Nhân chứng lịch sử
Nhà thờ Thánh Basil, nhà thờ Chính thống giáo nổi tiếng ở trung tâm thủ đô Moscow (Nga), là một kỳ tích về kiến trúc của xứ sở bạch dương. Toạ lạc tại Quảng trường Đỏ, đây cũng là công trình cao nhất tại thủ đô Moscow.
Sau khi được hoàn thành vào giữa thế kỷ 16, một truyền thuyết về Nhà thờ Thánh Basil đã hình thành. Tương truyền, Sa hoàng Ivan IV, còn được biết đến với biệt danh “Ivan bạo chúa”, đã ra lệnh chọc mù mắt người tạo nên công trình là kiến trúc sư Postnik Yakovlev, để ông không thể thiết kế thêm một công trình nào vĩ đại như vậy nữa. Trên thực tế, nguồn gốc về kiến trúc của Nhà thờ Thánh Basil vẫn đang chìm trong bí ẩn.
Bên trong Nhà thờ Thánh Basil. (Ảnh: Pinterest) |
Đã 5 thế kỷ trôi qua, nhưng người ta vẫn chưa thể xác định danh tính của các kiến trúc sư thiết kế nên Nhà thờ Thánh Basil. Những ý kiến phổ biến nhất cho rằng, 2 kiến trúc sư Barma và Postnik Yakovlev chính là người đã tạo nên công trình này. Một số nhà sử học lại khẳng định, Postnik Yakovlev là tác giả duy nhất, bởi “Barma” thực ra là biệt danh của ông.
William Brumfeld, một nhà sử học người Nga, đồng thời là tác giả của cuốn “Hành trình qua Đế chế Nga,” nhận xét: “Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên, khi những sự kiện cơ bản về Nhà thờ Thánh Basil đến nay vẫn chưa được khám phá.”
Tư liệu về quá trình xây dựng của Nhà thờ Thánh Basil là rất khan hiếm, khiến các nhà sử học như Brumfield phải tích cực săn lùng các “manh mối”, dù nhỏ nhất. “Chúng tôi đã gặp phải vấn đề này nhiều lần, kể cả với các công trình được xây dựng cuối thế kỷ 18 - gần với hiện tại hơn rất nhiều so với Nhà thờ Thánh Basil. Đã có nhiều trận hoả hoạn, lũ lụt và các cuộc chiến tranh xảy ra, khiến tài liệu thường bị thất lạc.
Một góc bên trong Nhà thờ Thánh Basil. (Ảnh: Vietair) |
Ngày nay, Nhà thờ Thánh Basil là một kiến trúc gồm một loạt các nhà nguyện bao quanh nhà thờ chính, tất cả đều được xây dựng bằng gạch đỏ. Trên mỗi nhà nguyện là một mái vòm được trang trí bằng những màu sắc sặc sỡ như xanh dương, xanh lá cây, đỏ và vàng. Nhà thờ nổi tiếng trên toàn thế giới bởi bề ngoài giống như những toà lâu đài trong truyện cổ tích. Thu hút khoảng 400.000 lượt khách du lịch mỗi năm, nơi đây đã trở thành một biểu tượng quan trọng của nền văn hoá Nga.
Qua nhiều thế kỷ, Nhà thờ Thánh Basil đã trải qua rất nhiều sóng gió, trong đó có 2 lần suýt bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1812 đánh dấu lần đầu tiên, khi Hoàng đế Napoleon xâm lược thủ đô Moscow. Ông ra lệnh cài thuốc nổ để đánh sập toàn bộ nhà thờ. May mắn thay, một cơn mưa lớn đã trút xuống Moscow, dập tắt tất cả ngòi nổ và cứu nhà thờ khỏi thảm hoạ. Lần thứ hai là vào năm 1930, khi lãnh đạo tối cao Liên bang Xô Viết là Stalin suýt chút nữa đã đồng ý đánh sập nhà thờ, do cản trở đường đi của lễ diễu hành. Có thể coi Nhà thờ Thánh Basil là nhân chứng của các biến động chính trị tại Nga từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20.
Biểu tượng của quyền lực
Nhà thờ Thánh Basil bắt đầu được xây dựng vào năm 1555 dưới sự chỉ đạo của Sa hoàng Ivan IV, nhằm mục đích tôn vinh chiến thắng của Nga trước Hãn quốc Kazan. Ban đầu, công trình được đặt tên là “Nhà thờ Chúa Ba Ngôi”.
“Nhà thờ mang một ý nghĩa chính trị rất rõ ràng. Đó là một biểu tượng cho quyền lực của Sa hoàng Ivan IV, người được coi như Sa hoàng đầu tiên của Nga,” nhà sử học Brumfeld nhận định.
Một bản khắc thể hiện kiến trúc của Nhà thờ Thánh Basil vào những năm 1700. (Ảnh: CNN) |
Cái tên “Nhà thờ thánh Basil” xuất hiện sau khi Fyodor, con trai của Ivan bạo chúa, lên nắm quyền thay cha. Ông đã xây thêm một nhà nguyện dành riêng cho Thánh Vasily, hay Thánh Basil - được coi như hiện thân của Sa hoàng Ivan IV. Vì vậy, nhà nguyện dành cho thánh Basil được đặt trên đỉnh hầm chứa hài cốt của vị Sa hoàng đầu tiên. Đây là nhà nguyện thu hút nhiều lượt du khách tham quan và cầu nguyện nhất.
Theo Brumfeld, những kiến trúc sư Nga thời đó chắc chắn đã lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc của người Ý. Đó là phong cách đã tạo nên những công trình cao vút, được xây chắc chắn bằng gạch đỏ - như mái vòm của Nhà thờ chính toà Florence. Một công trình nổi tiếng khác là Điện Kremlin cũng bị ảnh hưởng bởi phong cách kiến trúc này, khi được chính những kiến trúc sư người Ý xây dựng lại từ năm 1475 đến 1510.
Các nhà nguyện tại Nhà thờTthánh Basil được sắp xếp theo một bố cục gần như đối xứng. Trong mỗi nhà nguyện là một bàn thờ dành cho một vị thánh gắn liền với quyền lực của Sa hoàng Ivan IV.
Những mái vòm củ hành sặc sỡ
Theo Brumfeld, Nhà thờ Thánh Basil có thể là một trong những công trình đầu tiên có kiến trúc mái vòm hình củ hành.
Các mái vòm củ hành được trang trí bởi những màu sắc rực rỡ của Nhà thờ Thánh Basil. (Ảnh: CNN) |
“Không ai chắc kiến trúc mái vòm củ hành ra đời tại Nga từ bao giờ. Khi vừa xuất hiện, các linh mục đã tiếp thu kiến trúc này và thay thế các mái vòm trên khắp nước Nga bằng mái vòm củ hành. Qua nhiều thế kỷ, kiến trúc này vẫn rất được ưa chuộng,” nhà sử học Brumfeld cho biết.
Dựa trên các giả thuyết, Brumfeld dự đoán rằng Nhà thờ thánh Basil đã tiếp thu kiến trúc mái vòm củ hành của đế chế Ottoman, hoặc tham khảo kiến trúc của Nhà thờ Mộ Thánh tại Jerusalem.
“Tại thời điểm đó, người Nga bắt đầu coi lãnh thổ của mình là một vùng đất thiêng,” Brumfeld giải thích. Khi ấy, Jerusalem và thủ đô cũ của Đế quốc La Mã là Constantinople đang bị cai trị bởi người Ottoman. Không chỉ vậy, quyền lực của Giáo hoàng cũng không được công nhận. Người Nga tin rằng, điều đó đã mở ra cánh cửa cho một thành phố trở thành một thủ đô linh thiêng.
Màu sắc các mái vòm củ hành của Nhà thờ Thánh Basil được thêm vào dần dần theo thời gian, khi xu hướng kiến trúc mới ưa chuộng những gam màu sống động.
“Người Nga ưa thích những công trình sặc sỡ,” Brumfeld cho biết. Theo ông, nước Nga thường xuyên trải qua những mùa đông với bầu trời u ám, tăm tối. Vì vậy, những kiến trúc đầy màu sắc sẽ khiến quang cảnh xung quanh trở nên sống động hơn.
Nhà thờ Thánh Basil không phải là công trình duy nhất có màu sắc rực rỡ tại Nga. Những công trình đó nằm rải rác trên lãnh thổ quốc gia này. Một trong số đó là nhà thờ Stroganov tại Nizhny Novgorod, một nhà thờ nổi bật với sắc vàng, đậm chất lễ hội, hay Nhà thờ Đức Mẹ Kazan màu đỏ tươi, có mái che màu xanh ở Irkutsk.
Nhà thờ Stroganov tại Nizhny Novgorod, Nga. (Ảnh: Matador Network) |