“Tình huống xấu nhất là Đan Mạch sẽ bùng phát một làn sóng dịch bệnh mới. Có khả năng các biến thể mới sẽ vô hiệu hóa những loại vaccine hiện đang được phát triển và đưa mọi thứ quay trở lại vạch xuất phát", giáo sư Kåre Mølbak - giám đốc các bệnh truyền nhiễm tại Viện Huyết thanh Nhà nước Đan Mạch cảnh báo.
Đan Mạch là quốc gia chăn nuôi chồn lớn nhất thế giới, hiện chính phủ nước này đang lên kế hoạch tiêu hủy hơn 15 triệu con chồn do lo ngại rằng đột biến COVID-19 sẽ lây chéo sang người.
Theo Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, đã có 12 người mắc virus corona đột biến và chồn hiện được coi là nguy cơ với sức khỏe cộng đồng.
Giáo sư Allan Randrup Thomsen, một nhà virus học tại Đại học Copenhagen, cho biết dù Đan Mạch không có nguy cơ trở thành một Vũ Hán thứ hai, nhưng không loại trừ khả năng tình hình đang ngày càng xấu dần. “Biến thể này có thể phát triển thêm, để nó trở nên kháng thuốc hoàn toàn, từ đó vô hiệu hóa vaccine", ông Thomsen nói.
Wim van der Poel, một nhà virus học Hà Lan, cho biết cần phải nghiên cứu thêm về biến chủng của virus corona, nhưng cảnh báo rằng các loài họ chồn, mèo hay lửng thường có nguy cơ là vật chủ cho các virus gây bệnh cho người.
“Có vẻ như biến thể của virus Sars-Cov-2 được tìm thấy trong cơ thể loài chồn, nhưng chúng ta cần phải nghiên cứu thêm”, ông Van der Poel nói. "Việc nuôi những đàn chồn có thể gây rủi ro cho con người. Chính phủ Hà Lan đang dần loại bỏ hoạt động kinh doanh này".
Trong khi đó, Jussi Peura - giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội những người chăn nuôi lông thú Phần Lan, lại tỏ ra lạc quan hơn. Peura cho biết ông hiểu nỗi lo lắng của chính phủ Đan Mạch, nhưng cảm thấy quyết định tiến hành tiêu hủy cả đàn chồn có thể là quá cực đoan.
“Hiện tại, các trang trại nuôi chồn ở Phần Lan chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào. Chúng tôi có tổng cộng khoảng 700 trang trại lông thú và trong số đó có khoảng 150 trang trại là chồn, tất cả đều không có ca mắc COVID-19 cho đến nay", ông Peura nói.