Báo cáo với tên gọi “Tôi có một giấc mơ: Rào cản đối với giáo dục trung học ở Tanzania” đã nêu lên thực trạng về nạn quấy rối tình dục diễn ra phổ biến trong các trường học tại đất nước này. Ước tính mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ em gái bỏ học vì mang thai hoặc kết hôn sớm.
Bị chính thầy giáo lạm dụng
Một trong những vấn đề gây tranh cãi là Tanzania cho phép các trường đuổi học khi phát hiện nữ sinh mang thai hoặc đã lập gia đình. Các nữ sinh khi đến trường phải tiến hành thử thai bắt buộc. Elin Martínez, nhà nghiên cứu về quyền trẻ em của HRW cho biết, khu vực Tây Bắc như Mwanza, Shinyanga, Tabora là nơi có tỷ lệ nữ sinh bỏ học cao nhất ở Tanzania.
Đây cũng là khu vực có tỷ lệ học sinh tảo hôn, có thai ở tuổi vị thành niên và tỷ lệ nhiễm HIV trong thanh thiếu niên cao nhất cả nước. “Nạn quấy rối tình dục phổ biến trong các trường học. Các giáo viên nam thường xuyên dụ dỗ nữ sinh quan hệ tình dục. Khi nữ sinh mang thai, các em sẽ bị đuổi học. Ngoài ra, các nữ sinh cũng phải chịu nạn bạo lực tình dục”, bà Martínez cho biết thêm.
Kể lại trường hợp nữ sinh 10 tuổi ở vùng nông thôn Shinyanga đã phải bỏ học vì bị một giáo viên nam tấn công tình dục dẫn đến mang thai, bà Martínez bức xúc: “Bé gái 10 tuổi cho biết, nhiều nữ sinh khác cũng bị thầy giáo hãm hiếp và phải bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, tên thầy giáo lạm dụng tình dục nữ sinh này không bị xử lý bởi bất cứ một hình thức kỷ luật nào”.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ở Tanzania không có cơ chế rõ ràng giải quyết những vụ việc lạm dụng tình dục trẻ em. Nữ sinh bị thầy giáo lạm dụng tình dục sẽ phải bỏ học giữa chừng trong khi giáo viên vẫn ung dung đứng trên bục giảng hoặc được điều chuyển sang trường khác mà không phải đối mặt với bất kỳ cuộc điều tra nào.
“Câu chuyện chưa dừng lại tại đó vì những bé gái bỏ học cũng phải đối mặt với nạn lạm dụng tình dục bởi những tên đàn ông lớn tuổi. Họ dụ dỗ các em đổi sex lấy tiền, thức ăn hay một lợi ích nào đó… Đây là vấn đề xã hội rất lớn”, một chuyên gia của HRW nhận định.
Cần có giải pháp mạnh tay
Tanzania là một trong những quốc gia có số dân trẻ nhất thế giới với 43% số người ở độ tuổi dưới 15. Đất nước này cũng đang đặt sự kỳ vọng rất lớn vào những người trẻ khi đặt mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình vào năm 2025. Chính vì vậy, năm 2015, Tanzania đã quyết định thực hiện chính sách giáo dục trung học miễn phí trên toàn quốc.
Tuy nhiên, một số rào cản khác đã không cho phép 40% thanh thiếu niên của nước này (tương đương khoảng 1,5 triệu trẻ em) đến trường. Ngoài lý do vì nạn lạm dụng tình dục trong trường học và phân biệt đối xử còn có cả lý do về hoàn cảnh gia đình hay thiếu các trường trung học ở khu vực nông thôn…
HRW kêu gọi Anh và các nhà tài trợ khác đang tài trợ cho chương trình giáo dục đầy tham vọng của Tanzania cần yêu cầu Chính phủ nước này mạnh tay với nạn lạm dụng tình dục. Được biết, chương trình giáo dục nhằm nâng cao chất lượng học tập trong các trường tiểu học và trung học ở Tanzania đã nhận được khoản viện trợ 150 triệu bảng Anh từ Ngân hàng Thế giới và Vương quốc Anh trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2020.
Bà Elin Martínez nhận định, đầu tư có hiệu quả không đơn thuần là việc cung cấp tiền bạc hay cơ sở vật chất mà còn phải đảm bảo sự an toàn và chất lượng giáo dục cho học sinh. “Các nhà viện trợ, trong đó có Anh cần yêu cầu Chính phủ Tanzania cam kết đảm bảo sự an toàn của học sinh trong trường học, khẩn trương giải quyết hai vấn đề nổi cộm là bạo lực và lạm dụng tình dục”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế của Anh cho biết, trong thời gian qua, Anh đã giúp hơn 500.000 học sinh ở Tanzania được tiếp cận nền giáo dục ngày càng chất lượng. Đồng thời, cơ quan này đang làm việc với Chính phủ Tanzania để thực hiện những cải cách mang tính chiến lược cho hệ thống giáo dục.