Nhận diện kinh doanh đa cấp bất hợp pháp

(Ngày Nay) - Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.

Những năm vừa qua, một số đối tượng lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội.

Để tránh tham gia vào hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, người dân cần lưu ý những vấn đề sau:

Dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp bất hợp pháp

1. Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp không có Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp

Theo quy định, hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp rồi mới được phép hoạt động.

Do đó, khi được giới thiệu tham gia vào bất cứ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nào, người tham gia cần kiểm tra xem doanh nghiệp đó có được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay không.

2. Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa

Theo quy định hiện hành, hoạt động bán hàng đa cấp chỉ được phép thực hiện đối với đối tượng là hàng hóa, tất cả các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không phải là mua bán hàng hóa đều không được pháp luật cho phép.

Hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh với mô hình trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp với một số hình thức có thể kể đến như mua bán tiền điện tử, kinh doanh dịch vụ giáo dục, kêu gọi đầu tư các dự án trong đó người đầu tư được trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp… Các hình thức này là hình thức bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro. Do đó, người dân cần thận trọng, tránh tham gia vào những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này để hạn chế các rủi ro không đáng có.

Lưu ý: các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải hàng hóa có thể bị xử lý hành chính (tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

Nhận diện kinh doanh đa cấp bất hợp pháp ảnh 1

Dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính

Thực tế thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trong quá trình tổ chức hoạt động có hành vi hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.

Dưới đây là các dấu hiệu nhận diện của hành vi bán hàng đa cấp bất chính:

1. Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào hệ thống

Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản tiền để gia nhập hệ thống, xem như là chi phí gia nhập. Chi phí này có thể được yêu cầu dưới nhiều hình thức khác nhau:

- Yêu cầu nộp tiền để làm thủ tục

- Yêu cầu nộp tiền đặt cọc

- Yêu cầu mua một lượng hàng nhất định (thường là sản phẩm với giá đắt hơn giá thị trường hoặc gói sản phẩm theo mức giá cố định)

- Yêu cầu nộp tiền làm thẻ thành viên

- Yêu cầu nộp tiền mua tài liệu đào tạo

Việc thu được khoản tiền này từ người bị dụ dỗ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính sẽ đạt được 02 mục tiêu chính:

- Thu được một khoản tiền từ người bị dụ dỗ mà không mất chi phí gì. Nếu sau đó người này có không tiếp tục tham gia dụ dỗ người khác thì cũng khó có thể đòi lại được khoản tiền này.

- Khiến người mất tiền bị lệ thuộc vào công ty, dẫn đến tình thế buộc phải lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác tham gia để bản thân được hoàn lại tiền.

2. Cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp

Như đã nêu trên, mỗi người tham gia vào hệ thống đa cấp bất chính thường sẽ mất một khoản tiền chi phí ban đầu. Chi phí này sẽ được doanh nghiệp trích một phần để trả công cho người giới thiệu. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính vẫn gọi đây là hoa hồng. Tuy nhiên, hoa hồng này không phải là thành quả của hoạt động bán hàng mà xuất phát từ tiền của người mới bị dụ dỗ tham gia.

Do đó, nếu được giới thiệu tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nào có chính sách trả hoa hồng cho việc tuyển dụng, bạn cần đề phòng bởi đó là dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính.

Bạn cần phải hiểu: bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng, người bán được hưởng hoa hồng từ kết quả bán hàng của mình và kết quả bán hàng của mạng lưới người tham gia phía dưới mình, chứ không phải nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng.

3. Nói quá thông tin để dụ dỗ người khác tham gia

Nói quá, quảng cáo gian dối là hình thức cơ bản để các đối tượng bán hàng đa cấp bất chính thu phục người mới, khiến họ mờ mắt trước những thông tin không có thất.

Việc nói quá của đối tượng bán hàng đa cấp bất chính có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau:

- Nói quá về cơ hội làm giàu: người bị dụ dỗ tham gia vào các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường được nghe những lời quảng cáo về khả năng có thể giàu lên nhanh chóng sau một thời gian tham gia vào mạng lưới. Thành viên của doanh nghiệp đa cấp bất chính sẽ vẽ ra những cảnh tượng giàu sang, nêu những tấm gương giàu có đã thành công ở doanh nghiệp, hoặc bản thân họ cũng tỏ ra hiểu biết giàu có với cách ăn mặc hào nhoáng. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính cũng thường tổ chức các sự kiện vinh danh rầm rộ, cho người lên vinh danh với những khoản thưởng được giá trị hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để khiến những người ngồi dưới có niềm tin rằng họ cũng sẽ làm được như vậy. Tuy nhiên, các thông tin này thực chất đều là giả tạo, những người lên nhận thưởng thường chỉ đeo dải băng chéo với số tiền lớn nhưng không được trao số tiền như đúng mệnh giá trên dải băng của họ, hoặc số tiền đó là số tiền thưởng của cả hệ thống hàng ngàn người chứ không phải của riêng họ. Người nhẹ dạ có thể sẽ tin tưởng và đầu tư nhiều tiền để nhanh chóng có được thành công như vậy.

- Nói quá về công dụng sản phẩm: Các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường quảng cáo các sản phẩm của họ như những sản phẩm thần thánh, có thể chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư. Họ đưa ra các ví dụ thực tế qua các hình ảnh, thậm chí các video clip có người bệnh trình bày. Tuy nhiên các hình ảnh vào clip này đều là dàn dựng, không có thật.

- Nói quá về quy mô, sức mạnh của doanh nghiệp: nhiều doanh nghiệp đa cấp bất chính chỉ là doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập, lấy tên giống một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng để lấy niềm tin của người khác, họ thường quảng cáo họ là doanh nghiệp đa quốc gia, hoạt động trên nhiều quốc gia trên thế giới, có nhà máy, trụ sở, văn phòng ở nhiều quốc gia khác nhau. Hình thức nói quá này thường nhằm nhắm đến những người có nhận thức hạn chế, nghĩ rằng mình được làm việc cho doanh nghiệp quốc tế, cảm thấy tự hào và càng tin tưởng là không bị lừa.

4. Không có hàng hóa hoặc hàng hóa không có giá trị, chất lượng

Các doanh nghiệp đa cấp bất chính chỉ tập trung vào tuyển dụng người mới để thu tiền mà không quan tâm đến mua bán hàng hóa, do đó họ thường không có hàng hóa hoặc có nhưng chỉ là các hàng hóa giá rẻ, thô sơ để làm bình phong cho hoạt động thu tiền.

Các doanh nghiệp này thường dụ dỗ người tham gia nộp tiền, xuất hóa đơn nhưng không giao hàng. Để ngụy trang cho việc này, họ thường cho người tham gia ký vào các giấy tờ như phiếu gửi lại hàng, phiếu xuất kho khống, hoặc đóng dấu “đã nhận hàng” vào hóa đơn xuất cho người nộp tiền.

Một số doanh nghiệp có giao hàng nhưng hàng hóa giá trị rất thấp so với số tiền thu của người tham gia, ví dụ như thực phẩm chức năng sản xuất trong nước, đồ gia dụng xuất xứ Trung Quốc được bán với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.

Sau một thời gian, người nộp tiền không được trả hoa hồng như hứa hẹn, muốn đến đòi lại tiền thì không thể đòi lại được vì giấy tờ thể hiện họ đã nhận hàng, hoặc việc mua bán đã được thực hiện trên cơ sở thuận mua vừa bán, dù đắt nhưng người mua đã đồng ý bỏ tiền mua nên không thể đòi lại.

Lưu ý: trong quá trình theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, trường hợp có những thắc mắc hoặc phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp như các biểu hiện nêu trên, người dân hoặc người tham gia bán hàng đa cấp hãy cung cấp thông tin, chứng cứ đến: Cục CT&BVNTD – Bộ Công Thương (Địa chỉ: Số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Địa chỉ Email: vcca@moit.gov.vn; Điện thoại: 024.2220.5002) để Cục CT&BVNTD có căn cứ xem xét và xử lý các hành vi vi phạm. Mọi thông tin của người khiếu nại và tố cáo đều được bảo mật theo quy định pháp luật.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.