Nhà thơ Đỗ Nam Cao đời sống động bỗng thấy đời phát sợ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng mai (12/10), tọa đàm “Nhà thơ Đỗ Nam Cao ký ức còn mãi” do Hội Nhà văn TP.HCM và tạp chí Văn Hiến phối hợp tổ chức tại TP.HCM, nhằm kỷ niệm 12 năm nhà thơ Đỗ Nam Cao đi xa.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng gắn bó thâm sâu với Sài Gòn. Mảnh đất phương Nam cho ông nguồn cơn sáng tạo và cũng cho ông hệ lụy ưu phiền. Thi ca đã dắt dìu ông qua thăng trầm và thi ca kết nối ông với bạn bè. Không có thi ca và bạn bè, chắc chắn Đỗ Nam Cao không còn là Đỗ Nam Cao nữa. Vì vậy, di sản thi ca của Đỗ Nam Cao xứng đáng được bạn bè lưu giữ và trân trọng.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao đời sống động bỗng thấy đời phát sợ ảnh 1

Nhà thơ Đỗ Nam Cao (1948-2011)

Về nội dung, thơ Đỗ Nam Cao có ba mảng đề tài chủ đạo, cội nguồn cố hương, ký ức người lính và hiện thực day dứt. Về bút pháp, thơ Đỗ Nam Cao có hai giai đoạn, một giai đoạn bày tỏ cảm xúc bằng vần điệu trữ tình, một giai đoạn tương tác đời sống bằng thi ảnh ấn tượng. Cho nên, thế giới thơ Đỗ Nam Cao có cá tính mạnh mẽ và giọng điệu đa dạng.

Mang thân phận kẻ tha phương, cội nguồn cố hương trong thơ Đỗ Nam Cao “Nghe cuồn cuộn chảy mạch làng/ Trong ràng rịt rễ những hàng tre xanh”. Chốn cũ cho ông sự an ủi lúc chia xa “Mẹ tôi trăng trối mấy lời/ Nhìn tôi khôn lớn nhẹ cười rồi đi/ Thế là hết chẳng còn gì/ Nâng tôi đôi cánh trần xì là tôi/ Bao nhiêu cay cực ở đời/ Bao lần vấp ngã bao lời xỏ xiên/ Người nghiêng cái bóng cũng nghiêng/ Đỡ tôi đứng thẳng lại riêng có người/ Tôi đi cuối đất cùng trời/ Luôn luôn có một nét cười sau lưng” và chốn cũ cho ông sự thảng thốt ngày trở lại “Đã biết bao lần xa tết mẹ/ Con đi biền biệt chẳng khi về/ Xuân này mới giật mình thấy sợ/ Nếu con về là khách của quê”. Và ông nối với chốn cũ bằng sợi dây tâm linh bền vững: “Những tưởng thôi về thăm khổ/ Giờ đi lòng bớt nguy nan/ Dẫu tít xa làng đâu nỡ/ Chùa cong mái đỡ thời gian”.

Ký ức người lính Đỗ Nam Cao khi bước vào cuộc chiến tranh, là sự ân cần nhận đất đai tiền phương làm quê nhà. Những bài thơ viết cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ hoàn toàn đủ để tạo nên một chân dung thi sĩ – chiến sĩ Đỗ Nam Cao.

Đó là khoảnh khắc qua sông Sài Gòn: “Dòng sông bỗng hiện ra trước mặt/ Tôi đặt chân lên con thuyền chòng chành muốn lật/ Ôi dòng sông như mọi dòng sông/ Mà có gì đau đáu, mênh mông…/ Thôi con thuyền đã cập bến rồi/ Chào sông nhé, dòng sông ơi tạm biệt/ Ta đạp lên trăm vòng gai thép giặc/ Vẫn cứ nghe rì rầm mạch nước dưới bàn chân”.

Đó là khoảnh khắc gặp gỡ đất miền Đông Nam bộ “Đêm dung dị lạ lùng ở đây/ Quầng pháo sáng chụp vào đêm Trảng Cỏ/ Chợt lóe lên cái chấm mầu rất đỏ/ Trái ớt hiểm con chỏ thẳng lên trời” hoặc “Hỏi em… cha mẹ mất rồi/ Miếng cơm bỗng nghẹn, câu cười bật ra/ Em nhìn tôi cứ xuýt xoa/ Tôi nhìn em nghĩ về xa những ngày”.

Câu chuyện vùng ven Sài Gòn thời bom đạn xuất hiện dày đặc và trìu mến trong thơ Đỗ Nam Cao. Từ thái độ dâng hiến “Khi tình yêu mở ra trong vắt/ Dáng bông lúa cong như cái cầu vồng”, Đỗ Nam Cao đã nhìn ra vẻ đẹp ở những địa danh Trảng Bàng, Lộc Ninh, Tân Biên.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao đời sống động bỗng thấy đời phát sợ ảnh 2

Tập thơ “Hỡi cô cắt cỏ” của Đỗ Nam Cao

Không chỉ là sự quan sát “Từ vùng ven nhìn ra/ Màu xanh, xanh, xanh quá/ Chìm sâu trong mặt lá/ Sắc nhựa hồng máu ta” mà còn là sự tin cậy “Tiếng xay lúa gọi mùa cày thức dậy/ Cho những vòng xoay nối tới tương lai”.

Không chỉ là sự cam go “Ngày đêm bốn phía giặc rình/ Muốn ca lên cũng để tình lặng thôi/ Xôn xao là cánh rừng chồi/ Trời đêm trở gió đứng ngồi xôn xao” mà còn là sự lạc quan đơn lẻ “Ở dưới hầm/ Có nhiều điều bình thường bỗng rung lên trăm vẻ/ Giọt nước rỉ ra từ rễ cây cũng đậm đà hương vị/ Uống cái đắng chát này để thấy được thơm ngon” và sự gần gũi lớn lao “Tôi nhận ra nhân dân của tôi rất rõ/ Khi nép vào lồng ngực mẹ ốm o.../ Con muốn thiêu cái đồn này ra tro/ Để soi gương mặt cười của mẹ”.

Không chỉ là sự thán phục “Người vỡ đất là em. Gieo hạt/ Là em. Gặt hái cũng là em/ Đánh giặc là em lại cao tiếng hát/ Yêu biết bao nhiêu cô gái vùng ven” mà còn là sự hân hoan “Đi bên em không nói/ Vòm cây chòm sao rung/ Trái sầu riêng chín rụng/ Thơm như từ đất lên”.

Sau khi non sông thống nhất, thơ Đỗ Nam Cao tiếp tục phô diễn nét tài hoa “Mùa đông như ướp lửa/ Lên mặt lá bàng xanh”. Thế nhưng, những cảm hứng hào sảng dần được thay thế bằng những ánh mắt băn khoăn. Đỗ Nam Cao thoát ra khỏi những ám ảnh khói lửa để ngụp lặn trong hiện thực day dứt: “Sài Gòn mùa gió lá bay cuồng lên nhớ/ Thu đã thu rồi/ Mưa phùn hay là khóc/ Hay tiếc nuối thở than hay ước mộng muộn màng”.

Đô thị lớn nhất phương Nam, nơi đã cho Đỗ Nam Cao một mái ấm cùng nhiều ngổn ngang, cũng đã thúc giục ông phải soi rọi xã hội thấu đáo hơn. Sài Gòn đâu chỉ có phồn hoa mơ mộng, Sài Gòn có góc khuất lam lũ khiến ông dằn vặt: “Còn những gốc me nơi thường trú người nghèo/ Hàng núi tin đồn dồn về thành phố/ Trong xoáy lốc những ưu tư nghèo cực âu lo/ Đường phố rực vàng hoa lim sẹt”. Nhờ sự lãng mạn vốn có, Đỗ Nam Cao nhìn ba cây vông cụt ngọn chết khô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai để bần thần về nhịp điệu phát triển nhiều thử thách: “Cùng ta dạo chơi ba cây tức tưởi/ Say mềm ngả lưng ngửa nằm cùng ta/ Cuồng nộ khô da ba cây cụt ngọn/ Ba thanh nóng nhọn nhúng vào thơ ca”.

Chứng kiến sự đổi mới đất nước, Đỗ Nam Cao cũng tự đổi mới thơ mình “Thơ tôi phát khóc/ Mỗi khi chực cười”. Ông khước từ những mơn trớn, ông dẹp bỏ mọi những du dương, ông xóa sạch những ẩn dụ. Đỗ Nam Cao mong muốn thơ ông phải khác và thực sự thơ ông đã khác: “Thơ tôi lộn đầu xuống đất/ Giơ chân lên đỡ sao trời/ Thơ tôi trái điều lộn hột/ Bao nhiêu tinh chất phơi ngoài”. Đỗ Nam Cao đổi mới thơ, không phải vì chạy theo những thanh âm tân kỳ hay những trường phái cách tân. Ông đổi mới thơ vì ông nhạy cảm nhận diện được những sự thật bủa vây thơ: “Cái thời đầy ứ ự thông tin/ Bộ lọc ta quen một chiều một cửa/ Có tin vui lại ngỡ tin buồn/ Đời sống động bỗng thấy đời phát sợ”.

Thơ ông không còn là những tiếng ru theo thói quen nữa, mà là tiếng ru mở rộng biên độ sang những miền tâm tưởng xa xôi: “Người mẹ nằm ru con/ Chim sẻ ru mái ngói/ Mái ngói ru trời xanh/ Trời xanh ru hiểm họa”. Thơ ông xoa dịu ngậm ngùi riêng tư “Có lẽ sẽ còn lần vấp ngã/ Rượu bóp xoa rượu đã ngấm sâu/ Lòng nguyên vẹn mái đầu xưa đã chợt/ Bạc âm thầm những sợi buồn đau” và can đảm đối diện bẽ bàng “Không thể vượt lên số phận nghiệt ngã/ Cõi âm dương nằm giữa lòng tay/ Anh có thể là hồn ma bóng quế/ Hù dọa em trong mộng mị đêm đêm”.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao đời sống động bỗng thấy đời phát sợ ảnh 3

Nhà thơ Đỗ Nam Cao qua nét vẽ Tân Quảng

Thơ Đỗ Nam Cao vượt lên bi kịch của cá nhân “Một vụ nổ nội tâm/ Nhiều vụn vỡ âm thầm/ Sẽ còn đau đớn nữa/ Sẽ còn mất mát hơn” để chọn lựa thái độ rõ ràng “Khóc một mình nuốt ực/ Cười một mình bật rên”.

Thay đổi bút pháp, thơ Đỗ Nam Cao trọng ý hơn trọng tứ, trọng chữ hơn trọng nghĩa. Ông không còn bận bịu đến sự tròn vẹn của một bài thơ mà chủ đích đưa ra một hình ảnh đi thẳng vào lòng công chúng: “Ta quên mình đã có một thời/ Đã đốt hết một thời lên thành lửa/ Trong xác lá phủ dầy ai biết nữa/ Hương tro còn ngần ngận ở đâu đâu”.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao thừa khả năng sử dụng ngôn từ mềm mại và hoa mỹ, nhưng ông lại dùng những chữ khô cứng hơn và dân dã hơn để tạo cảm xúc mới mẻ hoàn toàn. Ví dụ, chữ “sái hai” gây sinh động “Tình yêu không có sái hai/ Anh kiếm tìm và gặp/ Em tinh khôi ban mai kiều ngọc/ Cỏ mơn chân sóng đê phù sa” hoặc chữ “lòi” đầy ngạc nhiên “Thì thôi về bãi Tự Nhiên/ Để em tắm để thánh hiền lòi ra”.

Thi ảnh ấn tượng của Đỗ Nam Cao mang lại một dáng vẻ khác cho con cò trong thi ca Việt Nam: “Thương cò cò đứng một chân/ Đứng một chân cò mỏi gân không cò/ Thương mưa dáng bước lò dò/ Thương nắng nứt ruộng cò hò khàn hơi/ Đẹp như mộng ở lưng trời/ Cò bay rát rạt mặt người ngửa lên”.

Thơ Đỗ Nam Cao những năm cuối đời, được ông tự thú “Cuộc cãi lộn với chính mình dai dẳng/ Như lửa thiêu như rượu đốt chính mình”. Thế nhưng niềm lơ đãng và nỗi bịn rịn của ông đã giăng mắc những câu thơ xao xuyến “Gió rẽ một đường sen/ Ru thơm chiều mơ mộng” hoặc “Em ru bằng ngực biển ru bằng bờ”. Và cho dù nhà thơ Đỗ Nam Cao đã vĩnh biệt cõi trần gian vào ngày 8/11/2011 thì thơ ông vẫn nhắc nhớ về những ngày ông đã sống với thi ca và bạn bè: “Nhưng vẫn còn một chút gì thăm thẳm/ Bừng sáng lên đường sấu mỗi ban mai/ Từng chùm quả mắt nhìn chua cả gió/ Thổi lang thang suốt tháng năm dài”./.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.