Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: 'Bỏ nghê Việt, đẽo sư tử đá là một diễn trình tự tha hóa'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cho đến tận hôm nay, vẫn rất nhiều người trẻ không có ý niệm về con nghê, và sư tử đá Trung Hoa hay sư tử đá phương Tây vẫn tràn ngập phố phường. Với tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, bỏ nghê Việt, đẽo sư tử đá là “một diễn trình tự tha hóa”.
Nghê đá chầu trước Đại Hồng Môn ở lăng Minh Mạng, Huế.
Nghê đá chầu trước Đại Hồng Môn ở lăng Minh Mạng, Huế.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã dành gần hai thập kỷ ghi chép, ký họa và thực hiện các công trình nghiên cứu về nghê trong văn hóa Việt Nam. Nhưng cùng với hành trình dài đó, là những nỗi trăn trở, về một linh vật của Việt Nam mà tiến sĩ Yên Thế cho rằng chưa bao giờ có đời sống xứng đáng.

Tạp chí Ngày Nay có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế về bức tranh của nghê Việt đương thời, và những triển vọng trong tương lai.

PV: Ở Việt Nam, cứ nhắc đến nghiên cứu nghê, ví dụ trong báo giới chúng tôi, là người ta lại nhắc đến tên tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế. Nói xuôi thì bảo rằng đây là niềm tự hào, nhưng ngẫm ngược thì có vẻ nó giống một sự cô đơn hơn? Anh có chung cảm giác không?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Đúng là giai đoạn mới bắt đầu hành trình với nghê, tôi có cảm giác cô đơn pha lẫn thất vọng khi luôn bị ấn tượng rằng chỉ một mình yêu nghê. Đó là giai đoạn đầu thế kỷ XXI, khi mà khắp nơi người ta bày sư tử đá, sử dụng các linh vật ngoại lai còn con nghê lại trở thành thứ xa lạ, hỏi ai cũng không biết. Nhưng giờ thì đã khác nhiều rồi.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: 'Bỏ nghê Việt, đẽo sư tử đá là một diễn trình tự tha hóa' ảnh 1

Hàng cột tứ trụ của Văn Miếu Thăng Long năm 1896, tượng nghê được đặt trên hai cột giữa. Ảnh: Firmin-André Salles.

PV: Nếu cho anh đúng một phút để giới thiệu nghê cho những người Việt Nam chưa một lần biết đến nó (mà vốn số lượng này, đặc biệt ở người trẻ là không ít), anh sẽ nói gì để thu hút sự quan tâm của họ?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Trong cuốn sách Quốc văn giáo khoa thư (sách tập đọc và tập viết) in năm 1931 của Trần Trọng Kim, trong bài thứ 12, để dạy cho trẻ biết phụ âm ngh, sách đã có hình minh họa và chữ: Con nghê. Con nghê phải là con vật linh rất đỗi thân quen với người Việt Nam, ai ai cũng biết, bởi thế mới được đưa vào sách vỡ lòng. Không chỉ xuất hiện trong ca dao tục ngữ, trong các không gian tâm linh hay thế tục, cung đình hay thường dân, nghê còn được đặt tên cho một địa danh Hòn Nghê ở bán đảo Sơn Trà. Nghê vẫn ở đây, ở quanh ta, chỉ có điều ta có dám gọi tên nghê, có còn yêu mến nghê như cha ông ta đã từng yêu mến.

PV: Anh là nhà nghiên cứu mỹ thuật, không phải là nhà sử học, nên có thể câu hỏi này sẽ nặng tính giả định. Nhưng anh có giả thiết nào về lý do khiến hình tượng nghê mờ nhạt trong đời sống của người Việt như hiện nay không?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Con nghê gắn nhiều với không gian tâm linh, tôn giáo, và đương nhiên, nó cũng chịu chung số phận trước các biến cố lịch sử. Sau năm 2000, khi Việt Nam hội nhập sâu và ngụp lặn trong làn sóng toàn cầu hóa, thì chính là lúc sư tử phương Tây và Trung Hoa đã nhấn chìm nghê Việt. Tôi cảm thấy phần nào mức độ phụ thuộc của các học giả Trung Hoa. Sách vở Trung Hoa chỉ nói tới sư tử và kỳ lân, hầu như không nói tới nghê. Thế là nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cũng ngó lơ con nghê. Mặc dù văn bia thời Lý, thời Trần không ít lần nhắc tới nghê.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: 'Bỏ nghê Việt, đẽo sư tử đá là một diễn trình tự tha hóa' ảnh 2

Nghê trên đỉnh cột trụ ở Văn Miếu Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam.

PV: Có một điều rất kỳ lạ, là có những kiến trúc sư quốc tế mới đến Việt Nam, như Bill Bensley chẳng hạn, đến và khảo sát kiến trúc truyền thống nước ta vài tháng thì họ đưa nghê vào công trình của họ luôn (InterContinental Đà Nẵng). Có vẻ nó không hề khó nhận diện trong các công trình văn hóa của Việt Nam?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Người nước ngoài, không riêng gì Bill Bensley đã rất tinh tường để ý tới nghê. Chẳng hạn như linh mục Léopold Michel Cadière (1869-1955), khi viết về các con vật linh ở Huế đã viết riêng cho nghê như một linh vật tiêu biểu trong văn hóa Huế. Bill Bensley chú ý tới nghê cũng là điều dễ hiểu vì có rất nhiều bích chương, giấy chứng nhận tham gia Đấu xảo thời thuộc Pháp có hình con nghê. Hay như cuốn sách Southeast Asian Art and Culture : Ideas, Forms, and Societies (Nghệ thuật và văn hóa Đông Nam Á: Ý tưởng, hình thức và xã hội- 2005) đưa ngay hình ảnh con nghê ở Huế lên trang bìa. Bill Bensley chỉ cần đọc một chút sách vở (tiếng Anh, tiếng Pháp) và đến thăm một vài ngôi chùa, ngôi đền là tự khắc chú ý tới nghê.

PV: Sức sống của nghê ở các làng quê, ở các không gian cộng đồng giờ ra sao hay cũng đang dần biến mất, thưa anh?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Nghê không hề bị biến mất ở trong các di tích văn hóa, nhưng thực sự bị xóa sổ ở các làng nghề đá. Trong nhiều năm, các làng nghê từ Ninh Vân tới Ngũ Hành Sơn đã đục hàng ngàn tượng sư tử đá theo kiểu Minh Thanh. Đó là cuộc “xâm lăng văn hóa” chưa từng có trong lịch sử người Việt.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: 'Bỏ nghê Việt, đẽo sư tử đá là một diễn trình tự tha hóa' ảnh 3

Trên điểm chân bia số 24 (năm 1602) đồ án nghê chầu ngọc báu được miêu tả sinh động, dáng vẻ cung kính hoan hỉ hiện rõ trong tư thế và biểu cảm của khuôn mặt nghê. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam.

PV: Tại sao với anh, việc giữ gìn và phát huy hình ảnh Nghê trong văn hóa đương đại lại quan trọng? Phải chăng là có những thứ mà không gian của chúng chỉ có thể là bảo tàng, di tích? Nghê liệu cuối cùng cũng chỉ nên, hoặc buộc phải có đời sống như thế - trong tư cách các mẫu vật nó vốn đã nằm ở các di tích và được bảo vệ rồi?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Khác với rồng, phượng, nghê có có tính thế tục cao. Nó vẫn có tính linh, nhưng lại cũng vẫn mang hơi thở của cuộc sống. Nghê cười, nghê đánh đàn, nghê nằm chơi. Hình tượng hoan hỷ, biểu cảm vô cùng đa dạng, rất tình và cũng rất đời của nghê chính là thứ khiến cho nó khác biệt.

Không dễ để tìm những hình tượng như thế trong khu vực. Tôi từng chứng kiến những cuộc thảo luận căng thẳng ở một nước Đông Á rằng có nên chọn rồng để làm biểu tượng của một đại hội thể thao hay không; vì ở nước đó để tạo hình rồng mà thân thiện, gần gũi thì rất khó. Nghê bản thân nó đã có tính đời. Đây chính là tiềm năng của nghê.

Ngay ở thời điểm hiện tại, dù qua nhiều thập kỷ phai nhạt và mới được thảo luận lại gần đây, nghê đã truyền cảm hứng sáng tạo tới các nhà thiết kế, họa sĩ, kiến trúc sư.

“Hội quán di sản” của nhóm Trần Thanh Tùng đã đồng hành cùng dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đưa nghê lần đầu ra thế giới qua một sản phẩm lưu niệm có hình con nghê từ nguyên mẫu đôi nghê đá trong nhà thờ Nguyễn Huy Tựu do danh nho Nguyễn Huy Oánh lập nên.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: 'Bỏ nghê Việt, đẽo sư tử đá là một diễn trình tự tha hóa' ảnh 4

Phác họa cận cảnh đầu nghê (phía trước) và đuôi nghê (phía sau) làm cối cửa ở Văn Miếu. Nhìn kỹ có thể thấy hai hạt cà nghê. Ảnh: Trần Hậu Yên Thế.

Rồi Công ty Cổ phần Tư vấn và Thiết kế Module 3 đã thiết kế và xây dựng chuỗi sản phẩm nghỉ dưỡng mang thương hiệu nghê, bắt đầu từ Nghê House Hội An. Nghê House là một điểm dừng chân, một bảo tàng nhỏ giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về nghê Việt khi đến với Hội An, Quảng Nam. Tiếp theo Nghê House, Nghê Prana Villa and Spa Hội An cũng đã hoàn thành.

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ IV (2014 - 2019) ghi nhận nhiều hạng mục giải thưởng lấy nghê làm cảm hứng: Thiết kế sáng tạo, sản phẩm trang trí, sản phẩm ứng dụng. Nhà thiết kế Lê Quý Hải đã đoạt giải Ba với sự có mặt của logo Nghê Villa. Nhà thiết kế Lý Thị Viễn Thông được giải Khuyến khích, hạng mục Thiết kế sáng tạo khi đưa hình ảnh nghê vào trang phục.

Nguyễn Viết Lợi, nghệ nhân trẻ ở làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng có sản phẩm bộ giỏ tích nắp gắn nghê. Nó gây chú ý bởi hình dáng ấm giỏ tích với quả sơn son thường thấy trên các ban thờ và còn bởi bởi hình ảnh nghê nhỏ nhắn hoan hỉ, đúng như câu “Cười như nghê”. Bên cạnh đó là sự góp mặt của nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Trần Nam Tước với nhóm sản phẩm mang hình ảnh nghê trên bờ nóc. Ở cột tứ trụ đình làng Bát Tràng có đôi nghê do ông cung tiến. Nghê trong công trình của Bill Bensley chính là do nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước sản xuất.

PV: Dường như thương mại và du lịch đóng một vai trò rất lớn trong việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa. Một số di sản trở nên nổi tiếng và đi vào cuộc sống hiện đại là nhờ cả nỗ lực của các nhà sản xuất, nhà buôn. Điều gì khiến nghê không tham gia được vào dòng chảy này? Và anh có bao giờ nghĩ rằng giới kinh doanh chịu trách nhiệm cho tình trạng “thất truyền” này không?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Đúng là thương mại có khả năng rất lớn trong việc truyền bá các giá trị văn hóa. Tiếc rằng các nhà buôn nước ta đã sử dụng lợi thế ấy cho những sản phẩm nhập ngoại. Tì hưu là một câu chuyện thương mại vô cùng thành công, bằng việc kể câu chuyện thu hút tài lộc, dù mới xuất hiện chỉ hơn hai thập kỷ nay nhưng giờ trở thành một sản phẩm được thừa nhận khắp hang cùng ngõ hẻm. Tiếc rằng đó là một linh vật của Trung Hoa.

Nghê đáng ra có thể có triển vọng thương mại rất lớn, khi trở thành đồ lưu niệm, quà tặng, đi vào các thiết kế sản phẩm. Nhật Bản là một quốc gia vô cùng thành công trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống nói chung. Rất nhiều con vật truyền thống của họ trở thành sản phẩm thương mại, thậm chí đi ra quốc tế. Hàn Quốc gần đây có con Haechi, hay chính là con Giải Trãi (chính là chữ trãi trong tên danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi) – một linh thú rất lâu đời của vùng Đông Á – được biến thành một linh vật đáng yêu và sinh động để quảng bá du lịch Seoul. Nó trở thành búp bê, tượng, thú nhồi bông, gối ôm, xuất hiện trên các ấn phẩm du lịch, đi vào phim hoạt hình. Họ còn sử dụng hình tượng Haechi để làm cả một bộ phim truyền hình cổ trang ăn khách.

Nhưng những điều đó đều đòi hỏi một nỗ lực đào sâu vào văn hóa và sáng tạo. Còn việc thương mại hóa thành công tì hưu, sư tử, thiềm thừ, là một kiểu “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào” – các nhà buôn Trung Hoa đã làm sẵn truyền thông, sản xuất sẵn sản phẩm rồi thì ta nhập về bán.

PV: Hãy quay trở về với những người yêu văn hóa nhưng chưa có cơ hội được biết đến nghê. Nếu phải vẽ một “Tour de Nghê” cho một bạn trẻ yêu du lịch và văn hóa truyền thống – hay tưởng tượng xa hơn, cho một công ty lữ hành đang muốn đồng hành cùng anh trong sứ mệnh của mình - anh sẽ chỉ họ đến những địa điểm tiêu biểu nào, và ở đó, anh sẽ ngắn gọn mô tả vẻ đẹp và sự quý giá của những con nghê tiêu biểu này ra sao?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Tôi nghĩ không cần thiết kế một tour xa xôi, mà hãy bắt đầu ngay giữa lòng thành phố Hà Nội, ở một địa điểm du lịch ăn khách: Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hàng trăm nghìn lượt người đến thăm Văn Miếu hàng năm, nhưng có lẽ ít ai để ý đến hình ảnh nghê ở nơi này. Từ ngoài cổng Văn Miếu vào đến bên trong, có rất nhiều mẫu nghê.

Phần nhiều các kiểu cổng có cột tứ trụ, vị trí phượng múa ở giữa, cao hơn; nghê chầu hai bên, thấp hơn. Nhưng cột tứ trụ ở Văn Miếu Thăng Long, nghê chầu ở giữa, cao hơn; phượng múa ở hai bên thấp hơn. Nghê mắt tròn to, nhìn chúc xuống như dò xét lòng ngay gian của kẻ sỹ. Miệng nghê ngậm ngọc báu, tượng trưng cho nguồn sáng trí tuệ và sự minh bạch.

Cổng Đại Thành là cổng để bước vào sân Đại Bái và điện Đại Thành. Cổng sơn son thếp vàng vẽ đồ án long nghê khánh hội. Ở phương Đông, rồng đi liền với mây, ở Việt Nam, rồng cũng thường xuất hiện cùng nghê. Khiêm nhường, nhỏ bé, nép ở hai bên là đôi nghê đá cối cửa trong dáng vẻ hoan hỷ nghênh đón người qua lại. Nghê cũng góp vui trên một vài tấm bia đề danh Tiến sĩ.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: 'Bỏ nghê Việt, đẽo sư tử đá là một diễn trình tự tha hóa' ảnh 5

Tượng Khổng Tử, thế kỷ XVIII, hiện được đặt tại Văn Miếu, trên trang phục tượng có hình tựng nghê ngậm khánh ngọc. Ảnh: Trần Trung Hiếu.

Bức tượng Khổng Tử, nằm ở trung tâm của Văn Miếu, cũng có nghê trên trang phục. Trang phục của Khổng Tử không theo điển chế về lễ phục quan chức Trung Hoa mà cũng không theo lễ phục quan chức Việt Nam. Trong hình dung của người Việt đương thời, Khổng Tử không còn là vị quan của một nước Lỗ nào đó thời Xuân Thu (Trung Quốc) mà là bậc Chí Thánh. Vậy nên áo mặc của Khổng Tử có bổ tử hình rồng. Việc coi Khổng Tử như một ông vua không ngai từ lâu đã được mặc nhiên thừa nhận ở Trung Hoa. Điều lạ lùng là trên y phục của Khổng Tử lại xuất hiện hình những con nghê ngậm khánh, dáng điệu vô cùng náo hoạt.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.