Bà Lã Thị Liền, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, cùng với hai nội dung chính là Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông năm 2023, sẽ có 5 hoạt động kèm theo gồm: Hoạt động thực hành diễn xướng hầu đồng; rước các sản vật của địa phương dâng Mẫu; Liên hoan Hát chầu văn huyện Văn Yên lần thứ nhất năm 2023 chủ đề “Linh thiêng đất Mẫu”; trưng bày tranh ảnh, thực hành nghi lễ thờ Mẫu; một số trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao, đặc sắc như hoạt động đua mảng trên sông Hồng...
Điểm nhấn lễ hội năm nay là Liên hoan Hát chầu văn huyện Văn Yên lần thứ nhất năm 2023 chủ đề “Linh thiêng đất Mẫu”, với sự tham gia của các đội hát chầu văn. Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn tại đền Đông Cuông, nghi lễ chầu văn là tín ngưỡng bản địa, tích hợp các hình thức văn hóa dân gian khác nhau như âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công truyền thống, trang phục cùng nghệ thuật trang trí, kiến trúc, ẩm thực…
Thông qua đó nhằm gửi gắm mong muốn, khát vọng của con người; đồng thời, các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều truyền tải dấu ấn lịch sử, ghi lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước. Ý nghĩa của nghi lễ hát chầu văn, hầu đồng là đáp ứng nhu cầu và khát vọng thường nhật của con người đó là cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, cầu cho quốc thái dân an.
Một hoạt động mang tính truyền thống và không thể thiếu trong các lễ hội diễn ra hàng năm ở Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Đông Cuông đó là mâm cốm dâng Mẫu. Lễ hội năm nay, ngoài cốm dâng mẫu, thôn, bản của xã Đông Cuông còn chuẩn bị sản vật đặc sắc của địa phương, làm các loại bánh truyền thống của người Tày Khao từ gạo, bột, đậu đỗ do chính bàn tay người dân Đông Cuông trồng cấy, sản xuất. Đây là hoạt động để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông năm 2023.
Lễ rước Mẫu sang sông tại Đền Đông Cuông. |
Các hoạt động này giúp du khách và người dân địa phương được sống trong tinh thần lễ hội đặc sắc, vừa linh thiêng, vừa vui tươi, rực rỡ sắc màu văn hóa. Đây cũng là dịp để người dân địa phương giao lưu, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm cốm, từng bước đưa sản phẩm cốm Đông Cuông trở thành hàng hóa phục vụ du khách thập phương.
Ông Vũ Ngọc Ứng, cán bộ Ban Quản lý đền Đông Cuông cho biết, nhiều năm nay, Hội thi khéo tay làm cốm trong Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông để lại những ấn tượng đẹp với du khách. Đây là hoạt động văn hóa dân gian có từ lâu đời, mang đậm bản sắc riêng của người Tày Khao mừng vụ gặt. Cốm nếp được coi là sản vật mang hương vị tinh túy của đất trời, ngon nhất của mùa vụ được dâng lên tạ ơn Mẫu Thượng ngàn, Ngọc Hoàng và các đấng thần linh, thể hiện sự biết ơn của người dân đối với đất trời đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tại không gian của lễ hội, thanh đồng, bản hội tiến hành các hoạt động, trình diễn nghệ thuật hầu đồng tại cung Công Đồng, cung Chúa và Phủ Sơn Trang. Đặc biệt trong đêm khai mạc và bế mạc Festival tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội cơm mới năm 2023 diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc và rước các sản vật của địa phương dâng Mẫu Thượng ngàn, có sự tham gia của nghệ nhân dân tộc Tày huyện Văn Yên...
Bà Lã Thị Liền, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, tổ chức Festival tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội cơm mới năm 2023 để tiếp tục quảng bá hình ảnh Di tích Lịch sử cấp quốc gia đền Đông Cuông và Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội đền Đông Cuông đến với du khách thập phương trong và ngoài nước, từng bước tạo sự đột phá về phát triển du lịch tâm linh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đây là dịp để những bản hội, thanh đồng, cung văn và nghệ nhân hát chầu văn trong cả nước tề tựu về đền Đông Cuông dâng hương kính Mẫu, tham gia diễn xướng hầu đồng và những hoạt động trong khuôn khổ của lễ hội nhằm phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO vinh danh và Lễ hội đền Đông Cuông được ghi danh vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội được tổ chức chu đáo, nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Yên Bái về công tác tổ chức lễ hội, đặc biệt là Công văn số 2973 ngày 21/7/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để các hoạt động thật sự ấn tượng, thiết thực, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, du khách./.