Tại hội thảo báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp do VCCI tổ chức sáng nay, 20.11, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, đã gần 5 năm kể từ khi Nghị quyết 19 đầu tiên được ban hành, và hơn 2 năm kể từ Nghị quyết 35 có hiệu lực, cho thấy đã đạt được những kết quả quan trọng.
Môitrường kinh doanh đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy giữa các bộ, ngành và địa phương có mức độ thực hiện chưa đồng đều. Nhiều bộ, ngành rất tiên phong, quyết liệt trong cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành, nhưng một số bộ, ngành ít chuyển biến, còn thực hiện đối phó.
Do vậy, theo ông Lộc, rất cần có những đánh giá độc lập, giám sát việc thực hiện quá trình cắt giảm này, tránh tình trạng chạy theo con số trên báo cáo, lạc quan về các thành tích luôn được nhấn mạnh, trong khi người dân và doanh nghiệp không được hưởng lợi.
“Suy cho cùng, thước đo quan trọng nhất là sự hài lòng của doanh nghiệp. Bởi chính hiệu ứng thực tiễn, tác động thực tiễn mới là tiêu chuẩn cuối cùng và quan trọng nhất để đánh giá chương trình cải cách hay lĩnh vực cải cách có thực sự thành công hay không”, ông Lộc giải thích sự ra đời của báo cáo nhìn lại quá trình cải cách từ “con mắt” của doanhnghiệp.
Theo đó, phản hồi của doanh nghiệp sẽ dựa trên các tiêu chí chính như gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh; cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản đất đai và tài sản gắn liền với đất, nộp thuế và công chứng; tiếp cận tín dụng; bảo vệ nhà đầu tư; nộp thuế và bảo hiểm xã hội; thương mại qua biên giới; giải quyết tranh chấp hợp đồng; giải quyết phá sản. Đây cũng là các tiêu chí của Doing Business đánh giá về môi trường kinh doanh toàn cầu nhưng đã được điều chỉnh cho sát với thực tiễn trong nước.
Ngoài ra, hai vấn đề được nhấn mạnh trong Nghị quyết 19 để phù hợp với môi trường kinh doanh của Việt Nam là cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành. Hầu hết các nhiệm vụ cụ thể được giao đều liên quan đến cải cách thể chế, điều chỉnh, thay đổi các quy định của pháp luật ở cấp T.Ư, cũng như tối ưu hóa việc tổ chức thực hiện ở cấp địa phương, nhằm giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.