Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số tia cực tím trong ngày 18/9 sẽ duy trì ở ngưỡng “nguy cơ gây hại rất cao” vào các khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ; trong đó chỉ số tia cực tím đạt cực đại vào lúc 12 giờ ở mức 8.9 - mức “báo động đỏ” về nguy cơ gây hại. Một số khu vực khác cũng có nguy cơ gây hại rất cao như: Hải Phòng: 8.5; Đà Nẵng: 8.7; Nha Trang (Khánh Hòa) 9.4; Cần Thơ: 9.7; Cà Mau: 9.6.
Với Thủ đô Hà Nội, chỉ số tia cực tím trong ngày hôm nay dự báo cũng sẽ duy trì ở ngưỡng nguy cơ trung bình đến cao; trong đó chỉ số tia cực tím vào lúc 12 giờ ở mức 7.4.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, xu hướng chỉ số tia cực tím ở mức “nguy cơ gây hại rất cao” sẽ duy trì và tăng lên tại nhiều tỉnh, thành phố du lịch như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Cà Mau) đến ngày 21/9.
Đáng chú ý, theo dự báo, chỉ số tia cực tím tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau, Nha Trang (Khánh Hòa) sẽ lên tới mức 10, tiếp tục duy trì ngưỡng “nguy cơ gây hại rất cao”.
Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, chỉ số tia UV từ 3 - 6 là ở mức trung bình; từ 6 - 8 là mức cao; từ 8 - 10 là mức rất cao, gây bỏng trong thời gian 25 phút; từ 10,5 trở lên là mức cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút...
Tia cực tím là loại tia mà con người vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tia cực tím nằm trong ánh sáng mặt trời. Bất cứ lúc nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia cực tím và chỉ khác nhau về bước sóng. Vì thế, chuyên gia khí tượng khuyến cáo khi ra đường, người dân cần mặc quần áo bảo hộ, dùng mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai; đeo kính râm để bảo vệ mắt; sử dụng kem chống nắng đều đặn, ngay cả khi trời nhiều mây.
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chỉ số nóng bức (Heat-Index) tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đều có mức màu cam- mức đặc biệt cẩn trọng (32 - 41). Người dân có khả năng say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Một số khu vực ở ngưỡng an toàn, màu xanh với chỉ số dưới 27 như: Sa Pa (Lào Cai); Pleiku (Gia Lai); Đà Lạt (Lâm Đồng).
Chỉ số nóng bức được xếp theo 5 cấp độ: Dưới 27 là an toàn, 27 - 32 là cẩn trọng, 32 - 41 là đặc biệt cẩn trọng, 41 - 54 là mức nguy hiểm, trên 54 là cực kỳ nguy hiểm.