Trong nước đơn hàng sản xuất giảm, chi phí đầu vào tăng cao, kim ngạch xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương mà sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm đã có những dấu hiệu khởi sắc.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của hầu hết các tháng đầu năm 2023 tăng thấp hoặc giảm so với các tháng cùng kỳ năm trước. Cụ thể, IIP tháng 01/2023 giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022, tháng Ba giảm 2%, tháng Tư giảm 2,4%.
Tết Nguyên đán năm 2023 rơi vào tháng Một (năm 2022 Tết Nguyên đán rơi vào tháng Hai) nên hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra trong tháng 02/2023 không bị gián đoạn. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho IIP tháng 01/2023 giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 và IIP tháng 02/2023 tăng lên đến 7%.
Từ tháng 5-11/2023, sản xuất công nghiệp dần phục hồi, IIP các tháng tăng dần. Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 0,5%; 1,7%; 2,3%; 3,5%; 2,9%; 4,4% và 5,8%. Sự cải thiện này là do sản xuất công nghiệp phục vụ tiêu dùng trong nước tiếp tục mở rộng, bao gồm thực phẩm và đồ uống cũng như xăng dầu.
Trong sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò là trụ đỡ, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế (là ngành cấp 1 chiếm quyền số cao nhất trong toàn ngành công nghiệp, ngành này chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ tháng 01-11/2023 lần lượt là: -11,2%; 6,5%; -2,5%; -2,8%; -0,9%; 2,1%; 2,6%; 4,3%; 3,8%; 4,5%; 6,3%.
Sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng đầu năm 2023 không ổn định, gặp nhiều khó khăn, cầu tiêu dùng suy giảm, đặc biệt tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam, như: Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.
Nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam, cụ thể là với những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu cho tiêu dùng của các nước như: may mặc, đồ gỗ, sản phẩm điện tử, … đều giảm, đơn hàng xuất khẩu giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Điều này đã khiến cho chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng đầu năm 2023 hầu hết là giảm.
Đến những tháng cuối năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dần lấy lại đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất của ngành tăng dần. Theo “Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng Quý III và dự báo quý IV năm 2023” được Tổng cục Thống kê (TCTK) tổng hợp, biên soạn dựa trên điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) của 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đã đưa ra kết quả: “67,6% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động SXKD quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (30,1% tốt hơn và 37,5% giữ ổn định); 32,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn[1]. Dự báo quý IV/2023 khả quan hơn quý III/2023 với 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2023 so với quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định (39,1% tốt hơn, 37,2% giữ ổn định); 23,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn”.
Để đánh giá hoạt động SXKD của doanh nghiệp chế biến, chế tạo, có thể dựa trên các chỉ số cân bằng chung và chỉ số cân bằng thành phần (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm)[2]. Qua kết quả điều tra cho thấy dự báo quý IV/2023 khả quan hơn. Cụ thể: Chỉ số cân bằng chung quý IV/2023 so với quý III/2023 là 15,4% (39,1% doanh nghiệp dự báo tăng, 23,7% doanh nghiệp dự báo giảm); Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý IV/2023 so với quý III/2023 là 14,0% (37,3% doanh nghiệp dự báo tăng và 23,3% doanh nghiệp dự báo giảm); Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý IV/2023 so với quý III/2023 là 0,3% (14,9% tăng và 14,6% giảm); Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý IV/2023 so với quý III/2023 là 15,8% (38,7% tăng, 22,9% giảm); Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý IV/2023 so với quý III/2023 là -14,2% (16,5% tăng, 30,7% giảm).
Cùng với dự báo khả quan về tình hình SXKD của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 là tín hiệu đáng mừng cho sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, để góp phần thúc đẩy hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thì đỏi hỏi phải có sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, các ngành để giúp các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt như:
(1) Bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm;
(2) Kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả;
(3) Giảm lãi suất vay vốn và hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để doanh nghiệp có nguồn vốn SXKD kịp thời và hiệu quả hơn.