Ngày 16/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo cần thận trọng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, do các dữ liệu được AI sử dụng để đưa ra kết quả có thể bị sai lệch hoặc thiên lệch.
WHO cho biết tổ chức này đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng của AI trong phát triển chăm sóc sức khỏe, song cũng lo ngại về cách thức AI được sử dụng để tiếp cận thông tin y tế, khi đây được xem là một công cụ hỗ trợ để ra kết quả và cải thiện chẩn đoán.
Trong một thông báo, WHO cho biết dữ liệu được sử dụng trong AI có thể bị thiên lệch, tạo ra thông tin sai lệch hoặc không chính xác và các mô hình này thậm chí có thể bị lợi dụng để tạo ra thông tin sai lệch.
Tổ chức này nhấn mạnh việc bắt buộc đánh giá rủi ro liên quan sử dụng những Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tương tự ChatGPT, để bảo vệ và thúc đẩy phúc lợi con người, cũng như sức khỏe cộng đồng.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các ứng dụng AI đang nhanh chóng trở nên phổ biến, khi đây được xem như một công cụ giúp nâng cao chất lượng kinh doanh và thay đổi cách thức xã hội vận hành.
Trước đó, ngày 10/5, giới nghiên cứu cũng đã hối thúc các chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo toàn cầu về những rủi ro mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra cho sức khỏe con người.
Công nghệ AI đã trở nên phổ biến hơn vào năm ngoái, sau màn ra mắt “bùng nổ” của ChatGPT - một chatbot có khả năng sáng tạo các văn bản mạch lạc từ những từ khóa hay gợi ý ngắn.