Trong đó, những mầm sống bị chối bỏ bắt nguồn từ việc mang thai ngoài ý muốn của những bạn trẻ mắc sai lầm trong tình yêu và chưa sẵn sàng làm mẹ, đang có xu hướng gia tăng.
Trường hợp cô gái 21 tuổi (quê Quảng Bình), sinh viên đại học năm cuối từng nạo phá thai 2 lần và mới đây tự sinh con trong nhà vệ sinh rồi ném đứa bé sơ sinh này qua cửa sổ tầng 31 đã gây rúng động dư luận, thêm một lần nữa báo động về tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai hoặc vứt bỏ trẻ sơ sinh.
Là tình nguyện viên thường xuyên đi thu gom xác thai nhi do nạo phá thai tại 1 số phòng khám tư ở Hà Nội, Nguyễn Trọng Đạo, sinh viên một trường Cao đẳng ở Hà Nội cho biết, hơn 2 năm qua đã cùng 1 số bạn bè tìm được hơn 3.000 xác thai nhi, cho vào tiểu sành, rồi thuê xe mang về quê Nam Định chôn cất.
Hơn 3000 xác thai nhi chỉ là những gì thu được tại 5 phòng khám tư gần khu vực Đạo ở trọ. Trong khi đó, trên địa bàn Thủ đô có hàng trăm phòng khám sản phụ khoa và có nhiều tình nguyện viên khác cũng đi thu gom xác thai nhi như Đạo đang làm.
Nguyễn Trọng Đạo cho biết, trong hơn 2 năm thầm lặng làm công việc này, chỉ có 2 ngày không thu gom được xác thai nhi nào: “Dịp cuối năm này, xác thai nhi thu được nhiều hơn, đa số là thai nhi nhỏ. Có hôm tiếp nhận được cả xác của thai nhi như mới sinh, khoảng 7 tháng, 8 tháng tuổi thai. Nhiều phòng khám ủng hộ việc làm của chúng em. Nhưng nhiều nơi xua đuổi. Chúng em phải phối hợp với người thu gom rác. ”.
Hiện chưa có thống kê nào về số ca nạo phá thai tại các phòng khám tư nhân, nhưng nhiều người phải giật mình trước con số hơn 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm ghi nhận được tại các bệnh viện công lập, trong đó có từ 3.000 đến 9.000 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên.
Bác sỹ Lê Thị Kim Dung, khoa Phụ sản, Bệnh viện Nông nghiệp chia sẻ: “Lối sống sinh hoạt của lớp trẻ bây giờ thoải mái hơn xưa rất nhiều. Ở Việt Nam đi phá thai hầu như không bị ngăn cấm và không yêu cầu phải xuất trình chứng minh thư nên một cô gái 12 tuổi đến đây bảo cháu 18 tuổi thì chúng tôi cũng không biết được.
Còn bác sĩ Đào Văn Thụ, Trung tâm Sức khỏe sinh sản- Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, số ca nạo phá thai đang có xu hướng gia tăng. 5 năm qua, Trung tâm thực hiện gần 40.000 ca nạo phá thai, trong đó hơn 15% nữ thanh niên chưa kết hôn và khoảng 1% trẻ vị thành niên.
Câu chuyện ám ảnh nhất mà bác sĩ Đào Văn Thụ chia sẻ là không ít học sinh, sinh viên tự uống thuốc kích thích đẻ non để vứt bỏ con đi. Vụ việc nữ sinh viên năm cuối Đại học Văn hóa Hà Nội mới đây tự sinh con trong nhà vệ sinh rồi ném đứa bé sơ sinh này qua cửa sổ tầng 31 chứa đầy nghi vấn sử dụng thuốc kích thích đẻ non. Những trường hợp phá thai kiểu này thường chỉ được phát hiện khi những thai phụ bị tai biến, nhập viện.
Bác sĩ Đào Văn Thụ nói: “Hiện nay có 2 loại thuốc mà các bạn trẻ mua về tự phá thai. Đó là thuốc làm mềm tử cung và thuốc đẩy thai ra. Nhiều em sau khi uống thuốc bị tai biến chảy máu, băng huyết, sót rau phải nhập viện. Cũng có những trường hợp phá thai tại phòng khám tư, sau đó bị tai biến phải đến bệnh viện điều trị.”
Nạo phá thai đang báo động trong giới trẻ là do lối sống buông thả hay do cách tiếp cận giáo dục về sức khỏe tình dục chưa phù hợp?
Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, quan điểm giáo dục hiện nay chưa phù hợp với thực tế cuộc sống đã có những thay đổi. Nhiều người vẫn quan niệm rằng cung cấp kiến thức phòng tránh thai cho học sinh, sinh viên là vẽ đường cho hươu chạy. Trong khi mỗi cơ quan chức năng lại chỉ phụ trách một mặt của vấn đề sức khỏe tình dục và không có đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về tình trạng nạo phá thai của vị thành niên, thanh niên đang gia tăng. Đây là bất cập lớn.
Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình thừa nhận: “Nhiều trẻ vị thành niên, thanh niên phá thai chủ yếu là do nhận thức sự thiếu hụt thông tin, thiếu hiểu biết về các phương tiện tránh thai để có thể sử dụng, phòng tránh thai.”
Từ thực tế tiếp nhận những bạn trẻ đến bệnh viện nạo phá thai, bác sỹ Lê Thị Kim Dung, khoa Phụ sản, Bệnh viện Nông nghiệp cho rằng: “Nhà trường cần giáo dục 2 vấn đề là làm thế nào để không mang thai ngoài ý muốn và không bị lây truyền qua đường tình dục. Bản thân bố mẹ cũng cần hiểu biết để trao đổi với con về việc thế nào là quan hệ tình dục an toàn, nếu không thì sẽ xảy ra chuyện. Bây giờ bọn trẻ dậy thì sớm hơn, nhiều em gái 10 tuổi đã dậy thì. Phải trang bị đầy đủ kiến thức cho các con khi đến tuổi dậy thì, không nên chờ đến lúc con 18 tuổi”.
Tuy nhiên, để những ông bố, bà mẹ và thầy cô giáo biết cách giáo dục sức khỏe tình dục cho con em mình cần có những nghiên cứu, phân tích cụ thể của ngành y tế, từ đó đưa ra định hướng giáo dục cho từng lứa tuổi. Đặc biệt, phải có đơn vị phụ trách về vấn đề giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên, chứ không thể thiếu vắng bóng dáng của cơ quan quản lý theo kiểu “bỏ trống trận địa” như hiện nay, khi mà tình trạng nạo phá thai tuổi vị thành niên và thanh niên đang ở mức báo động.