Đây là ý kiến của GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên SGK Toán 1 trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới tại Tọa đàm giới thiệu SGK lớp 1 (bộ Cánh Diều).
GS.TSKH Đỗ Đức Thái thẳng thắn nêu quan điểm: “Môn Toán trong chương trình hiện tại quá nặng. Chương trình và bộ SGK Toán tiểu học hiện hành khó đến mức mà để hiểu hết nó phải là các giáo sư Toán có trình độ thương đối tốt. Trẻ con 6 tuổi, chưa biết đọc biết viết, cô giáo vẫn phải xúc ăn cho từng bữa, nhưng phải xây dựng số tự nhiên trên cả 2 chuyên đề, số đếm, số liền trước, số liền sau. Có nhiều bài nếu rút phải thì các cô giáo cũng phải thi lại là chắc chắn.
Nguyên tắc học hình học, trẻ con phải hiểu từ những biểu tượng cụ thể cầm nắm được, quan sát được, thì trẻ con lại phải học ngay về đường thẳng, một khái niệm rất trừu tượng’.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho rằng chính vì chương trình quá khó, nên lâu nay môn Toán đã trở thành “nỗi khiếp đảm” với nhiều trẻ em, “niềm vui khi học Toán bị giết chết từ trong trứng”.
Do đó, Tổng Chủ biên SGK Toán 1 cho rằng, SGK phải thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT đưa ra là giảm tải một cách hợp lý để mỗi giờ học Toán là một giờ vui, chứ không phải sự hãi hùng với học sinh.
“Sách giáo khoa Toán mới trong bộ Cánh Diều được chúng tôi xây dựng với mong muốn mở toang cánh cửa nhà trường để cuộc sống tràn vào nhà trường. Học sinh học đếm số 1, 2, 3 không phải để biết đếm mà phải biến thành năng lực để các em giải quyết những vấn đề của cuộc sống sau này. Sách giáo khoa mới bộ Cánh Diều thấm đẫm tinh thần mang cuộc sống vào bài học và đưa bài học vào cuộc sống”, GS.TSKH Thái cho biết thêm.
Tham gia dạy thử nghiệm SGK Toán mới trong bộ Cánh Diều, cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Thăng Long, Hà Nội cũng nhận thấy nội dung sách đã được giảm tải đáng kể so với chương trình hiện hành, các bài học được thiết kế theo hướng hiện đại hơn, các tranh vẽ, cấu trúc trong bài học phù hợp với học sinh, cả thầy và trò đều có thể tung hứng trong giờ học.