Vài hôm trước đó, tôi gọi đặt một cuộc hẹn với Ký giả - Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn khi hay tin ông sắp ra mắt bộ ảnh mới nhưng ông có lịch phải đi tỉnh nên đành dời lại. Tắt máy, tôi lấy xe chạy dọc bờ kè đường Hoàng Sa đến quán cà phê nơi hẹn. Quán nằm trên đường Trần Khánh Dư, Quận 1 khá rộng rãi và cũ kĩ với thiết kế gam màu gỗ chủ đạo, tường gỗ, cửa gỗ, bàn ghế cũng gỗ, mang đến cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng.
Ký giả - Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn. |
Ngày xưa, khi còn ngồi ở giảng đường đại học, tôi đã nhiều lần nghe thầy cô nhắc đến cái tên Giản Thanh Sơn. Đến lúc chập chững vào nghề, thực tập rồi công tác ở Báo Công an TP.HCM, cái tên ấy cũng được các anh chị kể lại. Nhưng mãi tới bây giờ, tôi mới có dịp được gặp Giản Thanh Sơn ngoài đời thực.
Tôi vốn luôn đi trước giờ hẹn, nhận địa chỉ quán là phóng ngay nhưng đến nơi vẫn chậm hơn ông một bước. Từ ngoài cổng, tôi lập tức nhận ra ông với mái tóc bạc trắng đang ngồi ở giữa quán. Quần short cùng áo kaki, đôi giày thể thao, cái nón kết xanh nhạt và đôi kính râm trông rất phong trần, phong cách ấy dường như đưa ông trở về với thời tuổi trẻ náo nhiệt. Ông cười, nụ cười trên gương mặt đầy đặn phương phi, chứa chan tình cảm.
Sau vài phút ngập ngừng, ông và tôi hoà vào câu chuyện về cơ quan cũ với biết bao hoài niệm, về những bộ ảnh, quyển sách mang đậm dấu ấn Giản Thanh Sơn như: "Chân dung chính khách", “Việt Nam nhìn từ không trung", "Dấu ấn hội nhập"… và cả quyển “Vị thế Việt Nam” đang đặt trên bàn làm việc của tôi nữa. Tôi cũng biết chút ít về ảnh, cũng từng có thời vác ba lô, máy ảnh đi lùng sục khắp mọi ngóc ngách Sài Gòn nhưng ngồi trước ông thì tất cả bỗng rơi thẳng vào biển mù kiến thức mênh mông bất tận.
Giản Thanh Sơn tác nghiệp ban đêm giữa mùa dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Lộc |
Nhiều năm trước, nhắc đến Giản Thanh Sơn là nói về những chuyến công du tháp tùng nguyên thủ, chính khách đến hàng chục quốc gia lớn nhỏ trên toàn thế giới, là những bức ảnh trên không trải dài và rộng khắp lãnh thổ Việt Nam, là những miệt mài tạo nên một kho tàng sách ảnh đồ sộ với biết bao sự ngưỡng mộ của lớp trẻ về hành trình gần 50 năm làm phóng viên chính trị - ngoại giao.
Về hưu, trở về với cuộc sống thường nhật, không còn làm những sự kiện chính trị, ngoại giao nữa, Giản Thanh Sơn có thời gian hoà mình vào những con phố, sải bước chân tự do qua những hang cùng ngõ hẻm, không chỉ riêng ở Sài Gòn náo nhiệt mà rất nhiều vùng quê thanh bình tươi đẹp khác nữa, được hít hà hơi thở cuộc sống muôn màu đã mang đến một góc nhìn khác khi nhắc về ông.
Ở cái tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”, ông nhìn cuộc sống với một trái tim đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia. Ông quay ống kính về đời thường, đặc biệt trong lúc dịch bệnh. Ở đó, ông nhìn thấy những công viên vắng bóng người, những thân phận hẩm hiu lang thang trên phố, những nẻo đường mưu sinh tất tả ngược xuôi, những lời cầu nguyện âm vang trong xóm nhỏ….
Đường phố về đêm chỉ còn xào xạc những tiếng chổi tre giữa dịch Covid-19. Ảnh: Giản Thanh Sơn |
“Trong mùa giãn cách khó có ai ra đường mà mình chụp được những bức hình như thế thì xúc động lắm.… Nhìn những hoàn cảnh, mảnh đời nằm co ro trên góc phố giữa cái đêm lạnh lẽo, heo hút… sao mà không động lòng được. Có những mảnh đời tôi chụp xong quay lại gửi tặng chút chi phí nhưng họ cũng rất ngại, nhìn mình với một ánh mắt vô cùng ngạc nhiên….”, giọng ông trầm ấm nhưng có lúc bỗng nghẹn ngào.
Những mảnh đời dường như bị xô tạt ra bên rìa cuộc sống đó càng thôi thúc ông đi, đi và chụp. Hết dịch bệnh, hết giãn cách, ông tiếp tục tìm cảm xúc trong những đêm mưa, cũng có những mảnh đời lạnh lẽo trong từng góc khuất của thành phố đông đúc tráng lệ; trong từng góc phố, trong từng ngõ hẻm phồn hoa đô hội cũng có những thân phận bèo dạt mây trôi, những mảnh đời éo le nghèo khó.
Khoảnh khắc người đàn ông lầm lũi trong cơn mưa nặng hạt. Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Ông nhìn thấy người xe ôm ngồi lướt điện thoại trong thời gian chờ khách, người phụ nữ nhặt phế liệu ở đường ray tàu lửa, là một căn chung cư cũ đượm vẻ buồn buồn, là đêm giáng sinh tay ấm bàn tay và ánh mắt hồn nhiên thơ trẻ, là cảnh trẻ con nô đùa trên phố, là những người ăn xin giúp đỡ lẫn nhau, là đêm về xóm trọ, là bước chân lạc lối trên những bờ kênh, là tiếng chổi tre xào xạc trong đêm vắng....
Không đi sẽ không có cảm nhận, không có trải nghiệm thực tế sẽ không có cảm xúc nên với Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn mỗi lần bấm máy là một lần cảm xúc dâng trào. Ông bảo với tôi rằng, những hình ảnh đó tạo nên sự hấp dẫn, yêu đời và yêu người hơn. Ông cảm nhận được cuộc sống gần gũi hơn, bản thân chạm đến nỗi vất vả thậm chí là nỗi đau của những phận người, chạm được những điều đó mới có được cảm xúc, một cảm xúc vô cùng đặc biệt mà trước đây chưa từng có.
Vệt nắng cuối chiều. Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Ông nhấp ngụm nước, châm một mồi lửa, tựa lưng vào ghế nhìn theo làn khói trắng bay vút lên rồi từ từ tan biến vào hư không. Ông trầm ngâm trong giây lát, gương mặt có vẻ gì đó rất tư lự. Mỗi bức ảnh là mỗi tác phẩm, không có ảnh nào giống ảnh nào, không có thời khắc nào giống thời khắc nào, lúc mưa lúc nắng khác nhau. Những trưa nắng gắt, những vệt nắng chiều có những cái bóng trải dài trên phố, những buổi tối ánh đèn leo lét có vài mảnh đời lầm lũi mưu sinh. “Mỗi bức ảnh đều có thông điệp của nó. Một bộ ảnh, chuỗi hình ảnh mang cả thông điệp về lòng yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia trong đời sống này”, ông giãi bày.
Cái bóng in dài trên phố trong một buổi sớm. Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Khi bước vào thế giới của những khoảnh khắc bình dị đời thường, hình như ông có gì đó ái ngại về đôi lần đã qua. Ông nói, đây không phải là sự thay đổi trong tư duy nhưng bây giờ được làm điều mình thích chứ không lệ thuộc vào điều gì khác nữa, rảnh thì đi, bận ở nhà, thấy trời mưa có cảm xúc thì cầm máy ra đi trong đêm, có những bức ảnh chụp lúc 0h, càng về khuya hình ảnh càng có cảm xúc, càng ấn tượng.
Ông cảm thấy làm nghệ thuật phải có sự chuyển động, có sự nhạy bén chứ không phải đợi có bàn có ghế có xe đưa đón mới đi, bất cứ lúc nào cũng có thể đi, bất cứ lúc nào cũng bấm máy. Ông lại cười rất tươi, hai mắt nhíu lại, mấy vết chân chim hằn lên khoé mắt, kể lại những buổi sáng lang thang từ nhà ở P.Tân Định, Quận 1 tới tận khu vực đường Trần Phú, Quận 5, đi đi lại lại quẩn quanh tới trưa thì về; hôm nào mệt quá thì lúc về sẽ bắt xe ôm.
Gánh nặng gia đình đặt cả lên vai người đàn ông. Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Những lần rong rủi đây đó, từng khoảnh khắc sống mang đến cho ông vô vàn cảm xúc lẫn lộn, lúc vui khi buồn, lúc như đạt đến tột đỉnh phấn khích khi rơi vào góc tối vực sâu nhưng dẫu sao đi nữa, ông vẫn cảm thấy rất vui. Vui vì được đi lại tự do theo cái đề tài mà mình chọn, vui khi chạm được nhiều khía cạnh cuộc sống, chạm được nỗi đau, nỗi vất vả của người nghèo, hiểu được dù ở đâu cũng có những phận đời nhỏ nhoi, lầm lũi….
Ông nói: “Bức ảnh phải chạm đến trái tim, đầu tiên là trái tim người chụp, sau đó lan toả để chạm đến trái tim người xem. Đó là thông điệp tôi muốn lan toả đến cộng đồng, qua đó nếu những người có tấm lòng sẽ hướng đến những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Mình làm việc bằng cả trái tim thì kết quả đều mang lại cho mình niềm vui. Mọi sự cố gắng, nỗ lực, tận tâm nào cũng có sự đền đáp, đó là niềm vui và hạnh phúc.
Giản Thanh Sơn trong một góc khuất ở Sài Gòn. Ảnh: Vũ Minh Tuấn. “Mỗi nghệ sĩ đều có sự cô đơn!” |
Nhưng niềm vui và hạnh phúc này nó gắn với nỗi cô đơn, đi vào sáng tác, tác giả phải chấp nhận sự cô đơn, thầm lặng. Cô đơn để mang lại hạnh phúc chứ không phải cô đơn để tuyệt vọng. Cô đơn để có tác phẩm phục vụ cho đời, phục vụ cộng đồng đó là sự hạnh phúc. Mỗi văn nghệ sĩ đều có sự cô đơn của họ! Như các bạn làm báo điều tra cũng vậy, cô đơn và không kém phần nguy hiểm. Nhưng phải chấp nhận điều đó mới có thể mang đến niềm vui và hạnh phúc".
Tuổi về già nhưng đôi chân chưa mỏi. Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Thế đó, Giản Thanh Sơn ở độ “Lục thập nhi nhĩ thuận” là như thế đó! Dẫu vậy, ông vẫn giữ một nguyên tắc bất di bất dịch đã vận vào cái nghề viết lách và hình ảnh suốt mấy mươi năm qua, ảnh chụp dù xấu hay tốt gì cũng giữ, không nên bỏ hết. Bởi lẽ theo ông, có những bức ảnh hôm nay thấy xấu nhưng năm, mười năm sau không có bức ảnh xấu đó, tìm bức ảnh xấu như thế sẽ không được nữa…. Bây giờ, ông vẫn chưa có ý định “nghỉ hưu” trong viết lách và nhiếp ảnh, cứ hai ba hôm lại vác máy ảnh ra đường, cứ đi, cứ chụp, viết và ghi lại những khoảnh khắc đời thường với một dự định thực hiện thêm một bộ ảnh để đời về hơi thở cuộc sống qua góc nhìn khác của Giản Thanh Sơn!
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn sinh năm 1957 tại Long An. Ông chính thức gia nhập báo giới vào nữa cuối thập niên 70. Ông viết cho nhiều tờ báo trong nước. Ông từng là phóng viên tháp tùng nguyên thủ Việt Nam và làm việc tại Phủ Chủ tịch (giai đoạn 2006-2016).
Có gần 50 năm làm báo, ông từng tác nghiệp tại hơn 80 quốc gia; tham dự các kỳ họp thượng đỉnh tại Liên Hợp Quốc, hội nghị quốc tế tại Peru, Nhật Bản, Singapore, Nga, Mỹ, Ai Cập, Trung Quốc, Indonesia, Philippines,... và được xác lập 5 kỷ lục quốc gia và châu Á về nhiếp ảnh - báo chí. Sau khi trở thành ký giả và nhiếp ảnh gia tự do, ông có những triển lãm gây dấu ấn và xuất bản nhiều cuốn sách song ngữ Việt – Anh, trong đó có: Chân dung chính khách, Dấu ấn hội nhập, Vị thế Việt Nam, Không ảnh về đảo và bờ biển Việt Nam, Tổng tập Đối ngoại (2007-2016), Phóng viên ảnh Nick Ut huyền thoại giản dị, Môi trường Việt Nam và Thế giới (không ảnh), Miền ký ức, Nghệ sĩ tuồng cổ…
Trong năm 2021, Giản Thanh Sơn đã được bình chọn, tôn vinh trong quyển sách 100 nhân vật khoa học và văn nghệ sĩ tiêu biểu của ASEAN… Ký giả Giản Thanh Sơn nhận bằng tiến sĩ hạng danh dự của đại học quốc tế WRU ở tuổi 64 bởi một Luận án chuyên sâu về "Quảng bá hình ảnh quốc gia"được Hội đồng thẩm định quốc tế đánh giá cao…