Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Giang Nam – tác giả bài thơ “Quê hương” đã qua đời vào sáng 23/1, hưởng thọ 94 tuổi. Ông mất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa do tuổi cao, sức kiệt.
Trong niềm tiếc thương nhà thơ Giang Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Ông là một con người đã chọn Tổ quốc và thơ ca là lẽ sống của đời mình. Và suốt đời ông đã đi trên con đường ấy. Không có bất cứ điều gì, không có thách thức nào có thể thay đổi con đường của ông. Nhà thơ Giang Nam sống hiền như cây, kiên định như cây, mạnh mẽ như cây và nở hoa kết trái như cây trong gió bão. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông, nhà thơ của bài thơ ‘Quê hương’ bất diệt."
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, trong một gia đình nhà nho bình dân yêu nước ở làng Bình Trị, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ, từng giữ các chức vụ: Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III; Đại biểu Quốc hội và là Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khóa 6 (1976-1981).
Ông sáng tác cả thơ và truyện. Nhà thơ Giang Nam nổi tiếng với các thi phẩm “Tháng Tám ngày mai” (1962), “Quê hương" (1965), “Vầng sáng phía chân trời” (1975), “Hạnh phúc từ nay” (1978), “Lắng nghe thời gian” (2008)...
Ngoài thơ, Giang Nam còn sáng tác văn xuôi, chủ yếu là truyện, truyện ngắn. Một số tác phẩm của ông như: “Vở kịch cô giáo” (tập truyện ngắn-1962); "Người Giồng Tre" (ký và truyện ngắn-1969); “Trên tuyến lửa” (ký-1984); “Rút từ sổ tay chiến tranh” (ký-1987); “Sống và viết ở chiến trường” (hồi ký-2004)… Ông từng sử dụng một số bút danh khác như Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh...
Nhà thơ Giang Nam. (Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam) |
Nhà thơ Giang Nam đã được tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về thơ (tập thơ “Quê hương”), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001...
“Quê hương” (sáng tác năm 1960) là bài thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ Giang Nam. Tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông, từng được nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu phổ nhạc.
Hay tin nhà thơ Giang Nam đã về miền mây trắng, nhà thơ Trần Quang Khánh chia sẻ: “Thương tiếc ông, một con người với tác phẩm có tính khai sáng – ‘Quê hương.’ Bài thơ vực tuổi trẻ chúng tôi vượt qua bom đạn, đói khát, khích lệ bao người trẻ gắn bó máu thịt với đất nước, quê hương, đau thương mà anh hùng, nhân ái, vị tha.”
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhà thơ-họa sỹ Nguyễn Tân Quảng khẳng định “Quê hương” là tác phẩm được nhiều thế hệ người Việt Nam thuộc lòng. Có thể nói, đây là bài thơ hay nhất của nhà thơ Giang Nam.
“Cho đến nay tôi vẫn thuộc bài thơ này. Những câu thơ rất trong sáng, tha thiết, gắn tình yêu lứa đôi với tình yêu quê hương đất nước. Đó cũng chính là yếu tố làm nên sức sống trường tồn cho tác phẩm,” nhà thơ Nguyễn Tân Quảng nhận định.
Bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được
chưa đánh roi nào đã khóc
Có cô bé nhà bên
nhìn tôi cười khúc khích...
***
Cách mạng bùng lên
rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
***
Hoà bình tôi trở về đây
với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
thẹn thùng nép sau cánh cửa
vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng
Hôm nay nhận được tin em
không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
có một phần xương thịt của em tôi.