Mối đất là nguồn thực phẩm quý của người dân vùng cao. Với đôi bàn tay khéo léo, người dân bản địa nơi đây đã chế biến thành nhiều món ăn dân dã, hấp dẫn chiêu đãi khách quý.
Đĩa mối đất chiên nóng hổi làm thực khách nức cả mũi - Ảnh: T.Ly |
Sau những cơn mưa giông chiều miền núi, không khí trở nên mát mẻ hẳn lên, lúc này hàng trăm đàn mối đất dày đặc từ những ụ đất trong vườn chui ra chấp chới đôi cánh mỏng, chập chờn trong bóng hoàng hôn. Chúng rủ nhau quần tụ vào nơi có nhiều ánh sáng. Đây cũng là thời điểm thích hợp để bắt mối đất.
Bỏ lại cái ồn ào, oi ả và nhịp sống sôi động đến mức bon chen bằng một chuyến đi phượt khám phá đầy lấm lem, mệt nhoài mà vui. Một bữa cơm đơn sơ giữa vùng núi đậm đà hương vị, có lẽ là niềm ao ước của nhiều người thành phố.
Và nếu ai từng có dịp đi ngang qua các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn… của Quảng Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại hẳn sẽ không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những bữa cơm đậm chất rừng với các món chà rá, lợn mọi, cơm lam... và cả món dân dã mối đất.
Mối đất là loài côn trùng sống theo đàn, cánh mỏng, thân dài khoảng hơn 1cm, bụng lớn bằng sợi bún tươi, có viền đen quanh thân màu vàng nâu.
Theo kinh nghiệm của đồng bào vùng cao, khi phát hiện có mối lập tức tắt đèn, điện trong nhà, chỉ để lại một bóng đèn hoặc đặt một cái đèn pin để mối tập trung vào một chỗ. Sau đó đặt thau nước có ánh đèn, khi thấy nguồn sáng mối bay đến sà xuống thì gặp nước, cánh bị ướt không bay lên lại được.
Mối đã đầy thau thì hốt ra bỏ vào bao.
Món “tuyệt chiêu” và ít tốn công hơn cả của đồng bào vùng cao là mối đất chiên giòn. Mối đất sau khi bắt làm sạch cánh bằng cách đặt chảo lên bếp, chờ nóng đều, bỏ những bát mối vào và dùng đũa khuấy, nước bám vào mối bốc hơi và khô dần.
Lúc này, đổ ra mẹt, dùng tay đảo nhẹ và sảy cho cánh mối bay đi, còn lại thân hình mũm mĩm. Bắt chảo, phi dầu cùng hành tỏi thơm phức rồi đổ mối vào, vài phút sau nêm một ít nước mắm, tiêu bột, chút đường. Chảo mối đất chiên giờ bốc khói làm nức cả mũi, nhanh tay đảo đều, nhắc xuống.
"Thu hoạch" mối - Ảnh: T.Ly |
Mối đã sơ chế để rụng bớt cánh - Ảnh: T.Ly |
Nếu muốn cầu kỳ hơn chút xíu thì pha một tô bột chiên, nhúng từng con rồi thả vào chảo dầu đang sôi, chờ bột vàng ruộm là vớt ra. Thật đầm ấm khi mọi người sau một chuyến đi cùng nhau quây quần bên đĩa mối đất nhâm nhi trò chuyện.
Cứ thế lấy từng con một cho vào miệng nhai chậm rãi, thêm vài cộng húng, cùng đôi ba bánh tráng. Vị ngọt bùi, béo đậm đà của mối đất, quyện vị nhân nhẩn và mùi thơm đặc trưng của các loại rau như đánh thức mọi cảm xúc, xua đi bao nỗi nhọc nhằn sau một ngày phượt đường xa.
Ngoài ra để no bụng bao giờ cũng có món cháo mối đất. Đong lon gạo nương vào nồi to, vo sạch rồi đổ nước bắt lên bếp nấu chín. Tiếp đến, cho mối đất đã bỏ sạch cánh vào chảo, dùng đũa đảo qua đảo lại vài bận đến khi mối chín vàng thơm lừng thì trút hết chảo mối sang nồi cháo trắng đang sôi.
Quấy đều nồi cháo lên, cho bột ngọt, muối, hạt tiêu giã nhuyễn và hành lá xắt nhỏ vào nồi là xong.
Mối chiên giòn ăn kèm bánh tráng - Ảnh: T.Ly |
Có đến tận nơi, bên bếp lửa hồng, nhâm nhi chén rượu nếp nồng nàn, thưởng thức mùi thơm mối đất chiên giòn... mới cảm nhận hết mùi đặc trưng khó tả, vừa lạ lẫm lại khá giản dị, ấm áp khiến những lữ khách khi rời cung đường này lại vấn vương nhớ mãi..