Hành trình từ Hàn Quốc đến tầm cao văn chương quốc tế
Nhà văn Han Kang, sinh ngày 27/11/1970 tại Gwangju, Hàn Quốc, là con gái của tiểu thuyết gia nổi tiếng - ông Han Seung-won. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn học, bà không chỉ được nuôi dưỡng niềm đam mê viết lách mà còn có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm kinh điển của thế giới. Tuy nhiên, sự nghiệp văn học của bà không hẳn là một con đường thẳng. Bà từng đối diện với những áp lực sáng tác và chính bản thân đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh nội tâm để tìm tiếng nói riêng.
Tốt nghiệp chuyên ngành Văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei, Han Kang nhanh chóng khẳng định tài năng thơ ca của mình. Những vần thơ của bà đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, trong đó phải kể đến cuốn sách đầu tay ra đời năm 1993. Cuốn sách gồm 5 bài thơ, tiêu biểu là bài Mùa Đông ở Seoul, được đăng trong ấn bản mùa Đông của tạp chí Munhak-gwa-sahoe (Văn học và Xã hội).
Không dừng lại ở thành công với thơ ca, Han Kang bất ngờ chuyển hướng sang viết tiểu thuyết và nhanh chóng gặt hái được những thành quả đáng ngưỡng mộ. Tác phẩm đầu tay Mỏ neo đỏ đã giúp bà giành giải thưởng Văn học mùa Xuân của nhật báo Seoul Shinmun vào năm 1994.
Ngoài ra, nữ nhà văn còn được biết đến qua nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như tập truyện ngắn Trái cây của người phụ nữ của tôi (2000), Hơi thở đấu tranh (2010), Bản chất của người (2014) và Trắng (2016). Với tiểu thuyết Tôi không nói lời tạm biệt, tác phẩm gần đây nhất của mình, Han Kang liên tiếp đoạt giải Médicis năm 2023 và Émile Guimet năm 2024, ghi dấu ấn đậm nét trong làng văn Pháp.
Cuốn tiểu thuyết đột phá mang tên Người ăn chay
Người ăn chay, một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp của Han Kang, đã gây chấn động làng văn học với cách xây dựng cốt truyện và nhân vật đầy hấp dẫn. Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của Yeong-hye, một phụ nữ quyết định từ bỏ ăn thịt và từ chối các quy chuẩn xã hội, dẫn đến những xung đột trong gia đình và cuộc sống. Qua ngòi bút tài hoa của tác giả, độc giả như lạc vào một thế giới đầy ám ảnh và bí ẩn, nơi ranh giới giữa thực và hư, giữa tỉnh táo và điên loạn trở nên mong manh.
Người ăn chay không chỉ là câu chuyện về sự từ bỏ ăn thịt mà còn là biểu tượng cho sự từ chối tuân thủ các quy ước xã hội cứng nhắc. Tác phẩm đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình khi đi sâu vào việc khám phá sự nổi loạn, tự do cá nhân và áp lực xã hội đối với phụ nữ. Đoạt giải Man Booker Quốc tế vào năm 2016, cuốn tiểu thuyết đã đưa Han Kang trở thành gương mặt quốc tế, mở đường cho những thành công sau này.
Ngòi bút giàu hình ảnh, ngôn ngữ tinh tế và những câu chuyện đầy ám ảnh của Han Kang đã chinh phục trái tim của hàng triệu độc giả trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng khi tiểu thuyết Người ăn chay lần đầu tiên có mặt tại thị trường sách Việt Nam, nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý. Ngoài Người ăn chay, các tác phẩm khác của Han Kang như Bản chất của người, Trắng và Tôi không nói lời tạm biệt khi được dịch sang tiếng Việt cũng đã nhanh chóng chinh phục độc giả. Mỗi tác phẩm đều mang một màu sắc riêng, nhưng đều chung một điểm nhấn là phong cách viết giàu cảm xúc và sự sâu sắc.
Bản dịch tiếng Việt một số tác phẩm của Han Kang. Ảnh: Kim Nhã |
Sự có mặt của bà trên văn đàn Việt Nam có thể nói đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn học và mở ra những chân trời mới cho độc giả. Với lối viết độc đáo, giàu cảm xúc và những câu chuyện đầy ý nghĩa, Han Kang đã khẳng định vị thế của mình là một trong những nhà văn đương đại được yêu thích nhất.
Tiếng nói đại diện cho con người và những nỗi đau lịch sử
Văn phong của Han Kang được biết đến với tính thơ ca bay bổng, thấm đẫm cảm xúc và thể hiện sâu sắc các khía cạnh phức tạp của con người. Những vấn đề sâu sắc về cuộc sống, như bạo lực, cái chết và sự cô đơn, thường được Han Kang khai thác một cách rất tinh tế. Chủ đề của tác giả mang tính phổ quát, dễ dàng cộng hưởng với người đọc trên khắp thế giới. Thông qua văn xuôi đầy chất thơ, bà biến những trải nghiệm tăm tối thành nghệ thuật, nhấn mạnh vào nỗi đau và sự sống còn của con người.
Một điểm đặc biệt trong các tác phẩm của Han Kang là việc sử dụng góc nhìn nam giới để kể về những câu chuyện của phụ nữ, tạo ra những suy nghĩ, ý kiến đa chiều và thú vị. Mở đầu tiểu thuyết Người ăn chay, tác giả viết: “Trước khi vợ tôi chuyển sang ăn chay, tôi luôn nghĩ cô ấy hoàn toàn không có gì nổi bật về mọi mặt. Tuy nhiên, nếu không có sức hấp dẫn đặc biệt nào, cũng không có nhược điểm cụ thể nào, thì không có lý do gì để hai chúng tôi không kết hôn”.
Dưới góc độ này, nữ nhà văn có thể khám phá và tái hiện cách nhìn nhận, suy nghĩ và tương tác của đàn ông đối với cuộc sống, tâm hồn và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đồng thời, bà khai quật các góc khuất, định kiến hoặc những suy nghĩ sai lầm về phụ nữ còn tồn động trong xã hội từ quan điểm của phái nam. Kho tàng tác phẩm của Han Kang không chỉ là những câu chuyện đơn thuần mà còn là bức tranh chân thực về cuộc sống, phản ánh sâu sắc những góc khuất của xã hội và những nỗi đau lịch sử của con người. Lấy cảm hứng từ quê hương mình, Gwangju - nơi xảy ra cuộc thảm sát đẫm máu năm 1980, nhà văn đã tạo nên một tác phẩm đầy chất liệu lịch sử mang tên Bản chất của người.
Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong tác phẩm là những linh hồn lạc lõng, chứng kiến sự ra đi của chính mình. Việc sử dụng hình tượng những linh hồn không chỉ là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo mà còn là một cách để nhà văn khám phá những khía cạnh sâu thẳm của tâm hồn con người. Từng trang sách của tiểu thuyết là một minh chứng sinh động cho nỗi đau của nạn nhân và gia đình họ. Nhà văn đã thành công trong việc truyền tải đến người đọc những cảm xúc chân thực nhất.
Giải Nobel và sự công nhận quốc tế
Ngày 10/10/2024, Hội đồng Nobel công bố Han Kang là người chiến thắng giải Nobel Văn học nhờ khả năng sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời để đối diện với các vết thương quá khứ. Quyết định này được đánh giá cao bởi giới văn học toàn cầu. Mats Malm, Thư ký thường trực của Hội đồng Nobel, đã khen ngợi bà có lối “văn chương tinh tế, đối diện với nỗi đau và sự mong manh của con người, nhưng lại mang đậm tính nhân văn”.
Ảnh: The Nobel Prize |
Hình thức công nhận này không chỉ là sự tôn vinh cá nhân mà còn đánh dấu sự phát triển và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của văn học Hàn Quốc trên trường quốc tế. Trong bối cảnh văn học châu Á thường bị đánh giá thấp trong các giải thưởng toàn cầu, chiến thắng của Han Kang đã trở thành biểu tượng cho sự đa dạng và chiều sâu của nền văn học khu vực này.
Việc nhận giải Nobel Văn học 2024 đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự nghiệp của Han Kang. Tuy nhiên, bà vẫn luôn khiêm tốn và không xem giải thưởng này là đích đến cuối cùng. Trong một cuộc phỏng vấn sau khi nhận tin vui, bà chia sẻ rằng vẫn còn rất nhiều điều muốn khám phá qua ngòi bút, và văn chương sẽ mãi là hành trình không hồi kết đối với bà. Chiến thắng này cũng khơi dậy niềm tự hào quốc gia trong lòng người dân Hàn Quốc. Sau khi tin tức về giải thưởng được công bố, hàng loạt tác phẩm của Han Kang đã được tìm kiếm và tái bản rộng rãi tại các nhà sách trong nước, thể hiện tình cảm yêu mến của công chúng đối với nhà văn.