăn uống, sinh hoạt của của giới trẻ hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên bệnh suy thận”.
Cũng theo BS Ngọc Thu, giới trẻ hiện nay có rất nhiều thói quen không tốt, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới thận điển hình là thói nhịn khát. Vì tính chất công việc khiến nhiều người “ngại” đi vệ sinh vậy nên họ lựa chọn cách uống rất ít nước để hạn chế việc đi vệ sinh. Việc uống ít nước, không cung cấp đủ nước cho cơ thể và cho thận sẽ khiến cho cơ thể sẽ bị thiếu nước gây tổn thương thận, suy thận.
Bên cạnh đó, béo phì cũng đang trở thành một trong những nguyên nhân gây suy thận thường gặp nhất hiện nay. Hiện tỷ lệ người bị béo phì tại Việt Nam đang gia tăng rất nhanh, đặc biệt là lứa tuổi từ 5-19 tuổi. Nếu như năm 2010 Việt Nam có 8,5% người thừa cân béo phì thì đến năm 2020 tỷ lệ này đã tăng lên 19%. Tỷ lệ béo phì tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Việc thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm nhiều chất béo, chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn sẽ khiến chúng ta dễ tăng cân.
Ngoài ra, có rất nhiều người thừa cân đang có chế độ ăn sai, ăn kiêng với chế độ Low-carb (carbohydrate) và ăn tăng đạm để giảm cân. Tuy nhiên, phương pháp giảm cân này được đánh giá gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới thận.
7 thói quen tốt cho thận
Các bác sĩ đưa lời khuyên, để thận được khỏe mạnh mọi người nên có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, lành mạnh. Thận là cơ quan nội tạng cực kỳ quan trọng đối sự sống của con người. Một khi chức năng của thận bị suy giảm, không đảm nhiệm được các chức năng này sẽ gây ra các vấn đề rối loạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cần phải lọc máu nhân tạo hoặc buộc phải ghép thận. Một số bệnh lý thường gặp là sỏi thận, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang… Nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường tiết niệu. Nặng nhất sẽ dẫn đến suy thận cấp và mạn tính.
Để thận luôn “chạy” tốt, có thể sinh hoạt và làm việc bình thường, người trẻ cần xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh từ sớm, cũng như cách chăm sóc sức khỏe đúng đắn và tầm soát bệnh thường xuyên.
Một là uống đủ nước, với những người bị thận yếu thì lại không nên uống quá nhiều hay quá ít nước, vì uống nhiều nước sẽ tạo áp lực lên cho thận.
Hai là, thường xuyên vận động vừa sức: Tập thể dục không chỉ cần thiết với những người bình thường, mà đối với những người bị bệnh thận cũng cần duy trì vận động.
Ba là, duy trì cân nặng phù hợp: cần theo dõi và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức phù hợp. BMI là chỉ số thể dùng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số khối cơ thể bình thường dao động trong khoảng 18,6-24,9.
Bốn là, kiểm soát đường huyết:những người bị bệnh tiểu đường, hoặc có nguy cơ có lượng đường huyết cao là những đối tượng dễ làm tổn thương thận.
Năm là, thường xuyên theo dõi huyết áp.
Sáu là, hạn chế sử dụng rượu bia, và ngưng hút thuốc lá
Cuối cùng, chú ý trong việc sử dụng thuốc không kê đơn. nếu thường xuyên dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), thuốc chống viêm không steroid bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể gây hại cho thận nếu dùng chúng thường xuyên vì đau mạn tính, đau đầu hoặc viêm khớp, cần chú ý và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này.